Thứ năm, 17/10/2019 15:09 GMT+7

Hội thảo về tháo dỡ và tẩy xạ lò phản ứng nghiên cứu

Trong 2 ngày 7 và 8/10/2019, Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc (KAERI) tổ chức Hội thảo về tháo dỡ và tẩy xạ Lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu (LPƯNC). Tham dự Hội thảo có các chuyên gia đến từ KAERI và Công ty NUDECOMM (chuyên tháo dỡ và tẩy xạ các cơ sở hạt nhân) do ông Park Seungkook làm trưởng đoàn cùng với 25 cán bộ khoa học của Trung tâm Lò phản ứng.

Ông Lương Bá Viên, Phó Viện trưởng Viện NCHN phát biểu khai mạc Hội thảo.
 

Tại Hội thảo, các chuyên gia Hàn Quốc đã trình bày các vấn đề liên quan đến yêu cầu về pháp quy, kế hoạch và kỹ thuật tháo dỡ và tẩy xạ LPƯNC tại Hàn Quốc. Đặc biệt, những bài học kinh nghiệm và kỹ thuật tháo dỡ và tẩy xạ LPƯNC TRIGA Mark II công suất 250 kW đã vận hành 36.000 giờ và TRIGA Mark III công suất 2 MW đã vận hành 55.000 giờ của Hàn Quốc cũng được trình bày. Phía Việt Nam đã trình bày các hoạt động của Viện NCHN và kế hoạch tháo dỡ và tẩy xạ sơ bộ của Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (LPƯHNĐL).
 

Chuyên gia Hàn Quốc trình bày về kế hoạch tháo dỡ và tẩy xạ LPƯNC.
 

Thông qua Hội thảo, các thành viên tham dự đã hiểu rõ hơn về việc thực hiện xây dựng kế hoạch và kỹ thuật tháo dỡ, tẩy xạ LPƯNC, đặc biệt là đối với các Lò phản ứng TRIGA. Những kiến thức và kinh nghiệm về tháo dỡ và tẩy xạ LPƯNC của Hàn Quốc được xem là điển hình và có thể áp dụng cho LPƯHNĐL trong quá trình lên kế hoạch, tổ chức và quản lý thực hiện kế hoạch và kỹ thuật tháo dỡ trong tương lai.

Liên quan đến hoạt động tháo dỡ và tẩy xạ cho LPƯHNĐL, kế hoạch sơ bộ đã được xây dựng từ năm 2011 và sẽ được cập nhật, hoàn thiện thông qua đề tài nghiên cứu cấp Bộ trong các năm 2020-2021, bao gồm: Cập nhật kế hoạch, đánh giá kinh phí và số liệu chi tiết bằng việc đo đạc các mẫu vật liệu được lấy từ Lò phản ứng cũng như tính toán lý thuyết bằng các chương trình như MCNP và ORIGEN. LPƯHNĐL đã được xây dựng từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước, từ năm 1984 đến nay Lò phản ứng đã được vận hành và khai thác rất hiệu quả, đặc biệt sau khi chuyển đổi nhiên liệu vào cuối năm 2011. Kế hoạch sơ bộ tháo dỡ và tẩy xạ LPƯHNĐL đã được xây dựng và đã có những số liệu ban đầu, tuy nhiên sau thời gian vận hành 10 năm, các số liệu cần phải được cập nhật. Đồng thời, song hành với quá trình vận hành và khai thác, việc chuẩn bị cho kế hoạch tháo dỡ và tẩy xạ cho LPƯHNĐL cần phải luôn được quan tâm thực hiện cả về pháp quy lẫn kế hoạch và kỹ thuật.
 

ThS. Nguyễn Kiên Cường trình bày về các hoạt động của Viện NCHN.
 

Cũng tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo của Viện NCHN cùng các cán bộ của Trung tâm Lò phản ứng và các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận về cơ chế, cách thức hợp tác trong tương lai đối với công việc tháo dỡ và tẩy xạ LPƯNC giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VINATOM) với Viện KAERI và Công ty NUDECOMM của Hàn Quốc. Các hình thức triển khai hợp tác có thể thông qua các hoạt động như: Sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc; hợp tác song phương giữa VINATOM và KAERI; tham dự Hội nghị Khoa học và Công nghệ và hạt nhân toàn quốc, tổ chức Hội thảo của đề tài nghiên cứu, hoặc hợp tác song phương trực tiếp với Công ty NUDECOMM để tư vấn thực hiện kế hoạch tháo dỡ và tẩy xạ cho LPƯHNĐL.
 

Các cán bộ khoa học của Viện NCHN và chuyên gia Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm.
 

Hội thảo đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng trong việc cung cấp những thông tin chung về tháo dỡ và tẩy xạ LPƯNC, đồng thời thảo luận định hướng về khả năng triển khai hợp tác trong tương lai giữa Viện NCHN/VINATOM với KAERI và Công ty NUDECOMM. Đại diện phía Hàn Quốc, ông Park Seungkook đã chân thành cám ơn sự đón tiếp, công tác tổ chức Hội thảo chu đáo cùng với sự tham gia nhiệt tình của các cán bộ khoa học Viện NCHN.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 2551

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)