Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và đoàn công tác đã có buổi làm việc với ông Marcel Tanner, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Sỹ.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Thụy Sỹ, ngày 01/10/2019, Đoàn Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do Bộ trưởng Chu Ngọc Anh dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Ủy ban Nhà nước về giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, Bộ Giáo dục, Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo Thụy Sỹ. Tham gia Đoàn công tác còn có Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Bà Martina Hirayama, Quốc vụ khanh phụ trách giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Thụy Sỹ đã trao đổi, đánh giá về tiềm năng và định hướng hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.
Thông tin về tình hình phát triển KH&CN những năm gần đây, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Việt Nam luôn xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có vai trò hết sức quan trọng. KH&CN đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia bước đầu hình thành và chuyển dịch theo hướng doanh nghiệp trở thành trung tâm để đưa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ trực tiếp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo cũng đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Thị trường KH&CN bước đầu có những chuyển dịch mạnh theo hướng gắn kết hoạt động KH&CN với sản xuất, kinh doanh.
Với vai trò là người đứng đầu cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao tiềm năng hợp tác với Thụy Sỹ - một trong những nước năng động nhất thế giới về hoạt động nghiên cứu và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Nhằm tăng cường hợp tác, hai bên thống nhất thúc đẩy các chương trình đồng tài trợ cho các dự án nghiên cứu chung giữa các nhà khoa học hai nước, đặc biệt là thông qua các Quỹ nghiên cứu, trong đó có hợp tác giữa Quỹ NAFOSTED của Việt Nam và Quỹ Khoa học quốc gia Thụy Sỹ. Hai bên nhất trí cao đối với việc tạo điều kiện, khuyến khích hoạt động hợp tác giữa các nhà khoa học dưới nhiều hình thức khác nhau như nghiên cứu chung, tổ chức hội thảo khoa học, đào tạo chuyên ngành; thúc đẩy hoạt động hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với Thụy Sỹ trong một số lĩnh vực mà Thụy Sỹ có thế mạnh như: công nghiệp dược phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Bà Quốc vụ khanh Martina Hirayama đã ký Tuyên bố hợp tác giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo Thụy Sỹ.
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và Bà Quốc vụ khanh Martina Hirayama đã ký Tuyên bố hợp tác giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo Thụy Sỹ. Văn bản ký kết này sẽ tạo cơ sở thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa hai nước trong thời gian tới.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng đã có buổi làm việc với ông Marcel Tanner, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Sỹ. Bộ trưởng cho biết, thời gian vừa qua, cơ chế, chính sách về KH&CN của Việt Nam đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới để dần từng bước đưa KH&CN gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương; khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ứng dụng đổi mới công nghệ và phát triển thị trường KH&CN; khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao vào những ngành, lĩnh vực ưu tiên. Đầu tư cho KH&CN của Việt Nam cũng dần được quan tâm hơn.
Với vai trò là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN đánh giá cao tiềm năng hợp tác với Thụy Sỹ, đặc biệt là trong việc xác định phương pháp và tổ chức thực hiện việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực về KH&CN.
Hai bên nhất trí thúc đẩy trao đổi để triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể, đặc biệt là trong xây dựng chiến lược, chính sách KH&CN, nghiên cứu, phát triển công nghệ về đa dạng sinh học và trao đổi sinh viên thông qua các hoạt động nghiên cứu chung trong thời gian tới./.