Thứ sáu, 20/09/2019 15:04 GMT+7

Lễ ký kết Dự án hợp tác ba bên giữa Việt Nam - IAEA - Lào/Campuchia

Ngày 17/9/2019, bên lề Khóa họp lần thứ 63 Đại hội đồng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tại thủ đô Viên, Cộng hòa Áo đã diễn ra lễ ký kết Dự án hợp tác ba bên giữa Việt Nam - IAEA - Lào và Việt Nam - IAEA - Campuchia. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Lễ ký kết.


Thứ trưởng Phạm Công Tạc, Đại sứ nước Cộng hòa dân chủ Lào tại Áo Sithong CHITNHOTHINH, Phó Tổng Giám đốc IAEA Dazhu Yang, và Thứ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia Ung Eang

Với vai trò là đầu mối quốc gia trong quản lý và thúc đẩy phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) phục vụ phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo, trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) triển khai nhiều dự án hợp tác kỹ thuật quốc gia, khu vực và liên khu vực. Nhờ đó năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực NLNT đã đạt trình độ nhóm đầu trong khu vực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội. Trong khi đó, Lào và Campuchia là những quốc gia thành viên mới và bước đầu tham gia vào các chương trình hợp tác của IAEA, đồng thời cũng là các nước láng giềng có quan hệ đặc biệt đối với Việt Nam, có sự khởi điểm về ứng dụng NLNT tương đồng với chúng ta hơn 40 năm trước. Do vậy, vào tháng 8/2017, Việt Nam và IAEA đã khởi xướng Dự án hợp tác ba bên giữa Việt Nam - IAEA - Lào và Việt Nam - IAEA - Campuchia nhằm cùng phối hợp hỗ trợ hai nước Lào và Campuchia phát triển ứng dụng NLNT, góp phần tăng cường cơ chế hợp tác kỹ thuật giữa các quốc gia đang phát triển (TCDC) cũng như thúc đẩy hợp tác Nam-Nam (South - South cooperation) theo đúng tinh thần hội nhập quốc tế mà Nhà nước ta đã đề ra.

Kể từ khi khởi xướng đến nay, các bên đã tiến hành một số hoạt động hợp tác theo nhu cầu, điều kiện tài chính và khả năng cung cấp hỗ trợ của từng bên. Để có cơ sở pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy triển khai các hoạt động dự án một cách bài bản, các bên đã thống nhất sẽ ký Thỏa thuận dàn xếp (Practical Arrangements) giữa IAEA, Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.
 


Thứ trưởng Phạm Công Tạc, Phó Tổng Giám đốc IAEA Dazhu Yang, Đại sứ nước Cộng hòa dân chủ Lào tại Áo và đại diện của các Bên tại Lễ ký kết

Ngày 17/9/2019, bên lề Khóa họp lần thứ 63 Đại hội đồng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tại thủ đô Viên, Cộng hòa Áo đã diễn ra lễ ký kết Dự án hợp tác ba bên giữa Việt Nam - IAEA - Lào và Việt Nam - IAEA - Campuchia. Đoàn Việt Nam tham dự Lễ ký kết do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc dẫn đầu, cùng với sự tham dự của ông Nguyễn Tuấn Khải - Cục trưởng Cục ATBXHN, bà Trần Bích Ngọc - Phó Cục trưởng Cục ATBXHN, Điều phối viên quốc gia của Việt Nam trong hợp tác với IAEA, ông Nguyễn Hào Quang - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, ông Nguyễn Tiến Quang - Phó Giám đốc Bệnh viện K và một số cán bộ đại diện của các đơn vị năng lượng nguyên tử, Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Vụ Các tổ chức quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Áo.

Ông Dazhu Yang, Phó Tổng Giám đốc IAEA phụ trách về hợp tác kỹ thuật đại diện cho IAEA tham gia lễ ký.
 


Thứ trưởng Phạm Công Tạc, Phó Tổng Giám đốc IAEA Dazhu Yang, Thứ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia Ung Eang và đại diện của các Bên tại Lễ ký kết

Các lĩnh vực ưu tiên hợp tác được xác định trong khuôn khổ dự án bao gồm: ứng dụng bức xạ trong các lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp, công nghiệp và kiểm tra không phá hủy, an toàn bức xạ và hạt nhân, quản lý chất thải phóng xạ, ứng dụng lò phản ứng nghiên cứu, cơ sở hạ tầng pháp quy, chuẩn bị và ứng phó sự cố bức xạ, chiếu xạ, y học hạt nhân, quản lý và quan trắc môi trường biển và trên mặt đất.

Thông qua Dự án ba bên, một mặt Việt Nam có thể hỗ trợ IAEA trong việc hướng dẫn Lào và Campuchia xây dựng dự án, mặt khác có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật về ứng dụng NLNT cho nước bạn trên cơ sở năng lực kỹ thuật hiện tại của quốc gia, cũng như xây dựng hạ tầng pháp quy để sử dụng NLNT một cách an toàn và an ninh. Do đó, dự án này được IAEA rất quan tâm và coi như hình mẫu để phổ biến nhân rộng đối với các quốc gia khác trong khu vực./.

Nguồn: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân

Lượt xem: 3197

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)