Thứ sáu, 13/09/2019 15:44 GMT+7

Khai thác và Phát triển nguồn gen Quế thanh hóa (Cinnamomum cassia) có năng suất và chất lượng tinh dầu cao

Là một loài cây trồng lâm nghiệp quan trọng, quế đã được quan tâm nghiên cứu khá sớm và toàn diện, từ các nghiên cứu lâm học cơ bản, nghiên cứu chọn giống và gây trồng (Hoàng Cầu, 1970; Trần Kiến Hanh, 1975; Đỗ Thanh Hoa, 1977; Lê Đình Khả, 1995; Phạm Xuân Hoàn, 2001; Nguyễn Huy Sơn và Phạm Văn Tuấn 2006) tới quy phạm về kỹ thuật trồng quế. Đây là những tiền đề rất thuận lợi cho gây trồng và thâm canh quế. Tuy nhiên do thiếu các giống bản địa tốt, cũng như những thông tin về nguồn tài nguyên di truyền phục vụ cho việc cải thiện giống, nên việc khai thác và phát triển nguồn gen Quế thanh đang gặp nhiều trở ngại và khó khăn. Chính vì vậy, nhiệm vụ “Khai thác và Phát triển nguồn gen Quế thanh hóa (Cinnamomum cassia) có năng suất và chất lượng tinh dầu cao” do nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam đứng đầu là PGS. TS. Triệu Văn Hùng và TS. Lưu Cảnh Trung thực hiện, với mục tiêu tuyển chọn và sưu tập nguồn gen phục vụ cho việc khai thác và phát triển giống Quế thanh trong thời gian từ năm 2013-2016 là rất cần thiết.

Đề tài đặt ra mục tiêu lựa chọn và phát triển được nguồn gen các xuất xứ/dòng Quế thanh Hóa có năng suất và chất lượng tinh dầu cao.

Một số kết quả của nghiên cứu:

1. Bổ sung đặc điểm lâm học và xác định giá trị nguồn gen cây Quế thanh

- Hiện trạng gây trồng Quế thanh: Diện tích trồng Quế ở Thanh Hóa đã suy giảm đáng kể, hiện chỉ còn khoảng trên dưới 100 ha rừng trồng Quế tập trung trên toàn tỉnh. Quế trồng ở Thanh Hóa đa phần là các giống ở nơi khác mang đến, diện tích trồng tại địa phương không nhiều và thường được trồng phân tán trong vườn hộ, lẫn với các loài khác. Quế thanh đang bị suy giảm nghiêm trọng về cả số lượng và chất lượng.

- Hàm lượng tinh dầu và cinnamaldehyde: Hàm lượng tinh dầu Quế thanh khá cao, trung bình đạt 3,73%, mẫu có hàm lượng tinh dầu cao nhất là 7,14% (XL01) và thấp nhất là 1,91% (XC3). Tuy nhiên hàm lượng cinnamaldehyde lại khá thấp, trung bình chỉ đạt 58,59%, mẫu có hàm lượng cinnamaldehyde cao nhất là XL16 (85,1%), thấp nhất là VX09 (40,1%). Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng cinnamaldehyde có sự khác biệt rõ rệt giữa các quần thể thu thập mẫu và có liên hệ chặt chẽ với các biến dị di truyền. Kết quả phân tích đa dạng di truyền cũng cho thấy có sự tương đồng về di truyền với tương đồng về hàm lượng cinnamaldehyde.

- Đa dạng di truyền các giống Quế thanh: Hệ số tương đồng di truyền của 32 mẫu Quế, trong đó có 4 mẫu thu ở Yên Bái (2 mẫu) và Nghệ An (2 mẫu) khá cao dao động từ 0,67 đến 0,91. Sự tương đồng cao về mặt di truyền tạo điều kiện thuận lợi cải thiện các giống Quế thanh sau này bằng cách lai tạo với các giống Quế tại Yên Bái và Nghệ An.

2. Xây dựng 03 ha vườn giống vô tính các dòng Quế thanh

- Chọn lọc cây trội: Nhiệm vụ đã chọn được 40 cây trội có hàm lượng tinh dầu cao hơn quần thể trên 10%. Độ vượt trội về hàm lượng tinh dầu thập nhất là 11.54% và cao nhất là 210% so với quần thể. Về hàm lượng cinnamaldehyde có 40 cây/40 cây trội có độ vượt trên 10%, cây có độ vượt cao nhất là cây XL16 (vượt 55,01%).

- Xây dựng 03 ha vườn giống vô tính tại Thanh Hóa: Nhiệm vụ đã tạo được hơn 1.400 cây ghép của 40 dòng cây trội để phục vụ xây dựng 03 ha vườn giống vô tính. Sau 16 tháng trồng tỷ lệ sống trung bình của vườn giống 82%, dòng có tỷ lệ sống cao nhất đạt 96,8% (XCM 01, XL 01, XL 03, XCH 01), dòng có tỷ lệ sống thấp nhất là 71% (YN12, XCM08, VX 06). Sinh trưởng về đường kính 𝐷̅00 = 6,321 mm (±0,52), 𝐷ghép= 4,34 mm ((±0,42), 𝐻̅𝑣𝑛= 44,7 cm (±02,65), 𝐻̅ghép=22,55 cm (±2,32).

- Kết quả khảo nghiệm dòng vô tính bước đầu cho thấy 3 dòng XL01, XL16 và XCM01 cho sinh trưởng đường kính, chiều cao vượt trội so với các dòng khác. Hàm lượng tinh dầu và cinnamaldehyde trong vỏ cây trội của cả 3 dòng này đều rất cao, hàm lượng tinh dầu của 3 cây lần lượt là 7,1% (XL 01), 6,1% (XCM 01) và 6% (XL 16). Đặc biệt 2 dòng XCM 01 và XL 16 có hàm lượng Cinamaldehyde đều trên 80%, cao nhất trong 40 cây trội. Trong đó, 3 dòng Quế XL01, XL16 và XCM01 là những dòng triển vọng nhất cho năng suất và chất lượng tinh dầu cao.

3. Xây dựng 10 ha rừng trồng thâm canh

Tạo cây giống và xây dựng 10 ha mô hình rừng trồng thâm canh: Nhiệm vụ đã thu thập hạt giống từ 40 cây trội và tạo được gần 30.000 cây giống từ 40 gia đình cây trội. Trong 2 năm 2015 và 2016, nhiệm vụ đã xây dựng được 10 ha mô hình trồng rừng Quế thanh thâm canh tại Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Kết quả đánh giá cho thấy tỷ lệ sống đạt 93,8%, sinh trưởng 𝐷̅00 = 7,7 mm (5,2 - 9,6), 𝐻̅𝑣𝑛= 59,8cm (35,9 - 60,5). Kết quả thí nghiệm trồng dưới các độ tàn che cho thấy trong năm đầu Quế trồng ở độ tàn che 0,3 - 0,4 cho sinh trưởng tốt nhất.

4. Xây dựng qui trình trồng rừng Quế thanh theo hướng thâm canh

Từ kết quả tổng kết các kỹ thuật gây trồng Quế và đánh giá các mô hình hiện có trong vùng, nhiệm vụ đã dự thảo quy phạm kỹ thuật trồng Quế thanh theo hướng thâm canh cho khu vực Thanh Hóa. Bản dự thảo quy phạm được trình bày theo đúng theo Quy chế xây dựng, ban hành, phổ biến và kiểm tra áp dụng Tiêu chuẩn ngành.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 14111) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 4135

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)