Toàn cảnh buổi làm việc.
Buổi làm việc nhằm trao đổi về các giải pháp thúc đẩy hoạt động KH&CN trên địa bàn Tỉnh cũng như định hướng nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, phát triển các sản phẩm chủ lực địa phương... Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành của Tỉnh.
Lấy KH&CN, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Gia Lai cho biết, trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về KH&CN, các chương trình, nhiệm vụ KH&CN đã luôn bám sát Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND Tỉnh để phục vụ. Trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh đã chỉ đạo Sở KH&CN tham mưu lựa chọn, quyết định phê duyệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt chú trọng đến việc khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển bền vững, lấy KH&CN, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Từ năm 2016-2018, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng hướng; tổng sản phẩm trong tỉnh năm 2016 ước đạt 36.262,5 tỷ đồng, tăng 7,48% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy chuyển dịch cơ cấu nông lâm nghiệp - thủy sản theo hướng giảm dần trong cơ cấu kinh tế chung của Tỉnh, nhưng việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong sản xuất nông nghiệp của Tỉnh đã làm tăng giá trị qua từng năm.
Ông Lưu Trung Nghĩa cũng cho biết, hiện nay các nhiệm vụ trọng tâm của ngành KH&CN đang được tập trung triển khai trên địa bàn Tỉnh như: Hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia hàng năm, đến nay, đã có 56/56 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện, chi cục và cơ quan ngành dọc và 222/222 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Tỉnh đã triển khai xây dựng và công bố hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008.
Về hoạt động quản lý công nghệ và thị trường công nghệ: đã có gần 25.000 ha cây công nghiệp ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, một số các doanh nghiệp đã đi đầu trong dẫn dắt áp dụng cơ giới hóa, xây dựng cánh đồng lớn (Nhà máy đường An Khê, Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai…v.v), một số doanh nghiệp đã ứng dụng nông nghiệp thông minh trong sản xuất Hồ tiêu như công ty Olam tại Chư Pưh, ứng dụng đổi mới công nghệ trong chế biến cà phê như Công ty TNHH Vĩnh Hiệp với thương hiệu cà phê L’amant được cấp giấy chứng nhận UTZ và 4C với kinh phí hơn 100 tỷ đồng (tương đương 5 triệu đô la)…v.v. Trên địa bàn Tỉnh có 04 doanh nghiệp đã được chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN.
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân trong phát triển tài sản trí tuệ, Tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động Điểm tư vấn xây dựng nhãn hiệu. Trong thời gian qua, cơ sở này đã thực hiện tư vấn và hướng dẫn cho 100 tổ chức, cá nhân về đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
Trong năm 2019, Tỉnh triển khai thực hiện 23 nhiệm vụ KH&CN từ những năm trước chuyển sang theo đúng quy trình, quy định; cấp 14 giấy chứng nhận hoạt động KH&CN cho các tổ chức KH&CN; tổ chức nghiệm thu 06 nhiệm vụ; chuyển giao kết quả nghiên cứu đối với 90 nhiệm vụ KH&CN đã kết thúc cho 31 tổ chức, đơn vị và các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh để triển khai ứng dụng...
Cũng theo lãnh đạo Tỉnh, bên cạnh các kết quả đạt được, trong quá trình triển khai nhiệm vụ ngành KH&CN, Tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, như những bất cập về thủ tục thanh quyết toán tài chính đối với các nhiệm vụ KH&CN; Chưa có quy định gắn kết giữa các chương trình kinh tế- xã hội với các nhiệm vụ KH&CN; Hoạt động KH&CN ở cơ sở chỉ mới chú trọng đến việc triển khai dự án ứng dụng KH&CN cấp huyện, các hoạt động khác (đo lường, thanh kiểm tra, sở hữu trí tuệ,…) chưa được quan tâm; Cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp KH&CN về đất đai, về thuế xuất đã có quy định, tuy nhiên việc vận dụng vào thực tiễn còn rất hạn chế và rất khó khăn; Việc định giá đối với các tài sản trí tuệ cũng còn gặp nhiều khó khăn; Các cơ chế, chính sách quy định định mức hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới công nghệ chưa hoàn thiện; cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ, thiết bị và chuyên gia tư vấn về công nghệ chưa đầy đủ, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu và tạo sự thuận lợi để phục vụ cho sản xuất của các doanh nghiệp và người dân…
Trên cơ sở những khó khăn gặp phải, Tỉnh đã đưa ra khá nhiều kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc sửa đổi cơ chế chính sách như: chỉnh sửa bổ sung một số nội dung quy định về đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN tại Thông tư số 11/2014/TT-BKHCN ngày 30/5/2014 của Bộ KH&CN; Cần có quy định cụ thể và rõ hơn về việc xử lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước; Có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương rõ hơn, thuận lợi hơn trong việc xây dựng: Các phòng thí nghiệm đạt chuẩn phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn theo ISO/IEC 17025:2005; tổ chức chứng nhận VietGAP, GlobalGAP...; Có kế hoạch triển khai và hướng dẫn các địa phương trong việc thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo Tỉnh cũng nhận thấy cần có cơ chế, chính sách phù hợp và thông thoáng trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp KH&CN về đất đai, về thuế xuất; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách về KH&CN trong đổi mới công nghệ (nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ)...
Ngoài ra, Tỉnh cũng đề xuất các đề tài, dự án tham gia Chương trình KH&CN quốc gia, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình nông thôn miền núi hàng năm.
Hoạt động KH&CN cần gắn kết với doanh nghiệp sản xuất
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tại buổi làm việc với tỉnh Gia Lai.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh chia vui với kết quả chỉ đạo của Lãnh đạo Tỉnh hết sức toàn diện trên địa bàn. Chỉ đạo của Tỉnh thể được thể hiện qua sự quan tâm, tạo điều kiện và giao nhiệm vụ cụ thể đối với KH&CN trên địa bàn Tỉnh. Đối với doanh nghiệp, người dân chú trọng vào việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đối với ngành KH&CN trên địa bàn tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của Tỉnh, trong đó có sự tham gia của doanh nghiệp trong tất cả các khâu như bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa. Tiếp đến là hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm,... điều đó rất thực chất và đang đi đúng hướng.
Bên cạnh đó, vai trò tham mưu của các sở/ban/ngành mà đặc biệt là Sở KH&CN cũng được thể hiện rất rõ qua đường nét linh hoạt, năng động và phù hợp thực tiễn trên địa bàn Tỉnh.
Bộ trưởng mong muốn, thời gian tới, tỉnh Gia Lai tiếp tục chỉ đạo tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động KH&CN giai đoạn 2015-2020, nhất là cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng Báo cáo Chính trị và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp sẽ diễn ra vào năm 2020, 2021 đồng thời xem xét, đưa KH&CN trở thành khâu “đột phá" trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh để có được sự chỉ đạo tập trung hơn.
Phối hợp các Bộ, ngành và địa phương liên quan trong việc xác định các chương trình dự án liên kết phát triển sản xuất, vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến sản phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp vào chuỗi giá trị sản xuất khi triển khai các chương trình, dự án liên kết trên địa bàn.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải gắn kết hoạt động KH&CN với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là về các quy trình, công nghệ trong sản xuất, Bộ trưởng cho rằng cần ưu tiên cho phát triển doanh nghiệp KH&CN của địa phương theo hướng nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, nhất là việc tạo ra sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị cao; tăng cường tiềm lực cho hệ thống đánh giá chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Thể hiện sự ủng hộ đối với các kiến nghị, đề xuất của Tỉnh, Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị phối hợp với Sở KH&CN rà soát để lựa chọn được một số dự án ưu tiên trong số các dự án đề xuất để kịp tiến độ đưa vào thực hiện ngay từ năm 2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành phát biểu.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành bày tỏ cảm ơn đối với Bộ trưởng vì đã đồng hành, quan tâm và thường xuyên làm việc với tỉnh Gia Lai. Đồng chí Chủ tịch Tỉnh hy vọng Bộ KH&CN tiếp tục quan tâm và hỗ trợ giúp tỉnh Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung trong thời gian ngắn tiến kịp và vượt qua một số nơi khác. Với quan niệm “ứng dụng phải có doanh nghiệp đồng hành, phải có sự chung tay tham gia của doanh nghiệp bởi khi tiến bộ KH&CN được vận hành ở doanh nghiệp sẽ tạo ra công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người nông dân là rất lớn”, Chủ tịch Tỉnh cũng khẳng định trong thời gian tới, KH&CN sẽ có những đóng góp thiết thực cho vùng Tây Nguyên có điều kiện phát triển một cách toàn diện hơn”.
Bộ trưởng và đoàn công tác dâng hương tại Quảng trường Đại đoàn kết.
Bộ trưởng tham dự Lễ cắt băng khánh thành Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Gia Lai.
Trước đó, cùng ngày Bộ trưởng và đoàn công tác Bộ KH&CN đã đến dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Đại đoàn kết và tham dự Lễ khánh thành Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai. Đây là tổ hợp nhà máy chế biến nông sản hiện đại lớn nhất khu vực Tây Nguyên, với công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm. Được khởi công xây dựng từ tháng 1/2018 trên quy mô 6 ha, Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai đã chính thức đi vào hoạt động với 3 dây chuyền sản xuất tự động hóa áp dụng công nghệ hiện đại của Nhật Bản, Italy, Thụy Điển gồm dây chuyền sản xuất nước quả cô đặc và nước quả tự nhiên, công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sản xuất rau quả đông lạnh, công suất 22.000 tấn sản phẩm/năm và dây chuyền sản xuất rau quả đồ hộp, công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm./.