Thứ ba, 27/08/2019 00:58 GMT+7

Chuyên gia giỏi người Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ xây dựng bệnh án điện tử bằng AI

Ngày 24/8, tại Trường Đại học Thủy lợi, Hà Nội, trong khuôn khổ Tiểu dự án "Phát triển các phương pháp học máy để khai thác bệnh án điện tử phục vụ chăm sóc sức khoẻ và nghiên cứu y học" được Dự án FIRST của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Ngân hàng Thế giới tài trợ, GS. Hồ Tú Bảo và nhiều chuyên gia thực hiện Tiểu dự án đã có các bài giảng trước hàng trăm sinh viên về những tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong sự kiện Machine Learning day (Ngày học máy).

Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của hàng trăm đại biểu trong lĩnh vực Máy học, Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn. Trước đó, sự kiện tương tự đã được tổ chức ở Đà Nẵng và Tp Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Tạ Bá Hưng – Cán bộ phụ trách Hợp phần 1A-Chuyên gia giỏi nước ngoài về KH, CN và Đổi mới sáng tạo, Dự án FIRST cho biết, trong khuôn khổ Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ”, gọi tắt là Dự án FIRST (do Bộ KH&CN là cơ quan chủ quản và Ngân hàng Thế giới tài trợ) đã và đang có nhiều tiểu dự án tài trợ cho chuyên gia giỏi nước ngoài về KH, CN và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong số đó có tiểu dự án "Phát triển các phương pháp học máy để khai thác bệnh án điện tử phục vụ chăm sóc sức khoẻ và nghiên cứu y học" do GS. Hồ Tú Bảo làm chủ nhiệm, Viện John Von Neumann thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là đơn vị thụ hưởng.



Ông Tạ Bá Hưng – Cán bộ phụ trách Hợp phần 1A, Dự án FIRST đánh giá cao những kết quả Tiểu dự án đạt được

 

Theo GS. Hồ Tú Bảo, AI được ứng dụng nhiều trên thế giới và trở nên quan trọng hơn ở Việt Nam thời gian gần đây. Các ứng dụng tăng nhanh, đạt được thành công như trong ngành ngân hàng, hàng không, nhận dạng tiếng nói, hình ảnh... Có nhiều đột phá trong những bài toán truyền thống của AI, phần lớn sử dụng học máy. AI đang và sẽ trở thành công cụ lao động chủ yếu trong mọi lĩnh vực và hạ tầng của AI gắn với các công nghệ tạo và lưu trữ dữ liệu.

Tại sự kiện, các chuyên gia đã đưa ra bức tranh tổng quan về ứng dụng AI trong các ngành hiện nay cũng như những cơ hội khi sinh viên quan tâm đến lĩnh vực này. Đồng thời giới thiệu về những ứng dụng của AI trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là trong việc xây dựng hạ tầng số về y tế như mọi công dân đều có thể có và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân như tài sản riêng; kết nối bệnh án điện tử giữa các bệnh viện để tạo dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia; sử dụng AI hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho công dân;… 

Để triển khai các nội dung của Tiểu dự án nói trên, một nhóm các nhà khoa học hàng dầu về trí tuệ nhân tạo được kết nối và mời về Việt Nam cùng nghiên cứu và hỗ trợ nhóm các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, trong đó có các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài như: GS. Hồ Tú Bảo, GS danh dự của Viện KH&CN tiên tiến Nhật Bản (JAIST), hiện là Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM); GS. Nguyễn Hùng Sơn từ Đại học Varsava, Ba Lan; GS. Nguyễn Xuân Long từ Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ; TS. Bùi Hải Hưng, chuyên gia từ Hoa Kỳ, hiện đang là Giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo của Vingroup; GS. Phùng Quốc Định từ Đại học Monash, Australia. Đây là các nhà khoa học có nhiều đóng góp cho phát triển lĩnh vực chuyên môn và ứng dụng trong thực tiễn về Máy học, Trí tuệ nhân tạo và Dữ liệu lớn.

GS. Hồ Tú Bảo cho biết, Tiểu dự án hướng đến mục đích phát triển và ứng dụng các phương pháp dựa trên các thành tựu mới nhất của AI, nhất là khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn và học máy để khai thác các bệnh án điện tử phục vụ chăm sóc sức khoẻ cho người Việt Nam và phục vụ nghiên cứu y học ở nước ta. Hiện các hoạt động của Tiểu dự án đã được ứng dụng tại một số bệnh viện đi đầu trong áp dụng bệnh án điện tử, như Bệnh viện Vân Đồn (Quảng Ninh), Bệnh viện Thống nhất, Bệnh viện Trường Đại học Y-Dược TP. Hồ Chí Minh và Bệnh viện Thủ Đức (Tp. Hồ Chí Minh).



GS. Hồ Tú Bảo giới thiệu về Tiểu dự án và những ứng dụng của AI trong y tế

 

Ngoài các kết quả trực tiếp liên quan đến phát triển, đề xuất ứng dụng các phương pháp học máy tiên tiến, phù hợp với điều kiện Việt Nam, con người Việt Nam  trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và nghiên cứu y học thông qua khai thác các bệnh án điện tử, các nhà khoa học kiều bào còn tích cực triển khai các hoạt động truyền bá, phổ biến các tri thức mới nhất về AI, khoa học dữ liệu và học máy thông qua tổ chức các khoa học mini với sự tham gia của các cán bộ khoa học trẻ từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các bệnh viện và các doanh nghiêp ở cả 3 miền Bắc-Trung -Nam.

Đây là một trong những Tiểu dự án đã triển khai hiệu quả việc kết nối mạng lưới chuyên gia trong và ngoài nước về AI, góp phần lan toả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu mới về AI không những trong giới học thuật mà còn tới các lĩnh vực ứng dụng thực tiễn trong sản xuất, kinh doanh.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3273

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)