Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh mạng xã hội đang ngày càng phát triển và trở thành sân chơi rộng lớn để giao lưu, chia sẻ và kết nối mạnh mẽ.
Theo thống kê, ngày nay chúng ta bỏ ra 5,9 giờ để sử dụng các thiết bị điện tử, chạm vào điện thoại trung bình 2617 lần mỗi ngày. Có 66% người thừa nhận cảm thấy bất an khi không thể truy cập được tài khoản mạng xã hội; 55% người cho biết mạng xã hội ảnh hưởng đến hành vi, 51% cho biết đó là hành vi xấu do ảnh hưởng của sự so bì bất công; 95% trẻ vị thành niên có dùng mạng xã hội khẳng định chứng kiến quấy rối trên mạng, 33% trong số đó từng là nạn nhân.
Trong đó, Facebook mới xuất hiện tại Việt Nam năm 2009, nhanh chóng trở thành mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay. Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội này đã hình thành những hành vi và biểu hiện tâm lý mới ở con người như thay đổi cách thức giao tiếp trong cộng đồng hay cách thức thể hiện cá tính bản thân, trong đó có cả những thay đổi tích cực và những biến thiên tiêu cực dẫn đến nhiều vấn đề xã hội phức tạp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đỗ Thành Long, Giám đốc Văn phòng các Chương trình KH&CN Quốc gia cho rằng, với sự toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt là sự bùng nổ của thế giới số thì những tiến bộ mới nhất của nhân loại chỉ cần click chuột có thể tiếp cận thông tin một cách đa dạng nhất. Chính vì có quá ít thời gian để nhìn nhận các nguồn tin nên gây ra lúng túng dưới góc độ người dùng cũng như góc độ quản lý nhà nước. Đây là vấn đề không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà đang xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, vậy làm thế nào để quản lý mạng xã hội là vấn đề nổi cộm là vấn đề đặt ra hiện nay.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Đỗ Thành Long cho rằng, với các cán bộ công chức, viên chức, ngoài tư cách cá nhân thì việc tham gia mạng xã hội còn với tư cách là đại diện của các cơ quan, đơn vị tham gia trực tiếp vào xây dựng cơ chế quản lý mạng xã hội đó. Muốn như vậy, cần am hiểu về mạng xã hội để quản lý, và phát huy sức mạnh, hạn chế tiêu cực đối với xã hội.
Ông Đỗ Thành Long, Giám đốc Văn phòng các Chương trình KH&CN Quốc gia phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, diễn giả Lê Quốc Vinh đã khái quát tổng quan về mạng xã hội và những thách thức trong công tác quản lý thông tin tại Việt Nam; Thực trạng tin giả trên mạng xã hội – những vấn đề đặt ra và các giải pháp truyền thông trong thời đại truyền thông số và mạng xã hội. Theo ông Vinh, sự mất kiểm soát của mạng xã hội gây ra mối lo ngại rất lớn. Do đó kỹ năng quan trọng nhất của một người làm truyền thông là kỹ năng nghe, làm thế nào để lành mạnh hóa thông tin trên mạng xã hội. Sự lộn xộn, hiểu nhầm bất ổn trên mạng xã hội cũng đều xuất phát từ việc nghe sai, nghe không rõ, nghe không hiểu…
Bên cạnh những mặt tích cực mạng xã hội đem lại như: tạo kết nối, giáo dục, kêu gọi sự trợ giúp, cập nhật thông tin, quảng bá sản phẩm,…thì cũng không thiếu những mặt tiêu cực của mạng xã hội như gian lận và lừa đảo, vấn đề an ninh, nguy cơ cho tính mạng,… Để phân biệt được, theo ông Vinh, người dùng mạng phải xây dựng cho mình tư duy phản biện, không vội tin những gì được đọc, phải tìm hiểu xem tin đó xuất phát từ nguồn nào, có phải nguồn chính thống hay không, có những ai cũng nói tương tự như thế,…
Diễn giả Lê Quốc Vinh tại Hội thảo
Hội thảo cũng được nghe nhiều trao đổi, thảo luận của các đại biểu và phần giải đáp của diễn giả Lê Quốc Vinh như việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội, cách thức giải quyết khủng hoảng truyền thông đối với các cơ quan nhà nước, truyền thông đến cộng đồng nhà khoa học,…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm