Thứ năm, 25/07/2019 15:07 GMT+7

Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế Yukiya Amano qua đời ở tuổi 72

Ngày 22/7/2019, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo Tổng giám đốc Yukiya Amano qua đời. Nhiệm kỳ của ông dự kiến kết thúc vào cuối năm 2021. IAEA cũng cho biết Ông Amano đã có kế hoạch từ chức Tổng giám đốc mà ông đảm nhận trong gần mười năm qua.


Ông Yukiya Amano (Ảnh: IAEA)

Ông Amano trở thành Tổng giám đốc IAEA vào ngày 01 tháng 12 năm 2009. Đến tháng 9 năm 2017, Ông tiếp tục được bổ nhiệm  nhiệm kỳ bốn năm lần thứ ba và nhiệm kỳ này dự kiến kết thúc vào cuối tháng 11 năm 2021. Ngày 22/7/2019, Ban thư ký IAEA đã ra thông báo về sự ra đi của ông “với niềm tiếc thương sâu sắc nhất”.

Ban thư ký đã chia sẻ tâm tư gần đây nhất Ông dự định đưa vào thư gửi tới Hội đồng thống đốc khi tuyên bố quyết định từ chức: “Trong thập kỷ qua, IAEA đã đạt được nhiều kết quả cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu “nguyên tử vì hòa bình và phát triển”, nhờ sự hỗ trợ của các Quốc gia thành viên và sự cống hiến của nhân viên IAEA. Tôi rất tự hào về thành tích của chúng tôi và biết ơn các Quốc gia thành viên và nhân viên của IAEA.”

Tốt nghiệp Khoa Luật Đại học Tokyo, Ông Amano bắt đầu công tác tại Bộ Ngoại giao Nhật Bản vào tháng 4/1972 và giữ các chức vụ quốc tế tại Bỉ, Pháp, Lào, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ.

Ông có nhiều kinh nghiệm trong ngoại giao giải trừ quân bị và không phổ biến  cũng như các vấn đề năng lượng hạt nhân. Tại Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông là Giám đốc Bộ phận giải trừ quân bị, không phổ biến và khoa học từ năm 2002 đến năm 2005. Trước đó, Ông từng là chuyên gia chính phủ trong Hội đồng về Tên lửa của Liên hợp quốc và Nhóm chuyên gia của Liên hợp quốc về Giáo dục giải trừ quân bị và không phổ biến. Ông đã đóng góp cho các Hội nghị Đánh giá Hiệp ước về Không phổ biến hạt nhân năm 1995, 2000 và 2005, và ông chủ trì Ủy ban Chuẩn bị cho Hội nghị Đánh giá Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân năm 2010.

Ông Amano từng là chủ tịch của Hội đồng Thống đốc của IAEA từ tháng 9 năm 2005 đến tháng 9 năm 2006. Ông là đại diện thường trú của Nhật Bản tại IAEA từ năm 2005 cho đến khi được bầu làm Tổng giám đốc.

Ông đã chỉ đạo công tác ứng phó của IAEA với vụ tai nạn Fukushima vào tháng 3 năm 2011 tại quê nhà Nhật Bản. Vào tháng 9 năm 2017, ông nói: "Tất cả những bài học từ vụ tai nạn Fukushima Daiichi hiện đã được đưa vào tất cả các yêu cầu an toàn hạt nhân của IAEA để đảm bảo chúng trở thành một phần của thực hành an toàn toàn cầu."

Ông Amano cũng được biết đến với việc sửa đổi phương châm của IAEA từ 'Nguyên tử vì hòa bình' thành 'Nguyên tử vì hòa bình và phát triển', giúp IAEA hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc trong việc thực hiện 17 mục tiêu vì sự phát triển bền vững. Dưới sự lãnh đạo của ông, IAEA cũng tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia muốn phát triển năng lượng hạt nhân trong cơ cấu năng lượng của mình.
 


Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến và Ngài Yukiya Amano tham dự buổi gặp gỡ với giới báo chí ngày 9/01/2014 tại Bộ KH&CN nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ 2

Trên cương vị Tổng giám đốc IAEA, Ông Amano đã có 2 chuyến thăm chính thức  đến Việt Nam vào tháng 10/2011 và tháng 01/2014 với mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa IAEA và Việt Nam. Trong chuyến thăm vào năm 2014, Ông Amano đã tiếp kiến Lãnh đạo Chính phủ, làm việc với một số cơ quan có liên quan của Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bệnh viện Bạch Mai) và trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí. Sự hỗ trợ kỹ thuật của IAEA cho Việt Nam trong thời gian qua đã giúp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, quản lý và pháp quy, và triển khai các ứng dụng khoa học công nghệ hạt nhân vào thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
 


Ngài Yukiya Amano thăm và làm việc với Cục Năng lượng nguyên tử ngày 8/1/2014 nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ 2

Tại Hội nghị cấp Bộ trưởng IAEA về Khoa học và Công nghệ hạt nhân tổ chức ở Viên, CH. Áo vào tháng 11/2018, có sự tham dự của Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Phạm Công Tạc dẫn đầu, Ông Amano phát biểu: "Các nước đang phát triển đặc biệt quan tâm đến việc làm thế nào IAEA có thể giúp họ trồng thêm lương thực, điều trị ung thư, quản lý nguồn cung cấp nước, bảo vệ đại dương và theo dõi biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tôi thấy rằng nhận thức như vậy thường chỉ giới hạn trong cộng đồng hạt nhân - các nhà khoa học, kỹ sư và bác sĩ làm việc trong lĩnh vực này. Ở cấp quốc gia vẫn còn thiếu nhận thức về đóng góp lớn của khoa học và công nghệ hạt nhân cho sự phát triển. Kết quả là, toàn bộ tiềm năng của khoa học và công nghệ hạt nhân vì hòa bình chưa được nhận thức." Theo Ông, đã đến lúc cần nâng cao nhận thức cộng đồng về khoa học và công nghệ hạt nhân, tích hợp việc sử dụng khoa học công nghệ hạt nhân một cách rõ ràng vào các kế hoạch phát triển quốc gia và nhấn mạnh tầm quan trọng của nó đối với các cơ quan viện trợ và các nhà tài trợ./.

Nguồn: Cục Năng lượng nguyên tử (tổng hợp)

Lượt xem: 2864

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)