Tham dự Hội nghị còn có Lãnh đạo các Bộ: Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Giáo dục và Đào tạo; Tài Nguyên và Môi trường; Y tế; Lao động, Thương Binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Phạm Công Tạc đại diện Bộ KH&CN đã tham gia và trình bày một số điểm nổi bật trong công tác xây dựng cơ chế chính sách về KH&CN.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị giao ban
Tiếp tục đưa chủ trương chính sách của Đảng vào cuộc sống
Đại diện các Bộ, Ban, ngành, viện nghiên cứu tham dự Hội nghị đã tập trung bàn về việc thực hiện các văn bản của Đảng liên quan đến các lĩnh vực khoa giáo mà cụ thể là KH&CN, y tế, giáo dục và đào tạo, môi trường, văn hóa xã hội, thông tin và truyền thông…
Về lĩnh vực KH&CN, Hội nghị đã thảo luận về công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 27-NQ/TW về phát triển đội ngũ tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Kết luận số 50-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 20 và Kết luận số 52-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27. Các ý kiến trao đổi nhằm làm rõ những kết quả đã đạt được, các vấn đề còn tồn tại, xác định nguyên nhân cũng như xây dựng kế hoạch thực hiện trong thời gian tới.
Chủ trì Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định những kết quả tích cực của công tác khoa giáo Đảng trong thời gian qua. Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với các Ban, Bộ, ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận cũng như các văn bản của Đảng liên quan đến công tác khoa giáo, đồng thời chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về thành tựu KH&CN và trình độ công nghệ, về các sự kiện lớn của ngành KH&CN như Ngày KH&CN Việt Nam 18/5; về Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa; về vai trò của KH&CN và đổi mới sáng tạo trong quá trình tái cơ cấu, nâng cao chất lượng tăng trưởng của các ngành, các lĩnh vực…
Trong lĩnh vực KH&CN, thời gian qua, Ban Tuyên giáo Trung ương trình Ban Bí thư Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và ngày 30/5/2019, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 52-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27; Trình Ban Bí thư Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và ngày 30/5/2019, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 50-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 20.
Nhìn nhận những kết quả đạt được, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã bày tỏ cảm ơn sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đối với hoạt động KH&CN, giúp Bộ KH&CN hoàn thành nhiệm vụ do Đảng và Chính phủ giao.
Trong 6 tháng đầu năm, Bộ KH&CN đã xây dựng, trình Quốc hội và đã được Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 văn bản (gồm 2 Nghị định và 4 Quyết định); Hoàn thiện Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia; Dự thảo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Đề án phòng ngừa và ứng phó sự cố phóng xạ xuyên biên giới…
Theo Thứ trưởng, gần đây Việt Nam gia nhập các hiệp ước thương mại như EVFTA, trước đó là CPTPP, FTA, AFTA nên cần điều chỉnh một số văn bản pháp quy, thay đổi một số tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa; điều chỉnh quy định về nhập khẩu công nghệ để phục vụ công tác đánh giá, giám định công nghệ và đặc biệt là quy định về sở hữu trí tuệ trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Bộ KH&CN tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ như đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển Hệ tri thức Việt số hóa và tăng cường kết hợp với các Bộ, ngành, địa phương để cập nhật cơ sở dữ liệu; tiến hành tổng hợp kết quả nghiên cứu và triển khai (R&D) từ các Bộ, ngành, địa phương, viện và trường đại học.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc báo cáo về công tác xây dựng chính sách về KH&CN
Nhìn nhận sự phát triển của khoa học, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam cũng khẳng định những chuyển biến rõ rệt của khoa học xã hội, tuy chậm hơn so với những ngành khác. Lãnh đạo Viện cũng chỉ ra những khó khăn của ngành như thiếu hụt đội ngũ cán bộ khoa học có năng lực, thu nhập của cán bộ khoa học trong ngành còn thấp nên khó thu hút được người tài. Bởi tính đặc thù của nghiên cứu khoa học xã hội nên, theo GS. Thuần, cần có chính sách riêng đối với chuyên ngành này.
Đồng quan điểm với đại diện Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, GS.TS Phan Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng cho rằng, nên có chính sách khuyến khích cán bộ nghiên cứu khoa học, nhất là cán bộ trẻ. GS. Minh cũng nêu khó khăn trong việc ứng dụng nghiên cứu khoa học vào thực tiễn, bởi hiện nay vẫn vắng bóng sự tham gia của các doanh nghiệp, hay nói cách khác, doanh nghiệp chưa thực sự nhận thức rõ về sự cần thiết phải đầu tư cho nghiên cứu khoa học.
Phải tìm ra “gốc rễ” của các vấn đề tồn tại
Nhằm nâng cao hiệu quả của công tác khoa giáo trong thời gian tới, trong đó có hoạt động KH&CN, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan của Đảng và Chính phủ, giữa các Bộ, ngành bởi có những vấn đề mang tính liên ngành. Theo Phó Thủ tướng, phải nghiên cứu tìm ra “gốc rễ” của những vấn đề còn tồn tại hiện nay. Trong lĩnh vực KH&CN, muốn thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chính sách tài chính, chính sách thuế phải phù hợp. Ngoài ra, công tác truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, để từ nhận thức đi đến hành động thiết thực. Phó Thủ tướng cũng nêu một vấn đề lớn đặt ra hiện nay là “chưa có tư duy chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của truyền thông trong lĩnh vực khoa giáo
Nhằm triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị tiếp tục phổ biến rộng rãi Kết luận 50-KL/TW về Nghị quyết 20-NQ/TW và Kết luận 52-KL/TW về Nghị quyết 27; nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN bằng cách gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị nghiên cứu, lấy kết quả nghiên cứu và ứng dụng làm thước đo đánh giá.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng nêu bật những vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới mà trước hết là cần thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Ban Bí thư trong việc sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng đối với các lĩnh vực khoa giáo.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh đến sự phối hợp chặt chẽ giữa các Ban, Bộ, ngành trong khối khoa giáo; tiến hành kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương, trong đó có Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
Đồng chí Võ Văn Thưởng phát biểu kết luận Hội nghị
Đối với công tác tuyên truyền, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định tiếp tục định hướng và chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách phát luật của Nhà nước liên quan đến các lĩnh vực của khoa giáo; Bám sát tình hình thực tiễn, dự báo tình hình và chủ động nắm bắt thông tin, định hướng dư luận xã hội về lĩnh vực khoa giáo; Chủ động phối hợp với các Bộ, Ban, ngành, địa phương để kịp thời phát hiện các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khoa giáo có thể gây bức xúc trong xã hội. Một vấn đề nữa cũng được lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng cần giải quyết, đó là sớm ban hành chính sách trọng dụng, sử dụng nhân tài. /.