Trong giai đoạn từ nay đến năm 2023, ASEANTOM đặt mục tiêu ưu tiên nâng cao năng lực của các quốc gia ASEAN về ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân dựa trên việc thiết lập mạng lưới vùng về quan trắc bức xạ cảnh báo sớm (EWRMN) cùng với hệ thống hỗ trợ ra quyết định (DSS) và chương trình đào tạo nguồn nhân lực thông qua một số dự án hợp tác vùng quan trọng được tài trợ bởi các Đối tác đối thoại lớn, bao gồm Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Ủy ban Châu Âu (EC) và Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (US.DOE).
Tại phiên họp đối thoại, Hội nghị đã nghe báo cáo của các Đối tác đối thoại đánh giá tình hình triển khai các hoạt động trong khuôn khổ một số dự án vùng quan trọng, bao gồm:
- Dự án hợp tác vùng IAEA-ASEANTOM RAS 9/0/77 “Hỗ trợ chuẩn bị và ứng phó trường hợp khẩn cấp tại các quốc gia khu vực Đông Nam Á”
- Dự án hợp tác vùng IAEA-ASEANTOM “Tăng cường năng lực pháp quy về cấp phép, thanh tra và bảo đảm an ninh vật liệu phóng xạ và cơ sở liên quan tại khu vực Đông Nam Á (2018-2021)
- Dự án hợp tác vùng EC-ASEANTOM về “Nâng cao năng lực chuẩn bị và ứng phó trường hợp khẩn cấp tại khu vực Đông Nam Á” gồm 2 dự án thành phần là Dự án 1 “Hỗ trợ kỹ thuật để đưa ra quyết định (DSSs)” và Dự án 2 “Thiết lập mạng lưới quan trắc cảnh báo sớm khu vực ASEAN (EWRMN)”
- Dự án ASEANTOM-U.S.DOE/NNSA về Chương trình đào tạo triển khai diễn tập về chuẩn bị và ứng phó sự cố và an ninh hạt nhân
Bên cạnh các dự án hiện nay, ASEANTOM rất nỗ lực gắn kết, chủ động tạo cơ hội hợp tác với một số đối tác mới như Cơ quan hợp tác vùng RCA (RCARO) về đào tạo và phát triển năng lực trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân, giám định hạt nhân; đề xuất tìm kiếm phương hướng hợp tác với Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA).
Tiếp đó, từ ngày 02-03/7/2019, các quốc gia thành viên đã tham dự Phiên họp chính sách nội bộ của ASEANTOM. Phiên họp đã nghe các quốc gia thành viên báo cáo về tiến trình đạt được của những Dự án nói trên, chỉ ra những mặt còn khó khăn, hạn chế khi thực tế triển khai Dự án trong năm 2018-2019, và phương hướng thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Cũng tại Phiên họp, các quốc gia thành viên đã thống nhất với chương trình Kế hoạch hành động 5 năm 2019-2023 của Mạng lưới ASEANTOM; ghi nhận và đệ trình lên Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN (ASEAN SOM) xem xét thông qua các văn kiện hợp tác quan trọng của ASEANTOM với đối tác quốc tế tại Cuộc họp thường niên này.
Trong khuôn khổ Dự án EU-ASEANTOM về Mạng lưới quan trắc phóng xạ cảnh báo sớm, các quốc gia đồng ý các bộ phận dự phòng của các trạm quan trắc sẽ được phân bố cho 7 quốc gia thành viên ASEANTOM dựa trên số lượng các trạm quan trắc cung cấp cho từng quốc gia. Cụ thể, Dự án sẽ cung cấp cho Việt Nam 41 trạm (40 trạm quan trắc trong không khí và 01 trạm quan trắc dưới nước), Myanma 12 trạm, Philippines 10 trạm, Malaysia 6 trạm, Thái Lan 5 trạm, Căm-pu-chia 4 trạm và Lào 4 trạm.
Từ đó, Các quốc gia thành viên nhất trí thiết lập Trung tâm dữ liệu phóng xạ khu vực ASEAN (ASEAN-RDEP) tại Thái Lan và Trung tâm sao lưu dữ liệu phóng xạ tại Việt Nam. Các quốc gia Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đồng ý nguyên tắc sẽ chia sẻ dữ liệu quan trắc cho ASEAN-RCEP tùy thuộc vào dạng dữ liệu, bảo mật dữ liệu của máy chủ tại từng quốc gia thành viên.
Trả lời phỏng vấn tại Hội nghị, Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải hoan nghênh những tiến triển tích cực trong xây dựng Mạng lưới ASEANTOM, đánh giá cao nỗ lực của chủ nhà Thái Lan trong triển khai các hoạt động hợp tác song phương và đa phương giữa các quốc gia thành viên cũng như với đối tác đối ngoại. Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải chia sẻ, ASEANTOM đã mang lại nhiều dự án hợp tác hiệu quả với một số đối tác quốc tế như IAEA, EC, US. DOE,.v.v., đặc biệt là dự án Mạng lưới quan trắc phóng xạ cảnh báo sớm (EWRMN). Nhờ đó, Việt Nam nói riêng và Cộng đồng ASEAN nói chung đã cùng nhau nâng cao năng lực khu vực trong lĩnh vực an toàn, an ninh, quan trắc và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.
Tại Cuộc họp, Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải đã chia sẻ một số tình hình liên quan đến vấn đề an ninh hạt nhân, giám định hạt nhân hiện nay tại Việt Nam. Cục trưởng đề nghị IAEA, US.DOE, Hàn Quốc sẽ tích cực hỗ trợ các quốc gia ASEANTOM trong việc đào tạo và phát triển nhân lực, kỹ thuật trong lĩnh vực giám định hạt nhân, nhằm tăng cường an ninh hạt nhân tại khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, Cục trưởng nhấn mạnh, mục tiêu sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình phải luôn được giữ vững trong kế hoạch hành động của Mạng lưới ASEANTOM. Với tư cách là Chủ tịch ASEANTOM 2020, Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải cam kết Việt Nam sẽ tích cực phối hợp, đóng góp cho các nỗ lực chung vì mục đích xây dựng Mạng lưới ASEANTOM ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững.
Tiếp theo Cuộc họp thường niên, sáng ngày 04/7, Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải, cùng với đoàn đã tham dự Cuộc họp kỹ thuật về An ninh hạt nhân. Tại đây, đại diện Việt Nam cũng đã có bài trình bày chia sẻ kinh nghiệm về an ninh hạt nhân tại các sự kiện lớn./.