Đại diện các doanh nghiệp trao đổi năng lực của nhau tại Diễn đàn
Đây là lần đầu tiên Diễn đàn được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh với mong muốn giới thiệu đến các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư các thông tin mới nhất liên quan đến lĩnh vực năng lượng và năng lượng tái tạo cũng như tạo cầu nối bên cung và bên cầu công nghệ thông qua hoạt động triển lãm và các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ.
Hiện nay, vấn đề sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo song song với tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất nhằm giảm chi phí và giảm thiểu sự tác động tiêu cực đối với môi trường đang nổi lên như một vấn đề cấp thiết. Với điều kiện về địa lý, khí hậu, Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, có khả năng thay thế nguồn năng lượng hóa thạch, giảm thiểu tác động tới môi trường.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong số 14 nước trên thế giới đứng đầu về tiềm năng thủy điện. Hiện nay, Việt Nam có hơn 120 nghìn trạm thủy điện, với tổng công suất ước tính khoảng 300 MW. Ngoài ra, Việt Nam có tiềm năng về năng lượng gió khá lớn, với đường biển trải dài khiến lưu lượng gió dồi dào, tổng tiềm năng ước đạt hơn 513 nghìn MW. Về năng lượng mặt trời, với lợi thế là một trong những nước nằm trong dải phân bổ ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ của thế giới, Việt Nam có rất nhiều thuận lợi để khai thác nguồn năng lượng này. Thực tế, trong hai năm trở lại đây, Việt Nam đã và đang chứng kiến sự phát triển bùng nổ trong lĩnh vực năng lượng mặt trời với cơ chế hỗ trợ của nhà nước ngày càng thiết thực hơn.
Chính vì vậy, trong khuôn khổ Diễn đàn cũng diễn Hội thảo Hệ thống chính sách và quy hoạch phát triển ngành năng lượng Việt Nam nhằm giới thiệu đến các cơ quan quản lý có liên quan, các tổ chức nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp các thông tin tổng quan về chính sách năng lượng tái tạo của Việt Nam, triển vọng năng lượng Việt Nam cũng như giới thiệu về kinh nghiệm xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành năng lượng tái tạo của Chính phủ Hàn Quốc trong thời gian qua.
Mặc dù Việt Nam ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, song cho đến thời điểm hiện tại, tổng sản lượng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn trong toàn hệ thống điện quốc gia. Nguyên nhân chính có thể kể đến là còn một số rào cản khi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo như giá điện, rào cản tính bất ổn định của năng lượng tái tạo, tài chính và năng lực công nghệ nội sinh.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết: “Trong thời qua, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã có nhiều hoạt động hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài nhằm xúc tiến các hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Nhiều công nghệ mới, tiên tiến của nước ngoài đã được Cục tập hợp, giới thiệu cho các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam và một số công nghệ đã được chuyển giao thành công góp phần nâng cao năng lực công nghệ cũng như hiệu quả sản xuất cho các doanh nghiệp Việt Nam”.
Diễn đàn công nghệ và năng lượng năm nay được tổ chức nhằm truyền tải các thông tin đa chiều từ kinh nghiệm xây dựng chính sách tại quốc gia tiên tiến như Hàn Quốc, ý kiến của doanh nghiệp trong cuộc về chính sách và công nghệ tới các thông tin về công nghệ điển hình được nghiên cứu và phát triển thành công trong nước cũng như các công nghệ từ nước ngoài sẵn sàng chuyển giao vào Việt Nam.
Ngoài ra, đây còn là hoạt động nhằm tăng cường giao lưu, gắn kết giữa các cơ quan thuộc Chính phủ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực năng lượng và cũng là nơi trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp lớn của hai nước; giữa các tập đoàn lớn của Hàn Quốc với sở, ban, ngành, các tỉnh của Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội cũng như thu hút đầu tư.
Liên kết nguồn tin: https://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/khoa-hoc/item/40651502-dien-dan-cong-nghe-va-nang-luong-viet-nam-nam-2019.html