Hội nghị do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức với sự có mặt của trên 200 đại biểu tham dự gồm các nhà quản lý, các nhà khoa học, các cơ quan viện trường và đặc biệt là sự tham gia của trên 30 doanh nghiệp đến từ các tỉnh thành trong và ngoài vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Kho tàng vô giá phát triển dược liệu
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ là Vùng có tiềm năng to lớn về phát triển dược liệu. Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu của Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định: Tây Nguyên và Nam Trung Bộ là 2 vùng phát triển dược liệu trọng điểm. Trong những năm gần đây, các địa phương trong Vùng cũng đã có nhiều quan tâm, chú trọng đến công tác phát triển dược liệu. Nhiều tỉnh đã triển khai, thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu, đánh giá tiềm năng, lợi thế của địa phương, xây dựng quy hoạch, chương trình, thông qua nghị quyết về phát triển dược liệu để phát triển kinh tế địa phương. Nhờ đó, đã tạo ra được nhiều sản phẩm dược liệu mới phục vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.
Chia sẻ về tiềm năng phát triển dược liệu vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, PGS.TS. Lê Việt Dũng - Phó Viện trưởng Viện Dược liệu, Bộ Y tế cho biết, đây là vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển dược liệu. Với tổng diện tích lớn, địa hình đa dạng từ địa hình cao nguyên, vùng núi cao, núi thấp, thung lũng (vùng Tây Nguyên), vùng đồng bằng ven biển, vùng núi thấp (tại Nam Trung Bộ). Khí hậu của Vùng có hai mùa rõ rệt và tạo ra các tiểu vùng khí hậu tương ứng với các loại địa hình khác nhau. Đất đai, thổ nhưỡng thuận lợi cho phát triển nông – lâm nghiệp nói chung và phù hợp với nhiều loại cây dược liệu nói riêng. Đó thực sự là những điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển các vùng dược liệu trọng điểm có quy mô lớn phục vụ nhu cầu thị trường.
Cùng với đó cộng đồng các dân tộc sinh sống nơi đây có trên 50 dân tộc khác nhau nên người dân có nhiều kinh nghiệm trong sử dụng các loài cây cỏ làm thuốc. Vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ là nơi có nguồn tài nguyên động thực vật phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều cây thuốc có giá trị y tế và kinh tế cao. Theo kết quả thống kê gần đây, ở Tây Nguyên có tới 1.657 loài cây thuốc và trên 1.000 loài được ghi nhận ở vùng Nam Trung Bộ. Đây thực sự là kho tàng vô giá và tiềm năng lớn để khai thác và phát triển phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, thực tiễn phát triển trong thời gian qua cho thấy, ngành dược liệu của Vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị tạo ra chưa nhiều. Nhiều loại dược liệu quý chưa được quy hoạch, phát triển chuỗi giá trị dẫn đến hiệu quả thấp, có nguy cơ cạn kiệt. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển dược liệu còn hạn chế; chưa có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành dược liệu; chưa có sự liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu; công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu dược liệu của các tỉnh trong Vùng còn yếu.
Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN phát triển dược liệu
Theo PGS.TS. Lê Việt Dũng, để góp phần đem lại nguồn lợi kinh tế, KH&CN là một trong những khâu tạo đột phá trong phát triển dược liệu. Với chủ trương của Đảng và Nhà nước, công tác phát triển dược liệu đã được quan tâm và chú trọng. Đầu tư nghiên cứu và ứng dụng KH&CN đã được các đơn vị trên cả nước tập trung nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế của các địa phương và hướng tới xây dựng các vùng trồng dược liệu tập trung, phát triển các sản phẩm từ dược liệu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội.
Tại Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đã triển khai nhiều nhiệm vụ KH&CN các cấp như: Nghiên cứu xây dựng quy trình trồng Sa nhân tím, Đảng sâm, Vàng đắng, Nấm linh chi, Nấm đông trùng hạ thảo, Nghiên cứu trồng Đảng sâm, Ngũ vị tử, Giảo cổ lam, Xuyên khung theo GACP ở tỉnh KonTum. Tại Đắc Lắc đã trồng thử nghiệm cây Sachi, Hà thủ ô đỏ, Sâm cau, Viễn chí lá nhỏ ở tỉnh Đắk Nông, Nghiên cứu sơ chế và bảo quản các dược liệu Nghệ, Đinh lăng… Ứng dụng KH&CN trong sản xuất Tỏi đen, Nghiên cứu, lưu giữ, bảo tồn và phát triển nguồn gen Quế bản địa Trà Bồng, Ba kích, Đảng sâm ở Quảng Nam; xây dựng mô hình trồng, chế biến và tiêu thụ Nghệ dưới tán rừng Keo mới trồng; xây dựng chỉ dẫn địa lý Tỏi Lý Sơn; nghiên cứu gây trồng cây Sa nhân tím tại tỉnh Quảng Ngãi. Tại Khánh Hòa có nhiệm vụ KH&CN về bảo tồn và khai thác có hiệu quả một số loài cây thuốc có giá trị cao của Khánh Hòa, nghiên cứu thử nghiệm trồng Sâm Ngọc Linh tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, xây dựng mô hình trồng cây Củ mài. Tại Ninh Thuận là trồng thử nghiệm Đinh lăng theo tiêu chí GACP…
Theo báo cáo của Viện Dược liệu, hiện nay, ứng dụng KH&CN được tập trung vào sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Nhiều công nghệ và phương pháp nghiên cứu tiên tiến như: Viễn thám, định vị vệ tinh được ứng dụng để đánh giá thực trạng nguồn tài nguyên dược liệu. Tại vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đã triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ để phát triển sản phẩm dược liệu, trong đó tiêu biểu như: Hoàn thiện quy trình sản xuất piperine và tích hợp công nghệ thu tinh dầu trong quán trình chế biến tiêu trắng tại tỉnh Đăk Nông; nghiên cứu công nghệ tách chiết sản xuất viên nang và trà hòa tan hỗ trợ bệnh cao huyết áp và mỡ máu từ đài hoa Bụp giấm; nghiên cứu chiết tách phân đoạn kháng oxy hóa từ quả me rừng; sản xuất cao khô từ lá dâu tằm….
Tại Hội nghị, báo cáo về việc nghiên cứu chế phẩm từ cây thuốc vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ phục vụ chữa bệnh và nâng cao sức khỏe cộng đồng, GS. Phạm Gia Khánh, Học viện Quân y cho biết, từ đặc thù về cơ cấu bệnh tật và khí hậu của Tây Nguyên, kết hợp nguồn dược liệu sẵn có tại khu vực Tây Nguyên, Học viện Quân y đã nghiên cứu tạo 5 sản phẩm có tác dụng chống say nóng, say nắng, đột quỵ, bổ gan, hoạt huyết, hạ mỡ máu đó là các sản phẩm Crakontum, Cyanakontum, Kardi Q10, cao chống đột quỵ định chuẩn, cao chống say nóng. Các sản phẩm của đề tài đều từ nguồn dược liệu quý của Tây Nguyên là các sản phẩm có giá trị trong điều trị và phòng một số bệnh thường gặp ở Tây Nguyên. Mục đích của nghiên cứu này không chỉ nhằm khai thác nguồn dược liệu Tây Nguyên để tạo ra các sản phẩm dược phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, mà muốn qua kết quả nghiên cứu này chuyển giao các kỹ thuật công nghệ đã đạt được cho các cơ sở dược ở Tây Nguyên. Thông qua nghiên cứu này, góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghệ dược ở Tây Nguyên, để Tây Nguyên có thể tự khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn dược liệu đa dạng, phong phú và quý hiểm ở địa bàn.
Trong nội dung chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp Hàn Quốc về nghiên cứu giải pháp công nghệ chế biến dược liệu áp dụng tại Việt Nam, TS. Kum Dongwha, Viện trưởng Viện VKIST đã nhấn mạnh về quy trình sản xuất dược liệu. Theo TS. Kum Dongwha, tất cả nghiên cứu tập trung vào nền công nghiệp và doanh nghiệp, do vậy nên đưa các giải pháp về nghiên cứu ra thị trường với giá trị cao hơn. Về nghiên cứu cần tập trung vào 4 hướng: gắn liền với nhu cầu thị trường và tiếp cận thị trường, tập trung vào phát triển kỹ thuật, đa dạng hóa lĩnh vực R&D và mở rộng đổi mới, mạng lưới và hợp tác toàn cầu.
Hội nghị diễn ra trong không khí trao đổi cởi mở, thẳng thắn dưới góc nhìn nhận các vấn đề từ viện, trường, các nhà khoa học. Đặc biệt là sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong và ngoài vùng với các tham luận giới thiệu về các mô hình đã được triển khai đang thu được kết quả từ đầu tư của doanh nghiệp. Hội nghị đã nhận được sự đồng thuận cao về sự quyết tâm cũng như mong muốn phối hợp giữa các nhà quản lý với các doanh nghiệp, giữa các tỉnh trong Vùng để triển khai các hoạt động cụ thể đối với phát triển dược liệu, hướng đến sự phát triển, tạo ra sự khác biệt về năng suất chất lượng và chủng loại sản phẩm.
Theo các đại biểu, để phát triển dược liệu của Vùng thực sự bền vững, vai trò của các doanh nghiệp sẽ là nhân tố đặc biệt quan trọng, có tính chất quyết định trong việc dẫn dắt người dân tham gia và cũng là nơi triển khai trực tiếp đầu tư sản xuất kinh doanh, nhất là khâu chế biến tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, ngoài việc tiếp tục rà soát đưa ra những chính sách khả thi từ các địa phương, cần tập trung tạo hành lang, cơ chế và sự ưu đãi để thu hút được các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư vào khu vực này. Đồng thời, có giải pháp cụ thể để bảo tồn cây thuốc quý tại Vùng; xây dựng được nhiều vùng dược liệu tập trung với quy mô đủ lớn phục vụ cho chế biến, tập trung vào phát triển các loài dược liệu đã được xác định thuộc nhóm chủ lực của Vùng; xây dựng được hệ thống cơ sở chế biến, có các nhà máy sản xuất dược phẩm được đầu tư theo chiều sâu, có khả năng đa dạng hóa sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế; hướng đến phát triển các nhà máy sản xuất thuốc đông y đạt chuẩn GMP; sản xuất nguyên liệu làm thuốc, nguyên liệu hóa dược vô cơ, tá dược, thảo dược... gắn với phát triển vùng trồng cây dược liệu phù hợp;…
Về phía Bộ KH&CN, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Bộ sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành và các địa phương, nhất là với Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, sẽ cùng cụ thể hóa các nội dung trong Chương trình phối hợp đã ký kết, trong đó có nội dung thúc đẩy phát triển dược liệu tại Vùng. Bộ cũng sẽ đồng hành với các địa phương xem xét các vấn đề về KH&CN, trước mắt ưu tiên xem xét các nội dung để hỗ trợ triển khai các nhiệm vụ KH&CN cả ở cấp tỉnh và cấp Trung ương nhằm phát triển một số sản phẩm dược liêu theo chuỗi giá trị.
Các đại biểu thăm quan gian hàng trưng bày tại Hội nghị.