Từ đầu năm 2019 đến nay, đã ghi nhận 639 cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin ở Việt Nam.
"Phần chìm" nhiều nguy hại
Theo đánh giá của Tập đoàn Công nghệ BKAV - doanh nghiệp số 1 trong lĩnh vực an ninh mạng của Việt Nam, năm 2018 đã ghi nhận nhiều sự kiện tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dùng Việt Nam. Trong đó có tới 60% hệ thống mạng cơ quan, doanh nghiệp bị nhiễm mã độc đào tiền ảo, thiệt hại tới 14.900 tỷ đồng.
Đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế cũng cho thấy, chỉ số xếp về an toàn, an ninh thông tin của Việt Nam chưa cao... Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho rằng, đó chỉ là "phần nổi nhỏ của tảng băng". Trên thực tế, "phần chìm" có những mối nguy hại đáng lo hơn nhiều. Đó là các mã độc tinh vi, ẩn sâu thuộc các chiến dịch tấn công có chủ đích.
Các cuộc tấn công này được hậu thuẫn bởi nguồn tài chính dồi dào, trình độ cao, có nhiệm vụ xâm nhập sâu, lan rộng trong hệ thống mạng của các cơ quan Đảng, Nhà nước nhằm mục đích gián điệp, hoặc phá hoại. Có không ít cuộc tấn công mạng được hậu thuẫn bởi cơ quan đặc biệt của nước ngoài. Các cuộc tấn công dạng này mang tính dài hạn, thậm chí có chiến lược được tính bằng thập kỷ.
Vì vậy, từ năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã thành lập Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (do Cục An toàn thông tin quản lý), để thực hiện chức năng giám sát trung tâm, là đầu mối kỹ thuật về giám sát, hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin cho người dân, doanh nghiệp và các hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước theo quy định...
Đến nay, trung tâm thường xuyên cập nhật về tình hình an toàn, an ninh mạng trong cả nước. Số liệu mới nhất của Cục An toàn thông tin từ đầu năm 2019 đến ngày 20-5 đã ghi nhận 639 cuộc tấn công mạng nhằm vào các hệ thống thông tin ở Việt Nam (gồm tấn công web lừa đảo, thay đổi giao diện và phát tán mã độc); có 857.927 địa chỉ IP (giao thức trên internet) Việt Nam nằm trong các "mạng máy tính ma" - giảm 37% so với tháng cùng kỳ.
Nhận thấy đây là mô hình hoạt động hiệu quả, trung tuần tháng 5 vừa qua, Sở TT-TT tỉnh Thái Bình đã khai trương Trung tâm Điều hành an ninh mạng (SOC) do Tập đoàn Công nghệ BKAV xây dựng và phát triển.
Trung tâm Điều hành SOC được kỳ vọng giúp nhanh chóng phát hiện mọi dấu hiệu tấn công vào hệ thống mạng, chủ động ứng phó, từ đó giảm các thiệt hại. Đây được xem như mô hình kiểu mẫu đầu tiên về bảo đảm an ninh mạng cấp địa phương trên toàn quốc. Tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã đề xuất một số tỉnh nên hình thành trung tâm giám sát an toàn không gian mạng.
Tạo lập thị trường an ninh mạng
Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Bộ TT-TT đã đưa ra cảnh báo, nhiều cơ quan, tổ chức ở Việt Nam sử dụng các giải pháp đắt tiền của các hãng bảo mật trên thế giới, nhưng vẫn là nạn nhân của các cuộc tấn công mạng. Mặc dù đã mua giải pháp của các hãng rất nhiều, nhưng chính các hãng này liên tục công bố Việt Nam bị mất an toàn thông tin ở mức cao.
Trong khi đó, thực tế có một nguyên tắc, trong phần cứng, phần mềm của nước ngoài có thể lưu “cửa hậu”. Vì vậy, Bộ TT-TT chủ trương kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam sử dụng sản phẩm an ninh mạng của Việt Nam không chỉ góp phần giúp doanh nghiệp Việt phát triển, mà việc sử dụng các sản phẩm của người Việt có thể phát hiện ra tấn công có chủ đích - điều mà các sản phẩm nước ngoài không phát hiện được.
Điều này cũng đã được Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhiều lần nhấn mạnh, để đưa Việt Nam trở thành cường quốc về an ninh mạng thì trước hết phải tạo ra được một thị trường an ninh mạng tại Việt Nam.
Trung tâm Điều hành an ninh mạng (SOC) tỉnh Thái Bình. Ảnh: Mạnh Hưng
Quan điểm phải tạo ra thị trường an ninh mạng cũng đã được Thủ tướng chỉ ra trong Chỉ thị số 14/2019/CT-TTg về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp, dịch vụ của doanh nghiệp trong nước đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh mạng theo quy định của pháp luật...
Để triển khai yêu cầu này, theo Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Huy Dũng, Bộ TT-TT thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, mở rộng thị trường bằng hành động cụ thể. Từ tháng 4-2019, Bộ đã công bố danh mục gồm 2 sản phẩm (của BKAV và Viettel) về phòng, chống phần mềm độc hại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo Chỉ thị số 14/2018/CT-TTg (ngày 25-5-2018) của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại.
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tiếp tục công bố danh mục sản phẩm phòng, chống phần mềm độc hại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong thời gian tới, giúp các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước sử dụng.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ BKAV cho biết, cơ quan quản lý xây dựng cơ chế tạo ra thị trường lành mạnh để các doanh nghiệp an ninh mạng trong nước cạnh tranh bình đẳng với nhau, với doanh nghiệp nước ngoài là rất cần thiết. Khi có thị trường rồi, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát triển nguồn nhân lực dồi dào hơn để bảo đảm an ninh mạng cho quốc gia, góp phần tăng thứ hạng của Việt Nam trên thế giới...
Với sự sẵn sàng của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ TT-TT, cộng với nội lực của các doanh nghiệp bảo mật trong nước và sự nêu cao nhận thức của những người đứng đầu tại các cơ quan đơn vị là cơ sở quan trọng để Việt Nam cải thiện chỉ số xếp hạng an toàn, an ninh mạng.
Liên kết nguồn tin:
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/937787/bao-dam-an-toan-an-ninh-mang