Dứa Đồng Giao là đặc sản trái cây của tỉnh Ninh Bình, có mặt trong sách Top 50 trái cây đặc sản nổi tiếng nhất Việt Nam. Dứa Đồng Giao cùng với cá rô Tổng Trường, dê núi và cơm cháy Ninh Bình được coi là những đặc sản ẩm thực tiêu biểu của Ninh Bình.
Dứa Đồng Giao có hai giống là dứa Cayene và dứa Queen.
Dứa Cayene Đồng Giao có hình trụ, màu vàng cam nhạt, mùi thơm, vị ngọt đậm, không xơ. Khối lượng quả từ 1,53 đến 1,78 kg. Đường kính quả từ 12,90 đến 13,90 cm. Chiều dài quả từ 19,45 đến 20,39 cm. Số lượng mắt dứa từ 111 đến 115 mắt. Tỷ lệ phần ăn được từ 72 đến 75%. Các giá trị dinh dưỡng đặc thù có trong dứa Cayene Đồng Giao bao gồm hàm lượng chất khô hòa tan tổng số từ 12,71 đến 14,03 0bx. Hàm lượng vitamin C từ 27,87 đến 28,57 mg/100g. Hàm lượng đường tổng số từ 8,62 đến 9,31 %. Hàm lượng axit tổng số từ 0,75 đến 0,71%. Hàm lượng chất khô từ 13,61 đến 14,26%. Hàm lượng nước từ 85,87 đến 86,26%.
Dứa Queen Đồng Giao có hình trụ, màu vàng rơm, mùi thơm, vị ngọt, không xơ. Khối lượng quả từ 0,54 đến 0,61 kg. Đường kính quả từ 7,71 đến 8,49 cm. Chiều dài quả từ 10,46 đến 11,27 cm. Số lượng mắt dứa từ 92 đến 94 mắt. Tỷ lệ phần ăn được từ 60 đến 74%. Các giá trị dinh dưỡng đặc thù có trong dứa Queen Đồng Giao bao gồm: hàm lượng chất khô hòa tan tổng số từ 16,70 đến 17,87 03 0bx. Hàm lượng vitamin C từ 26,52 đến 27,10 mg/100g. Hàm lượng đường tổng số từ 12,47 đến 14,29 %. Hàm lượng axit tổng số từ 0,78 đến 0,79%. Hàm lượng chất khô tổng số từ 16,39 đến 17,32%. Hàm lượng nước từ 82,66 đến 83,63%.
Các tính chất đặc thù của dứa Đồng Giao có được là do các điều kiện độc đáo của khu vực địa lý nơi đây. Khu vực địa lý có địa hình đặc trưng của vùng bán sơn địa, được phân bố tại vùng đồi bát úp dốc từ Tây sang Đông, tại các dải đồi thoải với độ cao dưới 100m so với mực nước biển, mức độ phân cắt địa hình ít. Đặc điểm địa hình của khu vực địa lý tạo sự đồng đều về khí hậu, tiêu thoát nước tốt, thuận lợi cho việc trồng và sản xuất cây dứa. Về khí hậu, khu vực địa lý có lượng bức xạ lớn, tổng xạ 110 - 120 kcal/cm2/năm, cán cân bức xạ cao 87,2 kcal/cm2/năm, tạo nền nhiệt cao với nhiệt độ trung bình năm 23,3 - 24,00C. Tổng nhiệt độ năm đạt 8.8000C. Số tháng có nhiệt độ trên 200C từ 8 đến 9 tháng trong năm. Giai đoạn từ tháng 12 đến tháng 2, nền nhiệt độ tại khu vực địa lý thấp, các tháng còn lại trong năm đều cao, rất phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây dứa. Trong giai đoạn cây ra hoa và tích lũy dinh dưỡng vào chùm hoa, khu vực địa lý có biên độ nhiệt ngày đêm lớn (4 - 60C) giúp tạo nên đặc điểm đặc thù cho sản phẩm dứa Đồng Giao. Lượng mưa trung bình năm tại khu vực địa lý khoảng 2.078 mm, phân bố tương đối đều. Mùa mưa tập trung từ tháng 4 đến tháng 10, mưa nhiều vào tháng 8 và tháng 9, phù hợp với tất cả các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây dứa, giúp tạo nên tính chất đặc thù của sản phẩm. Về mặt thổ nhưỡng, khu vực địa lý có 2 nhóm đất chính, 3 loại đất và 3 loại đất phụ, trong đó 2 nhóm đất chiếm diện tích lớn là nhóm đất đỏ nâu và nhóm đất đỏ vàng. Đất có thành phần cơ giới sét, hàm lượng sét cao, là điều kiện tốt giúp đất giữ được nước và dinh dưỡng, phù hợp với yêu cầu của cây dứa là cây trồng có yêu cầu lượng nước cao. Tầng mặt của đất tơi xốp, phù hợp với đặc điểm của cây dứa là cây có bộ rễ yếu, ăn nông. Chỉ tiêu dinh dưỡng của đất tại khu vực địa lý đáp ứng tốt nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây dứa. Các nguyên tố vi lượng trong đất tại khu vực địa lý có hàm lượng ở mức khá, ảnh hưởng lớn đến chất lượng của hoa dứa, góp phần tạo nên tính đặc thù chất lượng của sản phẩm.
Ngoài các yếu tố tự nhiên của khu vực địa lý, bí quyết canh tác, kỹ thuật sản xuất, thu hoạch và bảo quản sản phẩm của người sản xuất tại khu vực địa lý cũng góp phần tạo nên các đặc thù của sản phẩm dứa Đồng Giao.
Khu vực địa lý bao gồm các xã Phú Long, Quảng Lạc thuộc huyện Nho Quan; các xã Đông Sơn, Quang Sơn và các phường Trung Sơn, Nam Sơn thuộc thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình./.