Thứ ba, 21/05/2019 15:09 GMT+7

Giáo dục STEM: Từ đường nhỏ ra đường lớn

Mặc dù được manh nha từ chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng ở Việt Nam, thời gian qua, giáo dục STEM lan tỏa về các địa phương chủ yếu nhờ nỗ lực của các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân quan tâm đến hướng phát triển mới trong giáo dục này.

STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học); còn giáo dục STEM là một quan điểm dạy học theo tiếp cận liên ngành từ hai trong số bốn lĩnh vực nêu trên trở lên, trong đó nội dung học tập được gắn với thực tiễn, còn phương pháp học tập được gắn với thực hành để học sinh làm quen với việc phát triển ý tưởng sáng tạo và nắm bắt định hướng nghề nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Theo ông Đỗ Hoàng Sơn, một thành viên của Liên minh STEM, giáo dục STEM đã được manh nha ở Việt Nam từ năm học 2006-2007, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thử nghiệm việc thành lập các nhóm nghiên cứu khoa học tại một số trường THPT để chuẩn bị tham gia cuộc thi khoa học – kỹ thuật Intel ISEF cấp tỉnh/thành phố. Đến nay, cuộc thi này đã được tổ chức ở các cấp cơ sở, tỉnh/thành phố, và quốc gia để chọn ra những nhóm xuất sắc nhất đi thi quốc tế.

Sau đó, vào đầu những năm 2010, bắt đầu xuất hiện các doanh nghiệp nhập chương trình giáo dục STEM từ nước ngoài về và đưa vào dạy ngoại khóa tại một số trường phổ thông ở những thành phố lớn.

Ngày hội STEM quy mô quốc gia được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015 chính là sự kiện mở đầu cho việc xã hội hóa hoạt động giáo dục STEM một cách rộng rãi. Kể từ đó, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế, trường đại học, viện nghiên cứu cũng như các cá nhân, giáo dục STEM đã được triển khai ở hàng trăm trường phổ thông, phần nhiều trong số đó là ở các tỉnh nông thôn và miền núi, trong điều kiện chưa được Nhà nước chính thức cấp ngân sách.

Chẳng hạn, trong hai năm 2016-2017, Hội đồng Anh ở Việt Nam triển khai dự án giáo dục STEM ở 15 trường THCS và THPT thuộc Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, và Quảng Ninh. Đến đầu năm 2019, Hội đồng Anh lại thiết lập Mạng lưới Đại sứ STEM để đi tập huấn cho học sinh, ưu tiên học sinh nữ, ở 7 tỉnh/thành phố các kỹ năng sử dụng kiến thức tổng hợp, kết hợp với yếu tố hợp tác, sáng tạo để xác định và giải quyết vấn.

Trong khi đó, trong năm 2018-2019, Đại sứ quán Mỹ hỗ trợ thí điểm giáo dục STEM ở các trường tiểu học, THCS và một số trung tâm giáo dục cộng đồng trên địa bàn TP Hà Giang.

Mới đây nhất, Dự án Đại học VinUni đã cam kết tài trợ phát triển giáo dục STEM cho 500 trường THPT trên cả nước với hai nội dung chính: tập huấn giáo viên và cung cấp trang thiết bị, trong 5 năm.

Song song với những nỗ lực của các tổ chức kể trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều chủ trương ủng hộ và khuyến khích giáo dục STEM như năm 2014, đưa giáo dục STEM vào nhiệm vụ không bắt buộc của các trường THCS và THPT; năm 2015, lần đầu tiên có công văn chỉ đạo việc thành lập CLB STEM ở tất cả các trường phổ thông; và gần đây nhất, Chương trình Giáo dục phổ thông Mới được công bố vào cuối năm 2018, đã thể hiện sự đề cao giáo dục STEM ở chỗ yêu cầu dạy học tích hợp, tạo điều kiện tổ chức các chủ đề STEM, góp phần phát triển năng lực vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh.

Lợi thế trường làng

Nhưng hoạt động liên tục và bền bỉ nhất để đưa giáo dục STEM về các địa phương phải kể đến Liên minh STEM, nơi tập hợp các đơn vị như Học viện Sáng tạo S3, Kidscode, Công ty Long Minh, các nhà nghiên cứu, giảng viên đại học, giáo viên phổ thông…
 

Sàn thi đấu robot của trường tiểu học Nam Tiến tại Hội Xuân hôm 16/2/2019. Sàn được làm bằng bìa vỏ hộp rồi quét sơn đen để cảm biến hồng ngoại của robot không bị nhiễu khi dò đường. Trên màn hình máy tính là phần mềm KÉO - THẢ SCRATCH của MIT. Ảnh: Đỗ Hoàng Sơn
 

Khác với suy nghĩ mặc định của nhiều người rằng giáo dục STEM là đắt đỏ (đó là sự thật nếu nhìn vào các CLB dạy lập trình và lắp ráp robot ở các thành phố lớn), các thành viên của Liên minh STEM lại nhìn thấy nhiều lợi thế rõ rệt của nông thông trong việc triển khai giáo dục STEM.

“Học sinh nông thôn được trải nghiệm 24/7 với thiên nhiên, trong khi ở thành phố để tổ chức một trải nghiệm như thế là rất tốn kém và nhiêu khê,” ông Đỗ Hoàng Sơn nói. “Học sinh nông thôn cũng quen với lao động tay chân, tức là quen với thực hành. Những khó khăn về kinh tế ở nông thôn chính là động lực để học sinh sẵn sàng tiếp nhận phương pháp học đi đôi với hành, làm quen với cách giải quyết các vấn đề như tiết kiệm năng lượng, nước, phân bón… bằng các kiến thức tổng hợp.”

Ông Đỗ Hoàng Sơn cho biết, chưa thống kê đầy đủ, nhưng hơn 5 năm qua, các nhóm trong Liên minh STEM đã giúp “xóa mù” về giáo dục STEM cho khoảng 1 vạn giáo viên ở Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hạ Long, Lào Cai… Thông qua các buổi tập huấn, các giáo viên được giới thiệu các hiểu biết chung về giáo dục STEM cũng như được hướng dẫn cách tổ chức các tiết học STEM dựa trên nội dung của sách giáo khoa và với các vật liệu tái chế.

Kết quả là, khoảng 400 trường làng đã thành lập được CLB STEM, trong đó khoảng 200 trường có CLB dạy lập trình robot với các thiết bị do các nhà hảo tâm, các cựu học sinh đóng góp. “Học sinh được học [lập trình robot] miễn phí. Nhiều học sinh ở thành phố có thể cảm thấy hơi xót xa trước thông tin này,” ông Sơn nói.

Liên minh STEM cũng chính là tổ chức sáng lập chuỗi sự kiện Ngày hội STEM mà theo ông Đỗ Hoàng Sơn, có tác động “khai mở, gợi ý, đồng thời tạo sức ép để các nhà làm chính sách và chuyên gia thiết kế chương trình quan tâm và thay đổi thái độ đối với giáo dục STEM trong các hoạt động của mình.”

Giờ đây, cùng với hoạt động “thực chất” của các CLB STEM, như ông Sơn nhấn mạnh, nhiều trường ở Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Lào Cai, Quảng Ninh… đã tự tin tổ chức Ngày hội STEM định kỳ.

Khi Ngày hội STEM quy mô quốc gia đầu tiên được tổ chức vào năm 2015, chỉ có 2 trường làng được mời đến tham quan để tìm hiểu về giáo dục STEM. “Lần này [Ngày hội STEM 2019], các trường làng cũng được mời đến để họ thấy ngày hội tổ chức ở thành phố cũng giống như ở quê thôi,” ông Sơn nói vui.

Tại Ngày hội STEM 2019, diễn ra vào ngày 19/5 tới, một số giáo viên địa phương sẽ đứng lớp để giảng dạy về STEM cho học sinh thành phố như một cách để xác thực, giáo dục STEM có thể phát triển ở bất kì đâu.

Xuất khẩu giáo dục STEM – tại sao không?

Ông Sơn nhận định, hệ sinh thái giáo dục STEM đang có những bước phát triển chắc chắn từ dưới lên với chi phí thấp, mà ông ước tính cụ thể chỉ vào khoảng 1 đô/học sinh. “Phương án 1 đô/học sinh nông thôn là cơ hội để Việt Nam tiến hành xuất khẩu STEM,” ông Sơn lạc quan.

Trong khi đó, TS Đặng Văn Sơn, nhà sáng lập Học viện Sáng tạo S3, đồng thời là một thành viên chủ chốt của Liên minh STEM, cho biết, “Các công ty tư nhân của Việt Nam đã chi khá nhiều tiền để nhập khẩu các chương trình giáo dục STEM của nước ngoài về dạy trong nước. Hàng năm, phụ huynh học sinh cũng chi không ít tiền để đưa con mình đi trại hè ở nước ngoài.” Ở chiều ngược lại, cuối năm 2018, Học viện Sáng tạo S3 đã thử nghiệm tổ chức bài giảng STEM về chủ đề đồ chơi dân gian của mình cho học sinh Hàn Quốc. “Và hè này, chúng tôi sẽ mang học sinh Hàn Quốc về Việt Nam. Chúng tôi sẽ tạo ra các cặp học sinh Việt Nam – Hàn Quốc học về khoa học và cả về văn hóa, chẳng hạn như qua cách muối dưa của người Việt và muối kim chi của người Hàn Quốc, các em sẽ được học về hiện tượng lên men,” TS Sơn chia sẻ. “Chúng tôi bắt đầu tiến hành xuất khẩu giáo dục STEM theo cách như vậy.”

Ông Đỗ Hoàng Sơn thì tin rằng, “theo quy luật thị trường thông thường, cái gì tốt và rẻ sẽ xuất khẩu được. Giáo dục STEM cũng vậy.”

Liên kết nguồn tin: http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/giao-duc-stem-tu-duong-nho-ra-duong-lon/20190517083815785p1c785.htm

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 7299

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)