Thứ sáu, 17/05/2019 16:25 GMT+7

Tiếp tục bàn cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong ghi nhãn hàng hóa

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị định 43/2017/ NĐ-CP ra đời thay thế cho Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hoá.

Ngày 16/5/2019, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hoá để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi các Bộ, ngành, cơ quan, các Hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan trên phạm vi cả nước. Tham dự Hội thảo có ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá; đại diện một số đơn vị trong Tổng cục; đại diện các đơn vị Bộ Khoa học và Công nghệ; các Chi cục miền Bắc; đại diện các doanh nghiệp...
 

 Ông Trần Quốc Tuấn- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá (giữa) chủ trì buổi thảo luận.
 

Để triển khai thực hiện NQ 01/NĐ-CP, NQ 02/NĐ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định 43/2017/NĐ-CP và hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định để đảm bảo sự nhất quán trong cách hiểu và cách thực hiện của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, vì vậy ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hoá là rất cần thiết.

Thay thế cho Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/7/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hoá, Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hoá quy định cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hoá lưu thông tại Việt Nam, hàng hoá nhập khẩu có nhiều điểm ưu thế, khắc phục những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định 43/2017/NĐ-CP vẫn còn nhiều điểm cần có sự hướng dẫn chi tiết, cụ thể hoá để thuận lợi trong quá trình áp dụng từ phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Tiếp tục triển khai Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, Tổng cục TCĐLCL được Bộ Khoa học và Công nghệ giao chủ trì xây dựng Thông tư hướng dẫn chi tiết, cụ thể cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng.
 

Ông Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh, việc xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định số 43/2017/NĐ-CP nhằm đảm bảo tiếp tục hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc ghi nhãn hàng hoá, rõ ràng, minh bạch.
 

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Trần Quốc Tuấn- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá khẳng định, việc xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định số 43/2017/NĐ-CP nhằm đảm bảo tiếp tục hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc ghi nhãn hàng hoá, rõ ràng, minh bạch, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về nhãn hàng hoá; đồng thời tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm, hàng hoá có nhãn hàng hoá minh bạch rõ ràng và tuân thủ quy định pháp luật về nhãn hàng hoá.

Tham luận Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 43/2017/NĐ-CP, ông Đoàn Thanh Thọ- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục TCĐCL nhấn mạnh, trải qua 10 năm những hạn chế trong Nghị định 89/2006/NĐ-CP gây khó khăn và vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhãn hàng hoá, cùng quá trình phát triển của xã hội các quy định, nghị định cần chặt chẽ hơn, chính vì thế Nghị định 43/2017/NĐ-CP được ban hành để thay thế cho Nghị định 89/2006/NĐ-CP.
 

Ông Đoàn Thanh Thọ - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế- Thanh tra, Tổng cục TCĐCL nhấn mạnh trải qua 10 năm những hạn chế trong Nghị định 89/2006/NĐ-CP gây khó khăn và vướng mắc cho doanh nghiệp.
 

Chia sẻ về bất cập trong tem nhãn trên hàng hóa đang gây tranh cãi, bà Cao Thị Bích Hà - Trưởng phòng Nhãn hàng hóa, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa cho rằng, đối với doanh nghiệp thực hiện in nhãn hàng hóa, khi nhãn bị sai hoặc lỗi mà doanh nghiệp muốn xóa nội dung hoặc tự sửa nội dung thì phải có công văn báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước, tuy nhiên các doanh nghiệp đang băn khoăn về quá trình và thủ tục thực hiện bổ sung, đính chính nội dung trên nhãn hàng hóa.

Cũng trong hội thảo, rất nhiều doanh nghiệp đã có những chia sẻ, đóng góp ý kiến về điều khoản, điểm bất cập trong Thông tư hướng dẫn Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, qua đó hoàn thiện Dự thảo Thông tư theo hướng tích cực và sớm được ban hành. Trong đó, đại diện phía doanh nghiệp, công ty phân phối thiết bị y tế chia sẻ về quá trình lưu thông hàng hóa gặp bất cập khi sản phẩm hàng hóa trên giấy pháp lý sẽ có địa chỉ nhà máy sản xuất, tên nhà máy sản xuất, tên và địa chỉ chủ sở hữu..., tuy nhiên đối với các hãng lớn khi ghi nhãn mác hàng hóa chỉ ghi tên và địa chỉ của chủ sở hữu sản phẩm, hàng hóa dẫn đến khi nhập khẩu, tên và địa chỉ của hàng hóa không trùng khớp với chứng từ pháp lý. 

Hội thảo là một trong những hoạt động tham vấn, lấy ý kiến của các bên liên quan từ doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người tiêu dùng nhằm giúp việc xây dựng hoàn chỉnh Dự thảo Thông tư, đảm bảo Thông tư được ban hành có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, đồng thời giải quyết các khó khăn vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong việc ghi nhãn sản phẩm, hàng hoá trong thời gian qua.

Trước đó vào ngày 24/4/2019, Hội thảo góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hoá lần 1 đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng gồm 3 Chương 17 Điều.

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 3885

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)