Thứ sáu, 10/05/2019 14:53 GMT+7

“Make in Vietnam” – hàm ý sâu xa của thông điệp đặc biệt

Cụm từ “Make in Vietnam” được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam ngày 9-5, truyền đi thông điệp mới của ngành công nghiệp công nghệ thông tin với không chỉ hơn 1.000 người có mặt, mà sẽ lan rộng đầy ấn tượng trong cộng đồng.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm bên lề Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trưng bày những sản phẩm "Make in Vietnam". Ảnh: TRẦN HẢI

 

Từ thông điệp tạo hiệu ứng truyền thông

Trước đó, cụm từ này cũng từng gây nhiều tranh cãi từ cuối năm ngoái khi xuất hiện lần đầu trong Diễn đàn CNTT-TT Việt Nam - Myanmar giữa tháng 12-2018. Khi đó, rất nhiều người dùng mạng xã hội cho rằng khẩu hiểu bị viết sai chính tả, sai ngữ pháp tiếng Anh...

Cụm từ "Make in Vietnam” một lần nữa được đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhắm tới việc phát triển IoT (Internet vạn vật) là định hướng trọng tâm trong thời gian tới của Bộ để tạo bước đột phá, đưa ngành công nghiệp ICT Việt Nam mang nhãn hiệu "Make-in-Viet Nam" vươn tầm thế giới.

Chính phủ Ấn Độ đã từng khởi xướng "Make in India" vào tháng 9-2014 với mục tiêu chuyển Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất toàn cầu (global manufacturing hub). Kết quả, Ân Độ đã nổi lên thành một điểm đến hàng đầu toàn cầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt 60 tỷ USD FDI năm 2015, vượt qua cả Mỹ và Trung Quốc.

"Make in India" được hiểu là chiến dịch biến Ấn Độ thành công xưởng gia công. Nhiều người cho rằng "“Make in Vietnam”" dịch nghĩa đen là "Hãy làm ở Việt Nam". Còn "Made in Vietnam" là "Được làm tại Việt Nam". Tuy nhiên, "Make in Viet Nam" có mang hàm ý biến Việt Nam thành "công xưởng gia công" như nhiều người đã nghĩ?

Trong buổi họp báo trước thềm Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam ngày 6-5 ở Hà Nội, trước thắc mắc của phóng viên, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT và TT) cho biết, từ cuối năm 2018, Bộ đã tính tới việc phải có một slogan cho ngành công nghiệp ICT nước nhà. Khi đó, có nhiều phương án được đề xuất, như học tập của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan với các mô hình phát triển như: Made in Japan, Make in India...

"Sau khi cân nhắc, chúng tôi mạnh dạn đề xuất thông điệp “Make in Vietnam”. '“Make in Vietnam”' ở đây nếu lần đầu nghe sẽ khiến nhiều người có cảm giác có gì đó sai sai, nhưng cũng chính vì thế mà nó tạo hiệu ứng truyền thông. Vì cảm thấy sai, mọi người sẽ phải đọc lại và suy ngẫm", bà Hương giải thích.

"Cụm từ Made in Vietnam mang tính là “sản xuất ở Việt Nam”, không có sự chủ động, chia theo thể bị động. Còn “Make in Vietnam” – “Làm tại Việt Nam” sẽ hàm nghĩa người Việt Nam chủ động, sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm tại Việt Nam và phát triển, đóng góp vào công nghệ, phát triển cộng đồng công nghệ".

Đến nội hàm và chiến lược hành động



Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam

 

Tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Diễn đàn được tổ chức nhằm xây dựng Chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Và “Make in Vietnam” sẽ là tuyên bố của chúng ta. Tư lệnh ngành TT và TT giải thích “Make in Vietnam” là một nội hàm bao gồm: Sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam.

Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là phải làm được “Make in Vietnam”. Nếu chỉ tiếp tục lắp ráp thì sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và thoát bẫy thu nhập trung bình.

“Make in Vietnam” cũng là trách nhiệm của Việt Nam như một quốc gia toàn cầu và công dân toàn cầu: Ngoài việc sử dụng, tiêu dùng công nghệ của nhân loại, Việt Nam cũng phải đóng góp cho sự phát triển công nghệ của nhân loại.

“Make in Vietnam” sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài và góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh. “Chiếc nỏ thần Việt Nam” sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra. Trên thế giới, hầu hết các công ty công nghệ đều có mảng công nghiệp quốc phòng. Báo chí Việt Nam gần đây có nói đến một start-up công nghệ của Trung Quốc - Công ty LinkSpace - công ty tư nhân đầu tiên sản xuất tên lửa tái sử dụng. LinkSpace được thành lập năm 2014 bởi những kỹ sư trẻ dưới 30 tuổi. “Tại sao các kỹ sư trẻ Việt Nam không thể làm điều tương tự?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Không dừng lại ở việc truyền thông điệp và đưa ra nội hàm, tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, người Việt Nam có đủ tố chất tốt để sáng tạo công nghệ và sản phẩm công nghệ. Chúng ta cần xây dựng và tuyên bố một cách dứt khoát, rõ ràng một chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam: Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất (Make in Việt Nam).

Muốn có doanh nghiệp công nghệ, việc tạo ra thị trường là quan trọng nhất. Không có gì lan tỏa nhanh công nghệ bằng sức mạnh của thị trường, vì vậy, để “Make in Việt Nam” thành công thì đầu tiên, then chốt nhất phải là hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong đó, đặc biệt coi trọng đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển của từng cấp, từng ngành và từng doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Một luồng gió mới đang thổi vào ngành công nghiệp có doanh thu gần 100 tỷ USD trong năm 2018 với tỷ lệ tăng trưởng đạt 8%. Đó sẽ là động lực để công nghiệp CNTT bứt phá, quyết tâm thực hiện mục tiêu ứng dụng và phát triển công nghệ, xây dựng cộng đồng 100.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, góp phần đưa kinh tế Việt Nam bứt phá, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/thong-tin-so/item/40136502-%E2%80%9Cmake-in-vietnam%E2%80%9D-%E2%80%93-ham-y-sau-xa-cua-thong-diep-dac-biet.html

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 6021

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)