Toàn cảnh Hội thảo “Xu hướng, thành tựu trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo và vi mạch tại Việt Nam”.
Sự kiện thu hút các chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, Internet vạn vật (IoT), người Việt đang làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp lớn tại nước ngoài.
Sự kiện được tổ chức nhằm mục tiêu kết nối các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài cùng hợp tác nghiên cứu công nghệ mới. Từ đó, thúc đẩy phát triển nền kinh tế số của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT khẳng định: AI được xem là một trong những mảng công nghệ mũi nhọn trong định hướng chiến lược Tiên phong chuyển đổi số tại Việt Nam và trên toàn cầu của FPT.
Tại sự kiện, ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT đã chia sẻ về định hướng chiến lược của FPT trong đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ mới theo xu hướng của cuộc cách mạng số. FPT đã đầu tư nghiên cứu các lĩnh vực công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo (AI), Kết nối vạn vật (Internet of things), Dữ liệu lớn, Điện toán đám mây, Xe tự hành… Những nghiên cứu này là điểm then chốt để FPT trở thành đối tác tham gia chuyển đổi số và thậm chí là cùng các tập đoàn lớn trên phạm vi toàn cầu nghiên cứu, phát triển giải pháp, ứng dụng trên nền tảng công nghệ IoT như Airbus, GE, Siemen, Microsoft, AWS, Daiwa Institute of Research (DIR), Toppan, Toshiba…Trong đó, AI được xem là một trong những mảng công nghệ mũi nhọn trong định hướng chiến lược Tiên phong chuyển đổi số tại Việt Nam và trên toàn cầu của FPT.
Theo ông Lê Hồng Việt, Ngân hàng và Tài chính hiện đang là lĩnh vực ứng dụng AI nhiều nhất. Bên cạnh đó, mảng Viễn thông hay Công nghệ cao cũng cho thấy sự đầu tư bùng nổ về AI. Đặc biệt, về khả năng tiếp nhận và nhu cầu, một khảo sát của Công ty PwC cho thấy Việt Nam đứng thứ 2 trong top 10 quốc gia về tỷ lệ người tiêu dùng sở hữu cũng như có ý định mua thiết bị trong gia đình có tích hợp công nghệ AI.
Với những mục tiêu rõ ràng về chiến lược chuyển đổi số cũng như sự cần thiết trong việc phổ cập công nghệ AI đến các doanh nghiệp tại Việt Nam, ngay từ khi bắt được mạch sóng ngầm của thị trường, năm 2013, FPT đã tiến hành đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển nền tảng AI.
Năm 2018, đã đánh dấu bước tiến lớn của FPT khi trở thành doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam sở hữu nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI. Nền tảng trí tuệ nhân tạo mở cho các doanh nghiệp cùng sử dụng với hai hình thức miễn phí và thu phí dựa trên nhu cầu của người dùng.
Tiến sĩ Đào Thanh Bình cho biết: “AI đang được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực Chính phủ điện tử, nhà thông minh, hệ thống giao thông thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ tài chính, đối thoại tự động, kinh doanh thông minh”.
Chia sẻ về cơ sở hạ tầng cho AI tại hội thảo, Tiến sĩ Đào Thanh Bình, Nhóm hệ thống tính toán cao cấp, Bộ phận quản lý công nghệ toàn cầu, Rakuten Inc, Nhật Bản cho biết, AI đang được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực Chính phủ điện tử, nhà thông minh, hệ thống giao thông thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ tài chính, đối thoại tự động (chatbot), kinh doanh thông minh (business intelligence). Các chính phủ, công ty và học viện đã và đang quan tâm đầu tư rất nhiều cho AI với số tiền đầu tư tăng lên nhanh chóng hằng năm. Việt Nam hoàn toàn có đủ nguồn lực kinh tế, con người và cơ hội để thúc đẩy quá trình học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và phát triển ứng dụng dựa trên AI để bắt kịp các nước khác.
Trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là công nghệ nền tảng quan trọng nhất dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực, các tổ chức doanh nghiệp. Theo các dự báo, vào năm 2030, AI sẽ đóng góp thêm 15,7 nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế toàn cầu. Trong năm 2019, 40% các sáng kiến chuyển đổi kỹ thuật số sẽ sử dụng công nghệ AI.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Mai Khanh cho biết: “trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để đảm bảo an toàn bảo mật thông tin một trong những yếu tố Việt Nam cần ưu tiên là tự chủ về thiết kếchế tạo vi mạch” (Ngồi thứ 2 từ phải qua trái)
Trong lĩnh vực vi mạch, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Mai Khanh, Trung tâm Thiết Kế-Giáo Dục Vi Mạch, Đại học Tokyo Nhật Bản, cho biết, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để đảm bảo an toàn bảo mật thông tin một trong những yếu tố Việt Nam cần ưu tiên là tự chủ về thiết kế chế tạo vi mạch.
Hội thảo này cũng là một trong những hoạt động bên lề của sự kiện Kết nối các nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ quốc tế phục vụ thương mại hoá kết quả nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp do Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức từ ngày 03-06/5. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm hướng đến chào mừng ngày KH&CN Việt Nam 18/5.
Các đại biểu đi tham quan F-Ville 2 tại Tập đoàn FPT