Đó là ý kiến của ông Bùi Tất Thắng, Chánh Văn phòng Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế xã hội chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng tại Hội thảo khoa học “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam: một số cơ hội và thách thức” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 26/4, tại Hà Nội. Quan điểm trên đã được các đại biểu tham dự hội thảo đồng thuận và cung cấp thêm nhiều luận cứ thực tiễn khẳng định vai trò, vị trí của KH, CN&ĐMST trong bối cảnh hiện nay.
Ông Bùi Tất Thắng, Chánh Văn phòng Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế - xã hội chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng báo cáo tham luận tại Hội thảo.
Hội thảo khoa học “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam: một số cơ hội và thách thức được tổ chức nhằm nhận dạng cơ hội và thách thức đối với KH, CN và ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới, và góp phần cung cấp luận cứ và thực tiễn cho việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030. Tham dự hội thảo có ông Achim Fock, Giám đốc quản lý các hoạt động dự án tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới; Asya Akhlaque, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới; ông Lê Đình Tiến – nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Lê Quốc Lý – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Bùi Tất Thắng, Chánh Văn phòng Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế - xã hội chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng; ông Hoàng Minh – Giám đốc Học viện KH, CN và ĐMST; cùng đại diện một số bộ, ngành;...
Ông Achim Fock, Giám đốc quản lý các hoạt động dự án tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới phát biểu tại Hội thảo.
Tại hội thảo, ông Bùi Tất Thắng, Chánh Văn phòng Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế xã hội chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng đã trình bày tham luận “Ý tưởng mới về KH, CN và đổi mới sáng tạo trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030”; ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam với báo cáo “Ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo trong nâng cao năng suất lao động tại doanh nghiệp”; bà Asya Akhlaque, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới với báo cáo “KH,CN và đổi mới sáng tạo cho phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức”.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận và đưa ra nhiều luận cứ và thực tiễn cho việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030 và đều nhấn mạnh vai trò của KH, CN&ĐMST luôn được đề cao trong các văn bản chính sách và chiến lược của Đảng và Nhà nước. KH, CN&ĐMST ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của quốc gia nói chung. Do đó, trong bối cảnh mới hiện nay, khi xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030 cần đánh giá một số mục tiêu về chất lượng tăng trưởng: năng suất lao động, đóng góp của TFP, tỷ trọng sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao/tổng sản lượng sản xuất ra; đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng;... Đồng thời, nhận diện rõ vai trò của KH, CN&ĐMST trong thời kỳ tới.
Theo ý kiến của các đại biểu, trong bối cảnh mới có nhiều cơ hội và thách thức với Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030 cần xác định rõ KH, CN và ĐMST có ý nghĩa đặc biệt là động lực chính của mô hình tăng trưởng mới, là một đột phá chiến lược; có một mục riêng nói về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KH, CN&ĐMST, trong đó nêu rõ KH, CN&ĐMST là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 – 2030 và 2021 – 2025. Coi việc nâng cao trình độ công nghệ của sản xuất và quản lý, tổ chức cuộc sống một cách khoa học là mục tiêu của hoạt động khoa học; cần khẳng định mạnh mẽ vai trò của khu vực tư nhân; Chính phủ có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy, tạo động lực; ứng dụng các giải pháp KH, CN&ĐMST giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh và có điều kiện thuận lợi để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu;... Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng vào các thách thức hiện nay như khó khăn về nguồn nhân lực, cả về tài chính và trình độ nguồn nhân lực; xây dựng văn hóa/tư duy ĐMST tại doanh nghiệp; nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; cải cách thể chế, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh;...