Thứ năm, 25/04/2019 11:40 GMT+7

Hợp tác phát triển khoa học công nghệ nông nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc với cầu nối VietKoRAA

Ngày 20/4/2019 tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội lần thứ 3 của Hội cựu học viên Việt Nam tại Tổng cục Phát triển nông thôn Hàn Quốc (VietKoRAA) và Lễ khai trương Văn phòng VietKoRAA với sự chứng kiến của Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam cùng các đại biểu tham dự.

Là một trong 08 Hội thành viên của mạng lưới U-KoRAA được Tổng cục Phát triển Nông thôn Hàn Quốc (RDA) thành lập và hỗ trợ, VietKoRAA từ những ngày đầu thành lập (20/12/2004) đã đóng góp không nhỏ trong việc thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tại Việt Nam. Các hoạt động chính của Hội bao gồm việc tiếp nhận và chuyển giao công nghệ nông nghiệp tiên tiến từ Hàn Quốc thông qua thực hiện các dự án nhỏ, đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo, tập huấn ngắn hạn và xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ dưới dạng các “Ngân hàng kiến thức” được số hóa và phổ biến trên internet.



Toàn cảnh Đại hội VietKoRAA

 

Tại Đại hội, ngoài báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, đại biểu còn được nghe nhiều tham luận có giá trị như quá trình phát triển kinh tế nói chung và nông nghiệp cũng như khoa học công nghệ nông nghiệp nói riêng của Hàn Quốc, các bài học kinh nghiệm được rút ra cho Việt Nam trong phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Trải qua 27 năm, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/12/1992, quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt ở mức quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược và trải rộng hầu khắp các lĩnh vực. Từ năm 2011 đến nay, Hàn Quốc luôn giữ vững ngôi vị là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai nước đạt 64 tỷ USD và phấn đấu 100 tỷ USD vào năm 2020 như cam kết của nguyên thủ hai nước nhân chuyến thăm của Ngài Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đến Việt Nam năm 2018. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc. Ngược lại, Hàn Quốc là bạn hàng thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ sau Trung Quốc. Có thể thấy rằng, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã và đang phát triển hết sức thần kỳ. Ngoài kinh tế, thương mại, hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, văn hóa và du lịch phát triển với tốc độ cao.

Trong nông nghiệp, nhiều công nghệ về chọn tạo giống, bảo tồn nguồn gen, công nghệ bảo quản và chế biến nông sản tiên tiến của Hàn Quốc được áp dụng ngày càng rộng rãi. Hàn Quốc cũng là nước cung cấp cho Việt Nam nhiều học bổng đào tạo ngắn và dài hạn để tăng cường nguồn nhân lực. Mô hình “Làng mới” (Seamaul undong), phát động từ những năm 1970 đã thành công rực rỡ và đang được Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới của Việt Nam học tập và áp dụng hiệu quả.

Hàn Quốc là một quốc gia có mô hình phát triển kinh tế nói chung và nông nghiệp, nông thôn nói riêng rất tương đồng với Việt Nam. Vốn là một nước nghèo tài nguyên, thị trường trong nước nhỏ, tích luỹ trong nước ít, nhưng qua hơn 1/4 thế kỷ, Hàn Quốc đã công nghiệp hoá thành công, trở thành một nước công nghiệp phát triển mới (NICS). Trong vòng 30 năm (1960-1990) Hàn Quốc tăng trưởng GDP trung bình 9,58%/ năm và có 14 năm đạt mức trên 10%, cao nhất là 14,8% (năm 1973); GDP/ người tăng từ 87USD vào 1960 lên 32.770 USD năm 2018. Thành công phát triển kinh tế của Hàn Quốc được gọi là "Kỳ tích sông Hàn". Do vậy, Việt Nam luôn coi Hàn Quốc là một mô hình để học tập trên rất nhiều lĩnh vực.

Phía Hàn Quốc luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trong của Khoa học và Công nghệ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chỉ riêng Tổng cục phát triển Nông thôn (RDA), đối tác của VietKoRAA đã có số lượng cán bộ nghiên cứu, khuyến nông tới 1.849 người và nguồn kinh phí được cấp năm 2018 là 938,1 tỷ won (tương đương 820 triệu USD). Do vậy, việc hợp tác với các cơ quan nghiên cứu của Hàn Quốc để chuyển giao công nghệ vào Việt Nam là giải pháp đi tắt rất hiệu quả.

Trong thời gian tới, VietKoRAA sẽ phát triển mạnh hơn về phạm vi hoạt động truyền bá kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật mới (ưu tiên: bảo quản, chế biến, vật tư công nghệ cao, sản xuất sản phẩm chức năng…) từ Hàn Quốc và các nước khác vào Việt Nam thông qua đào tạo, tập huấn và truyền thông. Hội cũng sẽ cố gắng mở rộng liên kết với các Hội và tổ chức nghề nghiệp khác, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc để hoạt động thực sự hiệu quả.

Ngoài ra, hiện có khoảng 170.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc và ngược lại, khoảng 150.000 người Hàn Quốc đang sống tại Việt Nam. Nếu kết nối được lực lượng này một cách hiệu quả, đặc biệt là các doanh nghiệp thì vai trò của VietKoRAA còn cao hơn nữa.

Đại Hội đã bầu ra Ban chấp hành khóa 3 gồm 13 người do ông Nguyễn Văn Bộ, nguyên Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ Nông nghiệp và PTNT; nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam làm Chủ tịch.


Một số hình ảnh tại Đại hội:


Ông Chu Văn Chuông, Phó Vụ trưởng Vụ HTQT, Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu khai mạc Đại hội



Ông Choi Bong Soon, Tham tán Nông nghiệp, lương thực và nông thôn Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam phát biểu chào mừng tại Đại hội



Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại Đại hội



Ra mắt Ban điều hành nhiệm kỳ III (2019 – 2024) của VietKoRAA

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế

Lượt xem: 4317

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)