Đồng chủ trì hội thảo có PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, ThS. Dương Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ và Nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố. Hội thảo còn có sự tham dự của các nhà quản lý về lĩnh vực văn hóa của Trung ương và Hải Phòng.
Tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại hình tín ngưỡng dân gian phản ánh rõ nét tâm hồn người Việt và có sức sống mãnh liệt, dẻo dai, uyển chuyển, phù hợp với mọi hoàn cảnh của đất nước. Không chỉ vậy, nhờ có khả năng tích hợp tôn giáo tín ngưỡng cao, tín ngưỡng thờ Mẫu luôn có sự gắn bó, dung hòa với các tôn giáo, tín ngưỡng khác; nương tựa, bổ sung để cùng bảo lưu những giá trị tiêu biểu của lịch sử và văn hóa truyền thống. Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, làm ăn thuận lợi, may mắn. Mẫu dạy con người sống hướng thiện, có cái tâm trong sáng, biết đối nhân xử thế, thờ phụng ông bà, tổ tiên và biết ơn những người có công với dân với nước.
Tín ngưỡng thờ Mẫu còn là sự tích hợp nhiều hình thức văn hóa dân gian đặc sắc, tiêu biểu là Nghi lễ chầu văn hay còn gọi là hầu đồng - một hình thức sân khấu tâm linh huyền ảo, mang đầy tính thiêng được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012 và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016 với tên gọi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.
Câu lạc bộ bảo tồn nghi lễ thờ Mẫu Tam phủ người Việt thành phố Hải Phòng thực hành diễn xướng
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Dương Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Với lịch sử lâu đời, Hải Phòng là nơi quy tụ của các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng phong phú, trong đó, nổi bật là tín ngưỡng thờ Mẫu. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hải Phòng mang đầy đủ những đặc điểm của tín ngưỡng thờ Mẫu vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Bên cạnh đó, còn có những nét phát triển riêng biệt, độc đáo, để lại những dấu ấn trong lối sống của người dân vùng biển.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu thảo luận về: Tín ngưỡng thờ Mẫu Hải Phòng trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ; Tổ hợp nữ thần biển độc đáo: Tứ vị Thánh nương - Liễu Hạnh công chúa ở các làng chài thuộc huyện đảo Cát Hải; Vai trò của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống hiện nay; Chúa bà Năm Phương - Nét đặc thù trong tín ngưỡng thờ Mẫu tại Hải Phòng; Hoạt động thờ Mẫu ở Hải Phòng và Công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Thay lời kết, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm khẳng định, trong điều kiện xã hội hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu khó tránh khỏi những thay đổi, rất cần sự chung tay gìn giữ của không chỉ các nhà quản lý mà còn của cả xã hội, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.