Phạm ảnh hưởng của nguyên tố phóng xạ do các hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến quặng phóng xạ và quặng có phóng xạ đi kèm ở nước ta là tương đối rộng lớn. Trong tương lai khai thác và chế biến quặng đất hiếm, quặng urani, sa khoáng titan, đồng, than, graphit, fluorit...đang phát triển và sẽ tiếp tục phát triển, do vậy, nguy cơ phát tán các nguyên tố phóng xạ và các kim loại nặng đi kèm vào môi trường sẽ gia tăng. Kết quả nghiên cứu về đặc điểm thành phần chất thải phát sinh từ quá trình khai thác chế biến quặng đất hiếm và quặng urani trong nước cho thấy tổng hoạt động phóng xạ và hàm lượng U, Th, Ra và các kim loại nặng khác đi kèm cao gấp hàng nghìn tới hàng trăm lần quy chuẩn cho phép xả thải ra ngoài môi trường. Nước thải này nếu thải trực tiếp ra môi trường, sẽ là nguồn gây ô nhiễm phóng xạ nghiêm trọng. Để xử lý nước thải loại này, người ta đã sử dụng các phương pháp như hấp phụ/trao đổi ion, kết tủa, thẩm thấu ngược, tách chiết bằng dung môi, v.v. Trong số này thì công nghệ hấp phụ/trao đổi ion được nghiên cứu và ứng dụng khá rộng rãi, sử dụng nhựa trao đổi ion đã được thương mại hóa trên thị trường. Tuy nhiên, giá thành của nhựa trao đổi ion còn cao, thị trường chưa ổn định, do vậy, các nhà khoa học hiện có xu hướng tập trung vào việc tìm kiếm và nâng cao hiệu suất trao đổi ion của các vật liệu có nguồn gốc từ khoáng thiên nhiên như kaolin, bentonit, laterit, vermiculit...do các khoáng này có tính chất hấp phụ/trao đổi ion tùy thuộc vào tính chất, cấu trúc của từng loại khoáng.
Hiện nay, Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu chế tạo loại vật liệu từ nguồn gốc khoáng thiên nhiên để xử lý chất thải lỏng chứa các nguyên tố phóng xạ. Vì thế, nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ-luyện kim do TS. Nguyễn Thúy Lan dẫn đầu, đã lựa chọn sử dụng khoáng bentonit là khoáng thiên nhiên có giá thành tương đối thấp và có trữ lượng phong phú ở nước ta để nghiên cứu làm vật liệu hấp phụ các chất phóng xạ trong khuôn khổ của đề tài: “Nghiên cứu, chế tạo vật liệu hấp phụ và công nghệ xử lý nước thải chứa phóng xạ trong ngành khai thác và chế biến quặng phóng xạ trong ngành khai thác và chế biến quặng phóng xạ”. Đề tài được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2014-2016.
Đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu như sau:
+ Đã đánh giá được tổng quan về vật liệu và công nghệ chế tạo vật liệu hấp phụ sử dụng trong xử lý nước thải, tổng quan về nước thải chứa phóng xạ và công nghệ xử lý nước thải chứa phóng xạ trong ngành khai thác, chế biến quặng phóng xạ;
+ Đã xây dựng được quy trình công nghệ chế tạo vật liệu hấp phụ xử lý nước thải chứa phóng xạ có thể ứng dụng để chế tạo vật liệu quy mô lớn và đã chế tạo được 100 kg vật liệu hấp phụ các chất phóng xạ trong nước thải;
+ Đã xây dựng được quy trình công nghệ xử lý nước thải chứa phóng xạ, đảm bảo xử lý đối với các chỉ tiêu như: pH, TSS, độ màu, COD, các kim loại, nguyên tố phóng xạ U, Th và Ra, tổng hoạt độ phóng xạ α và β đạt QCVN 40:2011/BTNMT.
+ Đã xây dựng được mô hình xử lý nước thải chứa phóng xạ quy mô pilot công suất 1.000 L/h;
Việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu, chế tạo vật liệu hấp phụ và công nghệ xử lý nước thải chứa phóng xạ trong ngành khai thác và chế biến quặng phóng xạ trong ngành khai thác và chế biến quặng phóng xạ” có tính mới và ý nghĩa rất thực tiễn, giúp giải quyết nhu cầu thực tế trong hiện tại và trong tương lại của các doanh nghiệp khai thác và chế biến quặng phóng xạ và quặng chứa các nguyên tố phóng xạ đi kèm.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (Mã số 13640) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia./.