Sóc Trăng là một trong các địa phương của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long mà Viện Ứng dụng công nghệ đã và đang chủ động tiến hành các hoạt động tiếp cận cơ sở. Theo đó, trong các ngày từ 7/4 đến 10/4/2019, Viện trưởng Lê Hùng Lân đã dẫn đầu đoàn công tác cùng đại diện các đơn vị trực thuộc tiếp tục đến làm việc tại tỉnh Sóc Trăng.
Tại đây, đoàn đã tham dự Hội thảo khoa học “Phổ biến và đề xuất giải pháp ứng dụng, nhân rộng kết quả thực hiện đề tài, dự án KHCN” do Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng tổ chức. Tại hội thảo đoàn đã lắng nghe các tham luận của các nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp thông tin về các kết quả nghiên cứu. Đại diện đoàn công tác đã giới thiệu các thế mạnh về nghiên cứu, khoa học và chuyển giao công nghệ của Viện, chia sẻ các kinh nghiệm, bài học thực tiễn và các kết quả áp dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bảo quản - chế biến và sản xuất nông sản.
Viện cũng giới thiệu các chương trình, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Thông qua hội thảo, Viện Ứng dụng công nghệ cũng đã nắm bắt được nhu cầu thực tế và hiện trạng ứng dụng khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng để có những giải pháp tiếp cận trong thời gian tới.
Đại diện Viện ƯDCN trình bày tại Hội thảo
Những thông tin về chương trình thử nghiệm thiết bị máy bay không người lái (UAV) nhằm ứng dụng IoTs, AI, Bigdata trong hoạt động quy hoạch nông nghiệp và quản lý giám sát, cảnh báo sớm ứng dụng trên cánh đồng mẫu lớn và nuôi trồng thuỷ hải sản đã được nhiều đại biểu tham dự hội nghị quan tâm.
Theo đó, thiết bị bay không người lái UAV (Unmanned Aerial System) ngày càng trở nên phổ biến hơn ở rất nhiều quốc gia trên thế giới với nhiều lĩnh vực và cấp độ ứng dụng khác nhau. Một trong những xu hướng phát triển mạnh tới thời điểm hiện tại đó là sử dụng UAV như một công cụ hữu hiệu trong việc giám sát và quản lý mùa vụ nông nghiệp, là một trong những nhiệm vụ thiết yếu trong đảm bảo an ninh lương thực.
Đối với lĩnh vực du lịch, tại Hội thảo, Viện đã cung cấp và chia sẻ một số công việc trong quá trình xây dựng du lịch “ảo” (bao gồm xây dựng bảo tàng số, áp dụng công nghệ VR/AR trong việc mô phỏng các khu du lịch, di tích lịch sử…) nhằm giúp cho hoạt động quảng bá du lịch tại địa phương cũng như tăng hiệu quả của việc quản lý, duy tu bảo dưỡng.
Nhóm nghiên cứu Viện cũng đã cung cấp thông tin về việc triển khai ứng dụng công nghệ quay quét 3D kết hợp với thiết bị máy bay không người lái và các phần mềm xử lý nhằm mục tiêu số hoá xây dựng mô hình 3D của khu chùa Dơi. Các nhà nghiên cứu của Viện đã thực hiện thử nghiệm tại hiện trường, sơ bộ dựng lại được mô hình kiến trúc tổng thể 3D bên ngoài của khu chùa với chi tiết khá chính xác được các đại biểu tại Hội thảo đánh giá cao. Trong thời gian tới, Viện Ứng dụng công nghệ sẽ tiếp tục triển khai các nội dung chi tiết để xây dựng nội dung công việc sớm đưa vào ứng dụng thực tế.
Hình ảnh khảo sát chùa Dơi được mô hình hoá 3D
Tổng thể mô hình hoá 3D của chùa Dơi
Xác định lĩnh vực hợp tác
Đoàn đã có buổi làm việc với Lãnh đạo huyện Cù Lao Dung để tìm hiểu và thu thập thông tin nhằm xây dựng nhiệm vụ theo nhu cầu của địa phương trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong cuộc sống. Các nhà khoa học của Viện đã khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc huyện Cù Lao Dung. Tại đây Viện đã giới thiệu công nghệ bảo quản hoa quả (xoài và thanh long) cũng như công nghệ sấy lạnh (hoa quả và thuỷ sản) nhằm giúp các doanh nghiệp tăng giá trị sản phẩm đầu ra, kiểm soát được tính mùa vụ của cây trồng cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế của đơn vị.
Gặp và làm việc với Lãnh đạo huyện Cù Lao Dung
Đoàn công tác cũng phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Sóc Trăng đã khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Tân Huê Viên và Công ty TNHH Hải Sơn để thu thập thông tin về thực trạng về tình hình sử dụng phụ phẩm: vỏ, lòng trắng trứng vịt muối tại các cơ sở sản xuất trứng vịt muối tại tỉnh Sóc Trăng. Đây là một trong số các nhiệm vụ cấp Bộ mà Viện Ứng dụng công nghệ đang triển khai trong năm 2019 nhằm nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật xây dựng quy trình công nghệ sản xuất bột giàu protein từ lòng trắng trứng vịt muối và quy trình công nghệ sản xuất bột giàu canxi từ vỏ trứng vịt muối.
Trong chuyến đi thực tế cơ sở, Viện nhận thấy nhu cầu về giám sát và thu thập thông tin trong quá trình sinh trưởng của cây trồng tại Sóc Trăng nói riêng và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long là vô cùng quan trọng. Để thực hiện được điều này, Viện đang tiến hành nghiên cứu và đề xuất mô hình vận hành thiết bị bay trên diện rộng nhằm hỗ trợ cho người nông dân trong việc thu thập thông tin cũng như có phương án nuôi trồng phù hợp.
Đoàn công tác khảo sát thực tế
Theo đó, dự án này sẽ phân tích thiết kế mô hình tích hợp giữa thiết bị bay và hệ thống cảm biến dưới mặt đất để có thể “tự động hóa” quá trình giám sát tăng trưởng của cánh đồng, tăng cường năng suất và chất lượng hoạt động đồng thời có giải pháp lưu trữ và quản lý dữ liệu hiệu quả. Bên cạnh đó công nghệ máy bay không người lái cho phép đánh giá tình trạng sức khỏe của cây và thay đổi tình trạng cây trồng trong vài phút. Sử dụng các thuật toán về chỉ số sức khỏe thực vật với bản đồ bay không người lái có thể giúp làm nổi bật tính biến đổi và giúp dễ dàng phát hiện các tác nhân gây “stress” cho cây trồng hơn.
Tại các buổi làm việc các nhà khoa học của Viện và địa phương đều nhất trí cho rằng nông nghiệp công nghệ cao và phát triển du lịch là hai lĩnh vực phát triển trọng tâm của tỉnh Sóc Trăng. Trong thời gian tới, Viện Ứng dụng công nghệ sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng để xây dựng các kế hoạch cụ thể hơn cho việc triển khai ứng dụng và chuyển giao các sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới./.