Thứ tư, 10/04/2019 09:38 GMT+7

Nhiều vấn đề được giải đáp trong Họp báo Quý I – 2019 của Bộ KH&CN

Ra mắt Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub); Ý nghĩa của việc thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, vai trò của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); hỗ trợ của Bộ KH&CN đối với các nhà sáng chế trong phát triển công nghệ xử lý rác thải; những chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN; vai trò của đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong phát triển kinh tế số; các hoạt động cụ thể trong thời gian diễn ra Tuần lễ Đổi mới sáng tạo, Ngày KH&CN Việt Nam 18/5;…

Đó là những nội dung chính được Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy và lãnh đạo một số đơn vị liên quan trả lời câu hỏi cũng như cung cấp thông tin đến các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí tại buổi Họp báo thường kỳ Quý I năm 2019 của Bộ KH&CN diễn ra chiều ngày 09/4, tại Hà Nội.



Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy chủ trì buổi Họp báo. Ảnh: Ngũ Hiệp

Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN

Tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, trong Quý I/2019, Bộ KH&CN đã hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”; Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Quyết định số 08/2019/QĐ-TTg ngày 15/02/2019 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Quyết định số 09/2019/QĐ-TTg ngày 15/02/2019 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc;…  

Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký ban hành Quyết định số 101/QĐ-BKHCN ngày 21/01/2019 về việc công bố Mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 cho các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước tại địa phương; Quyết định số 128/QĐ-BKHCN ngày 23/01/2019 về việc tổ chức Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính của Bộ KH&CN; Quyết định số 186/QĐ-BKHCN ngày 28/1/2019 về việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ KH&CN kỳ 2014 – 2018; Quyết định số 193/QĐ-BKHCN ngày 29/01/2019 Ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính năm 2019 của Bộ KH&CN; Quyết định số 289/QĐ-BKHCN ngày 01/02/2019 của Bộ trưởng KH&CN ban hành “Kế hoạch tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ”; Quyết định số 395/QĐ-BKHCN ngày 28/02/2019 về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính được thay thế trong lĩnh vực hoạt động KH&CN thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ KH&CN; Quyết định số 572/QĐ-BKHCN ngày 19/3/2019 Ban hành Kế hoạch triển khai Nghị định số 13/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp KH&CN;…

Bên cạnh công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN, Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với nhà đầu tư năm 2018; công bố Chương trình Quan hệ đối tác về Đổi mới sáng tạo Australia – Việt Nam (Aus4Innovation); Lễ kết thúc Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan giai đoạn 2; Hội nghị tổng kết Bộ KH&CN năm 2018 và triển khai công tác năm 2019; Hội thảo “Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”; tổ chức Lễ khai trương Văn phòng đại diện Viện Khoa học sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh; khai trương trụ sở văn phòng làm việc của Viện VKIST tại Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ cao (Khu CNC Hòa Lạc); Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019;…

Trong Quý I, Lãnh đạo Bộ KH&CN đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổng kết, sơ kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về KH&CN, các nội dung đột phá cho ngành KH&CN, phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của xã hội trong thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về phương hướng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; làm việc với Lãnh đạo các tỉnh Gia Lai, Quảng Nam, Đồng Nai và Thái Nguyên về đẩy mạnh các hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Cùng với đó, chính thức từ 8 giờ 30 phút ngày 21/01/2019, Hệ thống một cửa của Cục An toàn Bức xạ Hạt nhân đã hòa chung trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để doanh nghiệp và người dân khai thác sử dụng phục vụ hoạt động xin cấp phép tiến hành công việc bức xạ trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu chất phóng xạ; Ngày 14/1/2019, dây chuyền chiếu xạ đầu tiên tại miền Trung thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã đi vào hoạt động cung cấp dịch vụ chiếu xạ tiệt trùng bảo quản nông sản, thuỷ hải sản phục vụ xuất khẩu cũng như khử trùng thiết bị y tế và các vật phẩm y tế cho Đà Nẵng và các địa phương lân cận.

Bộ KH&CN quyết liệt triển khai Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ

Triển khai Chương trình hành động của Bộ KH&CN thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ và Chương trình công tác năm 2019 của Bộ KH&CN với phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, bứt phá, sáng tạo, phát triển”, ngày 14/02/2019, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ. Theo đó, Bộ trưởng đã nhấn mạnh với sự chuyển dịch chính sách – lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trong mấy năm gần đây, Bộ đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ; tập trung phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo;… đặc biệt là việc tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0).

Đồng thời, quán triệt các nhiệm vụ cần tập trung triển khai theo Chương trình hành động của Bộ KH&CN thực hiện Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ: Khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN và ĐMST, nhất là từ doanh nghiệp; Triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ cốt lõi của cuộc CMCN 4.0; Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia liên kết chặt chẽ với cộng đồng khởi nghiệp trong khu vực và quốc tế, biến khởi nghiệp sáng tạo thành một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng; Rà soát, tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia theo hướng coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia; Quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao. Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu; Đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ; Bảo hộ sở hữu trí tuệ, phát triển khai thác tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế; Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông KH&CN.

Nhiều hoạt động trong Tuần lễ Đổi mới sáng tạo

Tại buổi Họp báo, nhiều nhà báo bày tỏ quan tâm đến sự kiện Tuần lễ Đổi mới sáng tạo. Cung cấp thông tin cho báo chí, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, Tuần lễ Đổi mới sáng tạo diễn ra từ ngày 13 – 17/5/2019, do Bộ KH&CN phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia và Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế (International Development Innovation Alliance - IDIA) tổ chức. Trong thời gian nói trên dự kiến sẽ diễn ra nhiều hoạt động như Cuộc họp thường niên của IDIA, Đối thoại chính sách trên truyền hình, đặc biệt điểm nhấn là Hội nghị “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một Trụ cột cho Phát triển Kinh tế Xã hội của Việt Nam”.

Tuần lễ Đổi mới sáng tạo hướng đến mục tiêu tìm hiểu về các công cụ, công nghệ và xu hướng khác nhau liên quan đến cuộc CMCN 4.0, các rủi ro hoặc lợi ích tiềm năng của chúng đối với sự bình đẳng, sự bao trùm và các kết quả phát triển ở Việt Nam và một số nước khác. Đồng thời tạo cơ hội để các nhà tài trợ quốc tế về ĐMST nắm bắt nhu cầu, có thể hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách và các chủ thể khác trong các hệ sinh thái ĐMST trong nước chuẩn bị, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng lực tiếp cận của Việt Nam đối với cuộc CMCN 4.0.

“Hội nghị sẽ là diễn đàn để các Bộ, ngành của Việt Nam và các đối tác quốc tế trao đổi về cách thức KH, CN&ĐMST có thể đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng kinh tế - xã hội, thông qua việc mô tả các tác động có thể có của các công nghệ mới nổi đối với một số quốc gia (gồm cả Việt Nam); nền kinh tế số trong tương lai với các kịch bản và cơ hội để Việt Nam có thể xác định hướng đi riêng trong quá trình phát triển và thể hiện vai trò lãnh đạo trong khu vực ASEAN, đồng thời, làm thế nào để xã hội tham gia vào việc chuyển đổi các ngành công nghiệp, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật đầu tiên tại Việt Nam

Chia sẻ thông tin tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub) sẽ đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, ra mắt vào ngày 10/4/2019.

IoT Innovation Hub được thành lập dựa trên Biên bản ghi nhớ được ký kết ngày 28/11/2018 giữa Bộ KH&CN và Công ty Ericsson (Thụy Điển) với ba mục tiêu chính là hỗ trợ nền tảng sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; là nền tảng hỗ trợ học tập và giáo dục; là nền tảng hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D) tập trung đẩy nhanh tiến độ của Việt Nam về Internet vạn vật.

Đây là trung tâm ĐMST đầu tiên tại Việt Nam nhằm thúc đẩy ĐMST và nâng cao tinh thần khởi nghiệp về IoT. Với mục tiêu hướng đến các nhà mạng di động, doanh nghiệp, sinh viên, các nhà nghiên cứu, những doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước, Trung tâm IoT Innovation Hub sẽ tạo động lực và cho phép người dùng cùng sáng tạo, phát triển và thử nghiệm các ứng dụng IoT cũng như hỗ trợ các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp trong việc thương mại hóa các sản phẩm.

IoT Innovation Hub được kỳ vọng sẽ là nền tảng để đẩy nhanh việc áp dụng cuộc CMCN 4.0 tại Việt Nam, giúp nhận diện tiềm năng kinh tế - xã hội to lớn thông qua các lợi ích mang tính bền vững của việc số hóa và chuyển đổi các ngành công nghiệp.

Toàn cảnh buổi Họp báo. Ảnh: Ngũ Hiệp.

Theo kế hoạch, dự kiến trong Quý II/2019, bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH&CN, Bộ KH&CN sẽ tổ chức các sự kiện, hoạt động như: Lễ trao Giải thưởng Chất lượng quốc gia, Giải thưởng Châu Á - Thái Bình Dương; Triển lãm Analytica Vietnam 2019; Diễn đàn phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Hội nghị triển khai hoạt động trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ năm 2019; Hội nghị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ năm 2019; Hoạt động kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26 - 4, Ngày công nhận thế giới (9/6); Chuỗi sự kiện chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 với nhiều sự kiện như Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Giải thưởng Báo chí về KH&CN, các hội nghị, hội thảo chuyên đề,…; Hội nghị giao ban KH&CN vùng Đồng bằng sông Hồng tại tỉnh Hải Dương, Hội thảo khoa học: Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Vùng Đồng bằng sông Hồng; Hội nghị giao ban KH&CN Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ XV tại thành phố Đà Nẵng; Tuần lễ Đổi mới sáng tạo; Khai trương Trung tâm IoT Innovation Hub;...

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 4621

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)