Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc; nguyên thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh; ông Kum Dongwha, Viện trưởng Viện VKIST; ông Ha Sung Do, Giám đốc Trung tâm Kang - nưng; Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc, cùng nhiều nhà khoa học của Việt Nam và Hàn Quốc.
Quang cảnh Diễn đàn.
“Mỏ vàng” nhưng khai thác không đáng kể
Các đại biểu tham dự Diễn đàn thường niên này đều có cùng nhận định: Tiềm năng về nguồn cây dược liệu và nguồn tri thức về sử dụng dược liệu của Việt Nam là rất lớn nhưng ứng dụng chưa hiệu quả.
Đại diện Traphaco và Nam Dược (hai doanh nghiệp khá thành công khi khai thác nguồn dược liệu Việt Nam) đều khẳng định, để đi đến thành công cần có sự hợp tác giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp mới đưa sản phẩm nghiên cứu ra thị trường. Kết quả điển hình của mô hình kết nối viện nghiên cứu-doanh nghiệp rất thành công là sản phẩm Hoạt huyết dưỡng não và Boganic của Traphaco… Doanh thu của 2 sản phẩm này đạt khoảng 400 tỷ đồng/năm.
Một nguyên nhân nữa đã được nguyên thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh nêu ra, đó là việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với sản phẩm dược liệu. Nguyên Thứ trưởng khuyến cáo: cần chú ý việc bảo hộ quyền SHTT vì có quá nhiều bài học đã xảy ra gây tổn thất cho cả nhà khoa học lẫn doanh nghiệp. Theo đó, đối với mỗi kết quả nghiên cứu có thể thương mại hóa, nên xem xét việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT trước khi công bố bài báo.
PGS.TS Lê Mai Hương, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) thừa nhận đây là bài học cho chính bà và nhóm nghiên cứu. Trước đó, nhóm đã đăng 1 bài báo quốc tế, sau đó, thông tin về nghiên cứu đã được sử dụng rộng rãi khi mà sản phẩm còn chưa được bán trên thị trường. “Thú thực là chỉ thấy vinh dự ngầm nhưng chúng tôi đã thất bại về việc bản quyền”- PGS.TS. Lê Mai Hương chia sẻ.
PGS.TS Lê Mai Hương, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên phát biểu tại Diễn đàn.
Đại diện Trapaco cũng thẳng thắn cho biết, doanh nghiệp dược liệu rất cần đổi mới công nghệ, tiếp cận các công nghệ chiết xuất tốt hơn mới có thể đảm bảo được chất lượng sản phẩm.
Thực tế cho thấy, có khoảng cách để đưa doanh nghiệp và nhà khoa học lại gần nhau. Điều này cũng được GS.TSKH. Trần Văn Sung, Viện Hoá học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) chia sẻ: Nhà khoa học thì ngại ngần vì không biết cách giới thiệu công nghệ, từ đó sinh ra tâm lý ngại ngần. Doanh nghiệp thì chưa “mặn mà” với sự chào mời công nghệ Việt.
Muôn vàn lý do và trở ngại để thu hẹp khoảng cách này. Chính vì vậy, tại Diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, để sản phẩm KH&CN đi vào cuộc sống, rất cần sự tham gia của nhiều “nhà” như nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư, còn Nhà nước cần có vai trò “Nhạc trưởng” để điều hòa mối quan hệ của các “nhà” này.
VKIST - “Cầu nối” giữa nhà khoa học và doanh nghiệp
Với sự tham gia của các chuyên gia về dược thảo đến từ Trung tâm Kang – nưng, Viện VKIST tổ chức Diễn đàn này nhằm hỗ trợ và trở thành cầu nối giúp cho các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học của Việt Nam gặp gỡ và trao đổi về kinh nghiệm thành công, thảo luận về những khó khẳn thử thách trước mắt. Diễn đàn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm của Việt Nam như Công ty Cổ phần Nam Dược, Công ty Cổ phần Traphaco, Công ty Vắc xin và sinh phẩm số 1.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đề nghị các diễn giả, các đại diện doanh nghiệp đưa ra ý kiến, tranh luận nhằm giải quyết bài toán khó khăn mà công ty/doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải theo những tình huống tương tự; đồng thời chủ động tích cực trao đổi hợp tác với các đối tác để cùng nhau phát triển.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại Diễn đàn.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: Với vai trò quản lý nhà nước về KH, CN và đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu nhằm tìm kiếm các giải pháp, các định hướng chính sách, từng bước đưa ứng dụng công nghệ sinh học trực tiếp phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương của Chính phủ.
Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Kum Dongwha, Viện trưởng VKIST cho biết, Viện sẽ bắt tay cùng doanh nghiệp cung cấp các giải pháp công nghệ và là cầu nối giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm chiếm lĩnh thị trường.
Ông Kum Dongwha, Viện trưởng Viện VKIST phát biểu tại Diễn đàn.
Để minh chứng cho điều này, ngay tại Diễn đàn đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Viện Hàn lâm KH&CN Hàn Quốc (KIST) và Công ty Cổ phần Traphaco về nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm từ thảo dược, với hy vọng trong tương lai, nhiều nghiên cứu về cây dược liệu của Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm thương mại có giá trị kinh tế cao từ sự “bắt tay” này.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Viện Hàn lâm KH&CN Hàn Quốc (KIST) và Công ty Cổ phần Traphaco
Các đại biểu chụp ảnh chung tại Diễn đàn.
Viện VKIST là tổ chức khoa học công nghệ thuộc Bộ KH&CN Việt Nam, được thành lập thông qua dự án hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc, với sứ mệnh "Trở thành một tổ chức hàng đầu trong nghiên cứu khoa học ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến liên quan đến ngành công nghiệp và tiến bộ kinh tế bền vững".
Năm 2018, Viện VKIST đã tổ chức Diễn đàn công nghiệp lần thứ I với chủ đề: “Nhu cầu công nghệ trong quá trình sản xuất tự động hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam”. Với sự hỗ trợ rất lớn từ các hiệp hội hoạt động trong ngành công nghiệp điện tử và tự động hóa, Diễn đàn đã thu hút hơn 90 đại biểu, trong đó chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp. Diễn đàn công nghiệp tập trung vào nhu cầu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, tạo cơ hội để doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về nhu cầu của mình trong quá trình sản xuất tự động hóa.
|