Cũng như thước đo để xác định một tổ chức, doanh nghiệp lớn mạnh thì nguồn nhân lực phải dồi dào và có khả năng tiếp thu nhanh công nghệ, đồng thời chi phí cho lực lượng lao động thường là một trong những chi phí lớn nhất. Tuy nhiên, việc đo lường lợi nhuận thực sự cho khoản đầu tư về nhân lực còn là một công việc hết sức khó khăn. Để giúp cho việc xác định vốn nhân lực trở nên dễ dàng hơn, tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đã cho ra đời Tiêu chuẩn Quốc tế đầu tiên về báo cáo vốn nhân lực.
Tiêu chuẩn ISO 30414 là Tiêu chuẩn Quốc tế đầu tiên cho phép một tổ chức, doanh nghiệp có được cái nhìn rõ ràng về sự đóng góp thực sự của nguồn nhân lực (ảnh minh họa)
Chúng ta biết rằng chiến lược nguồn nhân lực (HR) hiệu quả có thể có tác động tích cực đến hiệu suất của một doanh nghiệp, tổ chức. Và với chi phí chi cho lực lượng lao động chiếm tới 70% chi phí của một doanh nghiệp thì điều quan trọng là phải thực hiện chiến lược đó một cách hiệu quả, tối ưu nhất. Hiện nay, có nhiều hệ thống và quy trình quản lý nhân sự khác nhau nhằm tối đa hóa lợi tức đầu tư vào nguồn nhân lực, nhưng mỗi quy trình, hệ thống quản lí nhân sự này lại hoạt động và đem lại hiệu quả khác nhau ở từng tổ chức, doanh nghiệp. Điều đó, gây khó khăn cho việc định chuẩn chính xác và xác định mức độ phù hợp với tiêu chí quốc tế. Do đó, một Tiêu chuẩn Quốc tế ISO mới vừa được công bố cung cấp những cách thức được thống nhất trên toàn cầu.
Tiêu chuẩn ISO 30414, Quản lý nguồn nhân lực – Hướng dẫn báo cáo vốn nhân lực bên trong và bên ngoài, là Tiêu chuẩn Quốc tế đầu tiên cho phép một tổ chức, doanh nghiệp có được cái nhìn rõ ràng về sự đóng góp thực sự của nguồn nhân lực. Tiêu chuẩn này áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình và các cấp quy mô, đồng thời cung cấp các hướng dẫn về các lĩnh vực nhân sự cốt lõi như văn hóa tổ chức, tuyển dụng và doanh thu, năng suất, an toàn và sức khỏe, và khả năng lãnh đạo.
Tiến sĩ Ron McKinley, Chủ tịch ủy ban kỹ thuật ISO đã phát triển tiêu chuẩn này cho biết tiêu chuẩn ISO 30414 sẽ cho phép các tổ chức, doanh nghiệp hiểu rõ những tác động của họ sẽ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực ra sao và giúp tối đa hóa khả năng đóng góp của nguồn nhân lực cho sự phát triển lâu dài, bền vững của chính tổ chức, doanh nghiệp đó.
Tiến sĩ McKinley cũng cho rằng Báo cáo về Lực lượng lao động trong một tổ chức là về việc xem xét lại cách hiểu và đánh giá giá trị của tổ chức đó, và cho phép đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu nhiều hơn trong việc quản lý lực lượng lao động. Bên cạnh đó, bằng cách cung cấp một số số liệu quan trọng đã được nhận diện trên phạm vi quốc tế, các công ty đa quốc gia có thể dễ dàng trao đổi thông tin về vốn nhân lực dễ dàng hơn, kiểm soát tốt hơn các hoạt động nhân sự quốc tế của họ và cung cấp sự minh bạch hơn cho tất cả các bên liên quan của tổ chức, doanh nghiệp đó.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn này không chỉ dành riêng cho các công ty đa quốc gia mà các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi quy mô, bao gồm các công ty vừa và nhỏ, có thể hưởng lợi từ việc chọn ra các số liệu phù hợp nhất với họ. Đồng thời, Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ được hưởng lợi, Tiến sĩ McKinley nói, bằng cách thu nhận kiến thức về phát triển vốn nhân lực trong các tổ chức, doanh nghiệp./.