Thứ tư, 26/12/2018 16:44 GMT+7

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2019 của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Ngày 22/12/2018, tại Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Hà Nội, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Viện NLNTVN) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2019.

Tham dự Hội nghị có ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN); Lãnh đạo Viện NLNTVN; Đại diện Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Cục trưởng PGS. TS. Nguyễn Tuấn Khải; Đại diện Cục Năng lượng nguyên tử, Cục trưởng TS. Hoàng Anh Tuấn; Đại diện Bộ Tư lệnh hóa học, Đại tá Võ Thành Vinh; Đại diện Viện Hóa học-Môi trường quân sự, Thiếu tá Trần Đức Hùng; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, cùng đại diện cán bộ công chức, viên chức của Viện NLNTVN. Hội nghị cũng vinh dự được đón tiếp các giáo sư và chuyên gia đầu ngành: GS. Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Viện trưởng Viện NLNTVN; GS. TS. Trần Đức Thiệp, Viện Vật lý; ông Sergei Tanakov, Tham tán Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam; ông Andrey Stankevich, đại diện của Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Liên bang Nga (ROSATOM); cùng đại diện của các cơ quan, viện nghiên cứu và các trường đại học đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam.
 


Đoàn Chủ tịch chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 của Viện NLNTVN
 

Bắt đầu chương trình Hội nghị, TS. Trần Ngọc Toàn - Phó Viện trưởng Viện NLNTVN, đại diện Lãnh đạo Viện, đã trình bày Báo cáo tóm tắt Tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 của Viện, tập trung vào các nội dung sau: Đặc điểm tình hình năm 2018; Các kết quả hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng năng lượng nguyên tử; Các dự án đầu tư; Phương hướng, nhiệm vụ và chỉ tiêu trong năm 2019; một số đề xuất và kiến nghị của Viện với Bộ KH&CN.
 

Phó Viện trưởng Trần Ngọc Toàn trình bày Báo cáo tóm tắt Tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 của Viện NLNTVN
 

Báo cáo Tổng kết đã cho thấy, năm 2018 là một năm có nhiều sự kiện ảnh hưởng lớn tới định hướng phát triển của Viện NLNTVN, có thể kể đến như:

- Bộ KH&CN đã phê duyệt phương án tự chủ cho các đơn vị trong Viện NLNTVN thực hiện theo Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, trong đó, loại L1 (01 đơn vị), L2 (01 đơn vị), L3 (08 đơn vị), L4 (01 đơn vị).

- Năm 2018 là năm Viện NLNTVN tập trung hướng đến chủ đề “Phát triển bền vững dựa vào khoa học công nghệ”, Viện đã đạt được nhiều kết quả từ nghiên cứu khoa học đến phát triển nguồn nhân lực, từ triển khai dịch vụ kỹ thuật đến hoạt động tổ chức đoàn thể, toàn Viện có 56 công trình công bố quốc tế trong đó có 48 công trình trên các tạp chí ISI.

- Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tại Quyết định số 75 ngày 19/11/2018. Trung tâm nghiên cứu mới sẽ giúp Việt Nam có điều kiện triển khai thực hiện các nghiên cứu hiện đại, thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và từng bước nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ hạt nhân quốc gia.

- Ngày 29/11/2018, Viện NLNTVN đã ký Thỏa thuận thiết lập Trung tâm hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tại Việt Nam trong lĩnh vực nước và môi trường. Nhiệm vụ chính của Trung tâm hợp tác này là sử dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị trong quản lý tài nguyên nước và môi trường khu vực duyên hải và lưu vực sông.

- Trước tình hình điện hạt nhân Trung Quốc phát triển mạnh, có nhiều tổ máy xây dựng gần biên giới Việt Nam được đưa vào vận hành, cho đến nay có 8 tổ máy đang vận hành, Viện NLNTVN đang triển khai tích cực xây dựng Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia bảo đảm kịp thời phát hiện diễn biến bất thường về bức xạ trên lãnh thổ Việt Nam và hỗ trợ việc chủ động ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân và cung cấp cơ sở dữ liệu về phóng xạ môi trường quốc gia phục vụ công tác quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử và an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân.

- Trung tâm Ứng dụng bức xạ Đà Nẵng đã hoàn thành việc xây dựng dây chuyền chiếu xạ sử dụng nguồn Co-60, cơ sở đã được cấp phép vận hành và đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu chiếu xạ bảo quản nông sản, thủy hải sản, giúp thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm chiếu xạ cho Đà Nẵng và khu vực miền Trung.

Năm 2018 các đơn vị trong toàn Viện đã tích cực hưởng ứng và thực hiện chủ đề của năm “Phát triển bền vững dựa vào khoa học công nghệ”. Một số thành tích đáng kể trong ứng dụng, sản xuất và dịch vụ của của một số đơn vị trực thuộc như sau:

- Năm 2018, Viện NCHN tiếp tục phát triển các dịch vụ quan trắc môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp chứng nhận VIMCERTS theo quy định tại Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng năm 2014 của Chính phủ và chứng nhận mới VietGAP cho 20 đơn vị, hộ cá thể.

- Viện NCHN đang nghiên cứu quy trình công nghệ điều chế dược chất vi cầu phóng xạ Y-90 trên lò phản ứng hạt nhân Đà lạt, góp phần làm đa dạng hóa các loại thuốc phóng xạ điều trị ung thư tại các bệnh viện trong cả nước. Điều chế, cung cấp các dược chất phóng xạ và kit đánh dấu cho 25 cơ sở, bệnh viện trong nước với tần suất 2 tuần 1 lần. Tổng cộng 620,55 Ci ĐVPX các loại đã được sản xuất và cung cấp cho các khoa Xạ trị, Y học hạt nhân tại các bệnh viện trong nước (tăng 55% so với cùng kỳ năm 2017). Viện NCHN bước đầu đã cung cấp 11 đợt (4,21 Ci) dược chất phóng xạ cho Campuchia, tạo điều kiện để nước bạn phát triển các khoa y học hạt nhân.

- Trung tâm VINAGAMMA vận hành và khai thác an toàn máy chiếu xạ chùm tia điện tử và máy chiếu xạ nguồn Co-60 theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015, phục vụ cho các nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ bức xạ. Năm 2018, Trung tâm đã thay đổi, bổ sung các quy trình, quy định trong vận hành thiết bị, quy định về xử lý và bảo quản hàng hóa của khách hàng. Doanh số năm 2018 của Trung tâm đã tăng 18,5% so với năm 2017 (đạt mức cao nhất từ trước đến nay), đặc biệt Trung tâm VINAGAMMA hiện nay đang phối hợp với doanh nghiệp, đã triển khai xây dựng xong máy gia tốc điều chế dược chất phóng xạ cho khu vực phía Nam, đảm bảo nguồn cung cấp dược chất chẩn đoán và điều trị ung thư cho khu vực Tp. HCM, giảm giá thành sản phẩm. Đây là mô hình kết hợp công tư hiệu quả cần đẩy mạnh trong tương lai theo chủ trương của Nhà nước (mô hình Public Private Partnership -- PPP). Trung tâm hỗ trợ tích cực cho dự án Chiếu xạ của Viện NLNTVN đang xây dựng tại Đà Nẵng, cùng với Sở KH&CN Đồng Nai thiết kế xây dựng dây chuyền chiếu xạ mới đặt tại Đồng Nai phục vụ xuất khẩu.

- Đối với lĩnh vực kiểm tra không phá hủy, Trung tâm NDE đưa nhiều kết quả ứng dụng vào thực tế, như: Sử dụng phương pháp siêu âm để kiểm tra chất lượng cánh bơm của nhà máy; kỹ thuật dòng điện xoáy (ECT) kết hợp với các kỹ thuật MFL. RFT, IRIS,VT, MT, PT được đưa vào giảng dạy và triển khai thực tiễn tại các dự án Mông Dương 2, Đào tạo PV Pipe, các đơn vị thầu phụ của ABB....mở ra khả năng dịch vụ NDT mới.

- Trung tâm CXHN đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân trong việc chiếu xạ xuất khẩu vải và nhãn sang Úc, góp phần mở rộng đầu ra cho sản phẩm, tránh được việc mất giá khi xuất sang Trung Quốc. Tổng hàng hóa chiếu xạ đạt khoảng 5.447 m3 với thời gian chiếu xạ khoảng 5.300 giờ. Trong đó, chiếu xạ kiểm dịch hoa quả tươi xuất khẩu được gần 52,5 tấn vải, xoài, tăng 33% so với năm 2017. Đặc biệt trong năm 2018, dịch vụ Hỗ trợ triển khai về an toàn bức xạ hạt nhân và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tăng mạnh (tăng gần 793 triệu đồng, tương đương 50% do với năm 2017).

- Trung tâm Triển khai công nghệ thuộc Viện Công nghệ xạ hiếm: Có doanh số cao trong năm 2018 (120 tỷ đồng). Viện CNXH đã xây dựng được quy trình xử lý monazit thu nhận các sản phẩm tổng đất hiếm, urani và thori đang áp dụng để sản xuất thori làm chất xúc tác phủ bề mặt lưới nhôm xuất khẩu sang Nhật. Viện CNXH cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu chế biến quặng kẽm nghèo, bước đầu mở ra một số nghiên cứu về vật liệu nano, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng của đất hiếm trong nông nghiệp, công nghiệp và chăn nuôi...

Đối với các hoạt động nghiên cứu Khoa học: Năm 2018, Viện đã đạt được thành tích nổi bật hơn so với năm 2017, đã có nhiều công bố hơn trên các tạp chí, hội nghị trong nước và quốc tế với tổng số công trình là 173, trong đó số công trình đăng tải trên các tạp chí quốc tế là 56 công trình, trong đó có 48 công trình đăng trên các tạp chí ISI, tăng so với năm 2017 là 11 công trình (năm 2017 có 45 công bố quốc tế trong đó có 37 công trình đăng trên ISI). Trong số các công trình công bố quốc tế có nhiều công trình được công bố trên các tạp chí có IF cao như các tạp chí Phys. Rev. Lett., Phys. Lett. B, Phys. Rev. C..., với đóng góp đáng kể thuộc về hai đơn vị giàu truyền thống nghiên cứu như Viện KH&KTHN, Viện NCHN Đà Lạt… Bên cạnh đó, ngay cả đơn vị nhỏ như VINAGAMMA cũng tăng số lượng công bố và các công trình nghiên cứu đó đều gắn liền với công việc ứng dụng của Trung tâm. Năm 2018 có 01 Bằng sáng chế do Viện Sở hữu trí tuệ Liên bang Nga cấp về Phương pháp tổng hợp vật liệu hấp phụ composite từ tính cho cán bộ của Viện NCHN và 01 giải pháp hữu ích của Viện CNXH về Quy trình chiết dung môi để tách loại đồng thời urani và thori ra khỏi dung dịch thủy luyện tinh quặng đất hiếm.

 Trong công tác Đào tạo phát triển nguồn nhân lực: Hiện nay, Viện có hơn 30 cán bộ đang làm Postdoc, nghiên cứu sinh và thạc sĩ ở nước ngoài, trong đó hơn 20 cán bộ làm Postdoc và nghiên cứu sinh tại các nước như: Liên bang Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Úc... Tháng 9/2018, Trung tâm Đào tạo hạt nhân xây dựng và trình Viện ký ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện NLNTVN theo Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 04/4/2018.

 Trong công tác Thông tin, tuyên truyền, hội nghị, hội thảo khoa học: Viện duy trì việc xuất bản Tạp chí Nuclear Science and Technology – NST (04 số/năm) với chất lượng ngày một được nâng cao. Bản tin tiếng Việt về Thông tin Khoa học Công nghệ hạt nhân xuất bản online được đăng tải thường xuyên. Thông tin về các mặt hoạt động của toàn Viện được đăng tải đầy đủ trên trang tin của Viện NLNTVN và của Bộ KH&CN. Viện đã tổ chức thành công Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân cho cán bộ trẻ lần 5 với sự tham gia của gần 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học trẻ, cán bộ quản lý, các Trường đại học, Viện nghiên cứu trong nước, trong đó một số báo cáo kết quả nghiên cứu có chất lượng tốt. Triển khai các nhiệm vụ năm 2018 của Viện chuẩn bị cho kỷ niệm hơn 40 thành lập Viện NLNTVN, quảng bá và giới thiệu các thành quả trong ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và công nghệ bức xạ, đồng thời phục vụ thông tin tuyên truyền về Trung tâm Nghiên cứu Khoa học công nghệ hạt nhân và Dự án Cơ sở chiếu xạ của Viện tại Đà Nẵng.

 Trong năm 2018, Viện NLNTVN đã tiếp tục triển khai các dự án lớn của ngành NLNT: Trung tâm Nghiên cứu KH&CN hạt nhân (RCNEST); Mạng Quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia; Dự án Cơ sở nghiên cứu của Viện tại Đà Nẵng; Dự án Xây dựng phòng chuẩn cấp 2 tại Trung tâm hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh.

 Về phương hướng, nhiệm vụ và chỉ tiêu chủ yếu của năm 2019, Viện đề ra hoạt động khoa học công nghệ với chủ đề “Khoa học công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế xã hội” (Nuclear science and technology serve social and economic development), nhằm thúc đẩy và khuyến khích phát triển nghiên cứu khoa học, nghiên cứu ứng dụng triển khai khoa học trong lĩnh vực NLNT vào phát triển kinh tế xã hội là nền tảng phát triển bền vững cho các đơn vị trực thuộc và toàn thể Viện NLNTVN.

Kết thúc Báo cáo là một số kiến nghị của Viện NLNTVN tới Bộ KH&CN: Xem xét, chỉ đạo và hỗ trợ một số vấn đề cho triển khai nhiệm vụ năm 2019, như: Đảm bảo kinh phí hoạt động bộ máy, tiếp tục đầu tư trang thiết bị cần thiết cho nghiên cứu; Tiếp tục cho Viện tuyển dụng cán bộ mới (bù vào số cán bộ đã về hưu) để chuẩn bị nguồn nhân lực cho các nhóm nghiên cứu ưu tiên, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và đặc biệt cho dự án RCNEST; Tạo cơ chế, xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn kinh phí để tăng cường việc đào tạo cán bộ cho ngành NLNT, đặc biệt là cán bộ giỏi hàng đầu; Phê duyệt và ra quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng bức xạ Đà Nẵng, tạo điều kiện để hình thành đơn vị và đưa hệ thống chiếu xạ vào hoạt động có hiệu quả; Tăng cường kinh phí hợp tác quốc tế năm 2019; Xem xét làm thủ tục cho một số cán bộ của Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp được hưởng ngân sách nhà nước theo Quyết định phê duyệt phương án tự chủ, hỗ trợ 49,8% chi phí thường xuyên cho Trung tâm từ năm 2019 (tại Quyết định số 3503/QĐ-BKHCN ngày 13/11/2018).

Tiếp đó, đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện NLNTVN đã báo cáo tóm tắt những thành tích đạt được năm 2018 và đề ra phương hướng công tác của đơn vị mình năm 2019, cũng như góp ý vào phương hướng công tác năm 2019 của Viện NLNTVN, đồng thời đưa ra những kiến nghị đối với Lãnh đạo Viện NLNTVN và Bộ KH&CN về các vấn đề: Nâng ngạch viên chức, chức danh nghề nghiệp và tạo môi trường làm việc tốt cho cán bộ trẻ; Tháo gỡ những khúc mắc trong việc thực hiện Nghị định 54 khi thực hiện phương án tự chủ của các đơn vị; Công tác bổ nhiệm cán bộ; Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực,….
 

Ông Sergei Tanakov, Tham tán Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Ông Sergei Tanakov, Tham tán Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam đã phát biểu bày tỏ sự vui mừng trước sự kiện vào ngày 19 tháng 11 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nga, ông D. Medvedev. Đây là kết quả của mối quan hệ truyền thống, bền bỉ, tốt đẹp giữa Liên bang Nga và Việt Nam. Ông Sergei Tanakov chân thành cám ơn Viện NLNTVN và Bộ KH&CN đã phối hợp nhiệt tình, đầy tính xây dựng trong suốt thời gian qua. Năm 2019, sẽ có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 69 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước và ông Sergei Tanakov mong muốn mối quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga sẽ ngày càng bền vững, khăng khít hơn và khẳng định nước Nga luôn là đối tác và là bạn bè tốt của Việt Nam.
 


Viện trưởng Trần Chí Thành phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2019 của Viện NLNTVN

Phát biểu tại Hội nghị, Viện trưởng Trần Chí Thành đã tổng kết vắn tắt những kết quả nổi bật và những khó khăn của từng đơn vị trong năm qua: VINAGAMMA, được thành lập năm 1999, là thời điểm Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang nước ngoài, thời điểm đó có nhiều đơn vị được thành lập và đã không thành công, nhưng VINAGAMMA đã đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài, khẳng định được vị trí trong thị trường chiếu xạ ở Việt Nam. Trung tâm đã vận hành an toàn và có hiệu quả 02 thiết bị chiếu xạ, đặc biệt là thời gian chiếu xạ của máy gia tốc đã đạt 6.438 giờ (năm 2017 là 4.742giờ). Doanh thu từ dịch vụ chiếu xạ đạt gần 60 tỷ đồng (tính đến tháng 11/2018) so với năm 2017 (50,48 tỷ đồng). Trung tâm đã tiếp nhận Cơ sở Chiếu xạ của Viện NLNTVN tại Đà Nẵng và đang khẩn trương tiến hành các thủ tục nhằm đưa thiết bị vào hoạt động thương mại; Trung tâm Hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh tuy gặp nhiều khó khăn nhưng hiện nay đã ổn định và đang tập trung vào xây dựng và sửa chữa trụ sở để triển khai dự án RCNEST; Viện Nghiên cứu hạt nhân đạt được kết quả tốt trên mọi phương diện; Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp đã thực hiện dự án về kiểm tra các mối hàn ở nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, đưa vào vận hành, đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội, đưa nghiên cứu vào ứng dụng trong cuộc sống; Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân cần tập trung vào dự án xây dựng Mạng Quan trắc phóng xạ và phát triển y học hạt nhân; Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã chuẩn bị để sản xuất dược chất phóng xạ, phát triển ổn định trong hoạt động chiếu xạ xuất khẩu nông sản; Trung tâm Đánh giá không phá hủy đạt doanh thu cao, cần thúc đẩy đào tạo và ứng dụng kỹ thuật NDT; Viện Công nghệ xạ hiếm đã giải quyết dứt điểm kiốt Nissan, lấy lại được mặt bằng, Lãnh đạo đơn vị tích cực động viên đội ngũ cán bộ nỗ lực nghiên cứu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; Trung tâm Đào tạo hạt nhân, trong tương lai gần sẽ thành lập Trung tâm Đánh giá an toàn rủi ro và Trung tâm Đánh giá vật liệu và là đơn vị chính làm cầu nối để Viện NLNTVN thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Trung tâm Hợp tác của IAEA tại Việt Nam. Viện trưởng Trần Chí Thành đánh giá cao những kết quả đã đạt được của các đơn vị trực thuộc trong năm qua và điểm lại những Chủ đề phát động của Viện NLNTVN từ năm 2013 đến năm 2018. Năm 2013: Xây dựng các nhóm nghiên cứu ưu tiên; Năm 2014: Đào tạo nguồn nhân lực; Năm 2015: Thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng; Năm 2016: Đẩy mạnh làm việc nhóm; Năm 2017: Khoa học đi cùng với doanh nghiệp; Năm 2018: Phát triển bền vững dựa vào khoa học và công nghệ. Những chủ đề hoạt động này đã thực sự thu hút được sự hưởng ứng và triển khai mạnh mẽ trong các đơn vị, phát huy hiệu quả tốt, góp phần tăng cao doanh số sản xuất, dịch vụ, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Trong lời phát biểu của mình, GS. Phạm Duy Hiển, một trong những người khởi công lò nghiên cứu đầu tiên của Viện Nam tại Viện Nghiên cứu Đà Lạt, người đặt nền móng cho ngành NLNT Việt Nam đã bày tỏ trăn trở: Trong gần 40 năm qua Giáo sư và các đồng nghiệp đã cố gắng mà chưa làm được một điều là xây dựng những nhà khoa học thực nghiệm cho ngành hạt nhân, do đó thế hệ Lãnh đạo Viện NLNTVN hiện nay phải tiếp tục gánh vác thực hiện. Nhưng có một thực tế là trong hoạt động nghiên cứu khoa học hiện nay chúng ta vẫn bị ràng buộc bởi cơ chế quản lý hành chính phức tạp. Theo Giáo sư, chỉ khi nào thoát ra được cơ chế đó thì ngành hạt nhân Việt Nam nói chung, Viện NLNTVN nói riêng mới có các nhà khoa học, nhóm khoa học lớn, xây dựng được đỉnh cao cho ngành hạt nhân. Giáo sư Phạm Duy Hiển cũng đưa ra góp ý với Viện là: Trong các cuộc Họp Hội đồng khoa học của Viện NLNTVN những năm tới cần giảm dần báo cáo của các đơn vị, thay vào đó phải tăng lên báo cáo của các nhóm, các hướng nghiên cứu để xây dựng đỉnh cao khoa học, đặc biệt là phát triển khoa học thực nghiệm, tạo ra bước đột phá cho nền khoa học nước nhà. Giáo sư cũng nhấn mạnh để xây dựng lò nghiên cứu có công suất lớn (RCNEST) thì hiện tại Viện NLNTVN đã làm tốt khoa học lý thuyết, nhưng vẫn còn thiếu thực nghiệm, đây là điều mà Viện cần cố gắng nỗ lực trong thời gian tới. 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đã thể hiện sự vui mừng vì kể từ năm 2014, khi được Ban Cán sự Đảng Bộ KH&CN giao nhiệm vụ phụ trách Viện NLNTVN thì trong 4 năm qua, Viện liên tục phát triển và đạt kết quả tốt trong hầu hết mọi lĩnh vực. Năm 2018, kinh phí đầu tư dành cho Viện NLNTVN không nhiều, nhưng Viện đã rất nỗ lực và đạt được nhiều thành công: Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tại Quyết định số 75 ngày 19/11/2018; Ngày 29/11/2018, Viện đã ký Thỏa thuận thiết lập Trung tâm hợp tác với IAEA tại Việt Nam trong lĩnh vực nước và môi trường. Tuy nhiên, Thứ trưởng bày tỏ trăn trở về một vấn đề lớn không chỉ riêng với Viện NLNTVN mà còn là thực trạng chung của các đơn vị khác, đó là vấn đề cán bộ. Trong thời gian qua, Thứ trưởng biểu dương Viện NLNTVN có chính sách tốt đó là đã mời được nhiều cán bộ có năng lực và trình độ cao từ các cơ quan nghiên cứu khác và ở nước ngoài về Viện làm việc nhưng lưu ý Viện phải làm thế nào để giữ chân được những cán bộ giỏi này. Trong thời gian tới, Viện cần tiếp tục đẩy mạnh chính sách thu hút cán bộ, đặc biệt là các cán bộ giỏi, cán bộ đầu đàn để phục vụ cho dự án RCNEST.
 


Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Hiện nay, GDP hàng năm của nước ta tăng khoảng 7%, theo đó nhu cầu năng lượng phải tăng gấp đôi so với hiện nay, theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc điện hạt nhân rất cần đối với Việt Nam trong tương lai. Vì vậy, Viện NLNTVN phải hết sức nỗ lực thực hiện tốt dự án RCNEST vì đây là bài toán trước mắt nhưng cũng rất lâu dài, là bài toán của ngành NLNT và cũng là bài toán của đất nước để phát triển năng lượng bền vững.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2019 của Viện NLNTVN đã thành công tốt đẹp, khép lại năm 2018 với chủ đề “Phát triển bền vững dựa vào khoa học công nghệ” với nhiều thành tựu trong nghiên cứu và triển khai hoạt động ứng dụng dịch vụ, mở ra năm 2019 với chủ đềKhoa học công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế xã hội” (Nuclear science and technology serve social and economic development). Chủ đề này thể hiện một định hướng quan trọng có tính chiến lược, nhằm khuyến khích thúc đẩy các đơn vị trực thuộc và toàn Viện phát triển ổn định, lấy khoa học và công nghệ làm nền tảng cho phát triển bền vững, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 3983

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)