Tham dự và chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Đỗ Văn Chiến; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành và đại diện các ban, bộ, ngành liên quan, nhà khoa học, nhà nghiên cứu,…Theo báo cáo tại Hội nghị, Chương trình đã được UBDT triển khai thực hiện đúng quy định của Luật KH&CN và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan với tổng số 50 nhiệm vụ được triển khai thực hiện. Các chỉ tiêu của các nhiệm vụ của Chương trình đều bằng hoặc cao hơn so với chỉ tiêu được duyệt. Đồng thời thu hút sự tham gia của các cá nhân nhà khoa học và tổ chức nghiên cứu lớn như: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương,…
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện như: công tác triển khai thực hiện trong quản lý nhiệm vụ; quản lý tài chính; tiến độ thực hiện;... Báo cáo chỉ rõ, trong thời gian tới, Chương trình sẽ tập trung hoàn thiện các thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện 02 nhiệm vụ: “Tổng quan những vấn đề cơ bản, cấp bách về dân tộc và chính sách dân tộc sau đổi mới đến nay, đề xuất chính sách dân tộc 2021- 2030 và “xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về các dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc phục vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc”.
Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đánh giá cao ý nghĩa của Chương trình, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ UBDT tiếp tục triển khai Chương trình để có những nghiên cứu căn cơ, bài bản, phục vụ công tác hoạch định chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến khẳng định: việc sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình CTDT/16-20 là cần thiết nhằm giải quyết những vấn đề cơ bản cấp bách về công tác dân tộc. Để triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng như việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và tham gia vào Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Chương trình cần có sự đổi mới. Các đề tài nghiên cứu phải hỗ trợ các nhiệm vụ quan trọng của UBDT như: xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi; xác định tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số, miền núi; nghiên cứu mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác dân tộc ở Trung ương và địa phương...
Đồng thời đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ, chuyển giao từng phần kết quả của đề tài cho UBDT cũng như tổ chức một số hội thảo để tranh luận, phản biện, phát huy tính hiệu quả của đề tài,...
Cũng tại Hội nghị, phần lớn các đại biểu đều thống nhất qua các đánh giá, những kết quả đạt được trong quá trình triển khai Chương trình. Các đề tài đã bám sát mục tiêu, phạm vi nghiên cứu, cơ bản đảm bảo tiến độ. Đặc biệt đã tập hợp và thu hút sự tham gia của các tổ chức chủ trì uy tín, có năng lực, của các nhà khoa học tâm huyết cho công tác quản lý và hoạch định chính sách dân tộc.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến góp ý, chia sẻ xuất phát từ nhu cầu thực tế đến từ các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành,… đã gợi mở nhiều giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học về lĩnh vực công tác dân tộc giai đoạn tới./.