Viện trưởng Viện Địa chất Trần Tuấn Anh giới thiệu về hệ thống cung cấp nước sạch
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Công, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trước nhu cầu cấp bách về nước sinh hoạt tại các địa phương thuộc vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu và xây dựng thành công và tặng mô hình cung cấp xử lý nước sinh hoạt tại xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.
Đây là mô hình cung cấp và xử lý nước sinh hoạt đạt tiêu chí: nhỏ gọn tiết kiệm đem lại hiệu quả cao và phù hợp để triển khai tại nhiều địa phương với các địa hình khác nhau. Việc ứng dụng hiệu quả những nghiên cứu khoa học đa lĩnh vực đã và đang cải thiện đáng kể điều kiện giáo dục, sinh hoạt cho đồng bào khó khăn, vùng sâu vùng xa góp phần đàm bảo an sinh xã hội an ninh quốc phòng ở địa phương.
Vào mùa khô, những người dân quanh xã Mùn Chung thường phải lấy nước từ 2 khe cách xa chỗ ở về dùng. Thầy trò trong trường Mùn Chung thường phải đi bộ hơn 5 km đường rừng núi để tìm nguồn nước dẫn về sinh hoạt, những cũng luôn đối mặt với nguy cơ nguồn nước không đạt tiêu chuẩn.
Công trình xử lý nước sạch ban đầu đặt mục tiêu cung cấp nước sạch cho thầy và trò trường THPT Mùn Chung khoảng 350 học sinh và thầy cô giáo, tuy nhiên tới nay công trình đã cung cấp nước sinh hoạt cho cụm trường tiểu học, mầm non Mùn Chung, cụm dân cư xung quanh với khoảng 2.000 người.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Nguyễn Đình Công cho biết, công trình Khảo sát, xây dựng công trình nước sinh hoạt cho trường THPT Mùn Chung bắt đầu được xây dựng kế hoạch triển khai từ tháng 6/2017 đến tháng 6 năm 2018 do Viện Công nghệ môi trường, Viện Địa chất tham gia thực hiện.
Sau thời gian 1 năm triển khai công trình đã đạt được kết quả: Xác định nguồn nước; cấp nước về trường với khoảng cách 500m, độ chênh cao 20m; Hệ thống xử lý nước sinh hoạt gồm các modul: Hệ thống cấp xử lý nước công suất 100m3/ngày đêm với chất lượng nước hợp vệ sinh nước đảm bảo các tiêu chí liên quan đến độ đục, TSS và E.coli đạt tiêu chuẩn chất lượng nước theo tiêu chuẩn 02-2009 của Bộ Y tế. Các Đơn vị chủ trì nghiên cứu cũng đã tiến hành tập huấn cho các cán bộ của trường THPT nội trú Mùn Chung vận hành thành thạo trạm xử lý.
Đây là công trình áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường, xanh, sạch và rẻ tiền, có thể ứng dụng cho những quy mô nhỏ ở các làng, bản và những nơi có điều kiện khó khăn, không có nguồn nước sạch để sinh hoạt, sản xuất.
Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Cac-nha-khoa-hoc-tang-cong-trinh-nuoc-sach-tai-Dien-Bien/352733.vgp