Thứ tư, 14/11/2018 16:46 GMT+7

Sửa đổi Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho sản phẩm Mật ong Mèo Vạc

Ngày 07/11/2018, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4089 /QĐ-SHTT về việc sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00035 cho sản phẩm mật ong bạc hà “Mèo Vạc”.

Mật ong bạc hà Mèo Vạc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00035 theo Quyết định số 316/QĐ-SHTT ngày 01/03/2013. Theo Quyết định này, khu vực địa lý gắn liền với cao nguyên đá Đồng Văn, nơi có nhiều núi đá vôi, có các điều kiện địa lý tự nhiên thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây bạc hà dại, nguồn nguyên liệu chính cung cấp mật cho đàn ong, tạo ra sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc nổi tiếng.

Mật ong có nhiều công dụng, một trong số những công dụng đó là có thể sử dụng mật ong để chữa viêm họng, bôi vết thương, vết bỏng để tránh nhiễm trùng vì trong mật ong có chứa một số chất kháng khuẩn. Khả năng kháng khuẩn của mật ong phụ thuộc chủ yếu vào các chất kháng khuẩn Glyoxal (GO) và các chất kháng khuẩn Methylglyoxal (MGO). Ngoài khả năng kháng khuẩn, mật ong còn có vai trò chống oxi hóa do có chứa các chất thuộc nhóm phenolic axit và flavonoids, đây là các chất chống oxi hóa tự nhiên, có thể làm sạch và giảm sự hình thành hoặc vô hiệu hóa ảnh hưởng của các gốc tự do. Khả năng kháng khuẩn và chống oxi hóa của mật ong phụ thuộc vào từng loại mật ong, từng vùng địa lý khác nhau. Sản phẩm mật ong bạc hà Mèo Vạc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý khác biệt với hầu hết các loại mật ong khác ở Việt Nam. Tuy nhiên, những công bố về chất lượng của mật ong bạc hà Mèo Vạc theo Quyết định số 316/QĐ-SHTT mới chỉ được xây dựng dựa trên Tiêu chuẩn Quốc gia chung cho các loại mật ong mà chưa đề cập đến khả năng kháng khuẩn và chống oxi hóa của sản phẩm đặc sản này. Vì vậy, ngày 17/10/2018, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang tiến hành sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00035. Yêu cầu sửa đổi này nhằm bổ sung chỉ tiêu đánh giá chất lượng sản phẩm chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà “Mèo Vạc”. Ngày 07/11/2018 Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4089 /QĐ-SHTT về việc sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00035 cho sản phẩm mật ong bạc hà “Mèo Vạc”.

 


Màu sắc mật ong bạc hà Mèo Vạc


Cây bạc hà thuộc chi Kinh giới, là cây hoang dại. Cây bạc hà có mùi hương thơm ngát đặc trưng và chứa thành phần tinh dầu khá cao, ra hoa và tiết mật cho ong từ tháng Bảy đến tháng Mười Hai âm lịch hàng năm. Mật ong bạc hà Mèo Vạc được chế biến từ mật của hoa bạc hà mọc tự nhiên ở trên sườn núi đá của huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Vì vậy, mật ong bạc hà có mùi thơm đặc trưng của hoa bạc hà mà không sản phẩm nào có được. Mật ong bạc hà có màu vàng đỏ đến vàng chanh, vị ngọt mát và dịu. Các chỉ tiêu về chất lượng lý hóa của mật ong bạc hà Mèo Vạc đều vượt tiêu chuẩn về mật ong CODEV của Châu Âu. Đặc biệt theo Quyết định số 4089/QĐ-SHTT ngày 07/11/2018 chỉ tiêu chất lượng của mật ong bạc hà Mèo Vạc đã được bổ sung  chỉ tiêu kháng khuẩn và chỉ tiêu chống oxi hóa như sau:

-  Hàm lượng chất kháng khuẩn Glyoxal (GO) từ 3,27 - 3,91 (mg/kg);

- Hàm lượng chất kháng khuẩn Methylglyoxal (MGO) từ 2,31 - 2,58 (mg/kg);

- Hàm lượng 9 chất oxi hóa (Gallic axit, Coumaric axit, Ferrulic axit, Quercetin, Caffeic axit, Catechin, Luteolin, DL3-Phenyllatic axit, Kaempferol) từ 0,47 - 2,48 (mg/kg);

-  Khả năng chống oxi hóa tổng số (Hàm lượng Fe2+) từ 55,23-263,89 (mg/kg);

-  Khả năng chống oxi hóa tổng số (Phần trăm DPPH) từ 10,02 - 16,93 %.

Tiêu chí chất lượng của mật ong bạc hà mèo Vạc được bổ sung chỉ tiêu kháng khuẩn và chỉ tiêu chống oxi hóa theo yêu cầu của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang đã làm giá trị đặc thù của sản phẩm chỉ dẫn địa lý được nâng cao, gìn giữ được danh tiếng của sản phẩm, đồng thời Tổ chức quản lý và người tiêu dùng có thể thuận lợi trong việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm đặc sản của vùng Cao nguyên đá Đồng Văn./.

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 4538

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)