Thứ sáu, 02/11/2018 19:17 GMT+7

Chế tạo thành công hệ thống thiết bị chống ăn mòn catot sử dụng dòng điện ngoài

Hội đồng khoa học do GS. TSKH Nguyễn Đình Công - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam làm chủ tịch vừa tổ chức đánh giá kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm hệ thống thiết bị chống ăn mòn catot sử dụng dòng điện ngoài để bảo vệ vỏ tàu biển đạt tiêu chuẩn TCVN 6051:1995” vào sáng 31/10/2018 tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng. Đề tài do TS. Nguyễn Ngọc Phong - Viện Khoa học Vật Liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chủ nhiệm.

Bảo vệ catot kết hợp với sơn phủ để chống ăn mòn vỏ tàu biển là công việc bắt buộc được Cục đăng kiểm quy định. Có 2 phương pháp bảo vệ catot là sử dụng anot hy sinh (protector) và bằng dòng điện ngoài. Qua thực tế chứng minh, bảo vệ bằng dòng điện ngoài có ưu điểm hơn hẳn sử dụng anot hy sinh, như: khối lượng anot được lắp đặt nhỏ, số lượng các anot ít, được lắp đặt phẳng với vỏ tàu nên đảm bảo biên dạng thoát nước của vỏ tàu, không ảnh hưởng đến tốc độ tàu, tăng tuổi thọ lớp sơn phủ và đặc biệt là giảm thiểu các chi phí liên quan đến việc duy tu bảo dưỡng thân vỏ, kết cấu.
 


TS. Nguyễn Ngọc Phong báo cáo tại Hội đồng
 

Tiến hành nghiên cứu, xác định các thông số cơ bản trong bảo vệ chống ăn mòn điện hóa cho sắt thép trong môi trường biển; nhóm tác giả đưa ra kết luận: Vật liệu anot Ti/IrO2(15%)-RuO2(15%)- TiO2 và Ti/IrO2(10%)- Sb2O5-SnO2 có thể ứng dụng trong bảo vệ catot bằng dòng điện ngoài trong nước biển và nước lợ. Nhóm tác giả cũng nghiên cứu chế tạo máy nguồn DC với bộ phận điều khiển trung tâm sử dụng nguồn điện một chiều có công suất tối đa dòng điện 30A và điện thế 24V; Bộ tự động lưu trữ số liệu với 4 kênh, độ phân dải cho mỗi kênh là 1mV, dải đo từ -200mV đến 1000mV. Ngoài ra, đề tài cũng hoàn thiện việc chế tạo thiết bị gắn mạch giữa vỏ tàu và chân vịt; Xây dựng phần mềm kết nối các bộ phận thiết bị của hệ thống bảo vệ; Xác định chỉ tiêu bảo vệ catot bằng dòng điện ngoài cho tàu biển được lựa chọn cho vùng biển Việt Nam (mật độ dòng cần thiết từ 12-15mA/m2; điện thế bảo vệ trong nước biển -0,8V (Ag/AgCl)). Kết quả này được thử nghiệm trên tàu Minh Phú 99 và được đánh giá đạt tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6051:1995.

Đây là lần đầu tiên một đơn vị nghiên cứu của Việt Nam đã làm chủ toàn bộ công nghệ bảo vệ chống ăn mòn bằng phương pháp dòng điện ngoài và xây dựng hệ thống bảo vệ chống ăn mòn hoạt động tự động cho những công trình trong môi trường biển. Kết quả nghiên cứu mở ra khả năng áp dụng to lớn phương pháp bảo vệ chống ăn mòn này cho ngành công nghiệp đóng tàu, dầu khí, hệ thống ống dẫn, quân sự… của nước ta.

Nguồn: Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng

Lượt xem: 4894

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)