Các chuyên gia của Viện SCCN nhận thấy thực trạng tại các ao nuôi tôm của công ty TNHH công nghệ thủy sản Cao Minh chủ yếu với mục đích thuần giống để con tôm thích nghi với môi trường bên ngoài. Do vậy, người nuôi tôm không can thiệp quá sâu vào môi trường, sử dụng kháng sinh cho con tôm mà chỉ cung cấp các vi sinh để con tôm thích ứng với môi trường tự nhiên. Chính vì lý do đó, việc theo dõi các thông số của môi trường nước như NH4, NO2 O2, Nitơ, độ mặn nói riêng và việc giám sát môi trường nước nuôi tôm nói chung là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sản lượng, chất lượng của con tôm. Công ty mong muốn được Viện SCCN hỗ trợ công nghệ mới vào quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng giúp kiểm soát dịch bệnh, cải thiện môi trường nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Dựa trên nhu cầu này, Viện SCCN đã nghiên cứu giải mã, khai thác sáng chế trong lĩnh vực giám sát môi trường nước trong nuôi tôm và phát triển giải pháp công nghệ phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp.
Đoàn chuyên gia Viện SCCN khảo sát hiện trạng các đầm nuôi tôm của công ty TNHH công nghệ thủy sản Cao Minh. Ảnh: Mạnh Hùng
Sau quá trình nghiên cứu và giải mã sáng chế LoRa, thiết kế và chế tạo hệ thống giám sát môi trường nước áp dụng công nghệ LoRa, vào tháng 10 vừa qua, Viện SCCN đã cử đoàn công tác do TS. Phạm Ngọc Hiếu, Phụ trách Trung tâm Mô phỏng công nghệ và Phát triển sản phẩm làm trưởng đoàn, đến lắp đặt thử nghiệm và chuyển giao sản phẩm tại đầm nuôi tôm của công ty TNHH công nghệ thủy sản Cao Minh.
Trong quá trình chuyển giao, đoàn đã lắp đặt và chuyển giao cho công ty 09 thiết bị tại 09 vị trí của đầm nuôi tôm gồm: (01 vị trí trung tâm, 04 vị trí tại 4 góc và 04 vị trí giữa tại 4 cạnh của ao).
Module truyền thông LoRa do Viện SCCN thiết kế, chế tạo. Ảnh: Công Đức.
Đoàn cán bộ Viện SCCN lắp đặt thử nghiệm tại các vị trí. Ảnh: Công Đức
Sau khi lắp đặt, các kỹ thuật viên của Viện SCCN đã tiến hành cài đặt các ngưỡng giá trị cảnh báo của các thông số đo để giúp doanh nghiệp có được cảnh báo sớm, qua đó kịp thời có biện pháp ứng phó.
Kết quả đo báo về điện thoại của chủ đầm tôm Ảnh: Công Đức.
Kết quả thử nghiệm cho thấy, bộ thiết bị đo hoạt động tốt và ổn định. Kết quả đo được gửi về liên tục, kịp thời, chính xác cho 03 thiết bị là: điện thoại, máy tính của người nuôi tôm và máy chủ của Viện SCCN để lưu trữ, ghi lại nhật ký.Từ kết quả thử nghiệm bước đầu cho thấy, sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp và được doanh nghiệp đánh giá tích cực . Điều này cho thấy hiệu quả của việc nghiên cứu, giải mã sáng chế để hỗ trợ, chuyển giao các sản phẩm, công nghệ mới cho doanh nghiệp. Đây là hướng đi mới và có thể nhân rộng kết quả cho các doanh nghiệp thủy sản khác trong cả nước.