Thứ sáu, 07/09/2018 22:27 GMT+7

Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản tổ chức Hội thảo “Hệ thống Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp”

Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO) tổ chức Hội thảo “Hệ thống Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp” tại Hà Nội ngày 05/9/2018 và tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 07/9/2018.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa hiện nay, thị trường Việt Nam dần trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã gia tăng tìm hiểu, tiếp cận thị trường trong khu vực cũng như trên thế giới. Do đó, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), trong đó có kiểu dáng công nghiệp (KDCN), trở thành một nhu cầu cần thiết đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sự bảo vệ về mặt pháp lý đối với các tài sản trí tuệ, ở đây là kiểu dáng của sản phẩm, sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường.

Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam muốn bảo hộ KDCN của mình ở nước ngoài chỉ có một hình thức duy nhất là nộp đơn đăng ký trực tiếp cho các cơ quan sở hữu trí tuệ (SHTT) của từng quốc gia riêng rẽ theo thủ tục của từng nước và nhiều khoản chi phí phát sinh. Các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cũng gặp các khó khăn tương tự khi muốn bảo hộ quyền của mình tại Việt Nam. Chính những khó khăn về mặt thủ tục, chi phí này khiến cho lượng đơn đăng ký bảo hộ KDCN của người nước ngoài tại Việt Nam cũng như của người Việt Nam ra nước ngoài chỉ ở mức hạn chế.

Thực tế đó đòi hỏi cơ quan quản lý SHTT của nước ta phải xây dựng các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi đăng ký bảo hộ KDCN tại Việt Nam, cũng như doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam đăng ký bảo hộ KDCN tại nước ngoài. Một trong những chính sách có thể kể đến là việc tham gia điều ước quốc tế với nội dung đơn giản hoá thủ tục xác lập quyền SHTT, cụ thể là Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế KDCN, hiện do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý.

Hệ thống Lahay được xây dựng nhằm tạo khả năng đăng ký bảo hộ KDCN tại nhiều nước thông qua một đơn đăng ký duy nhất nộp cho Văn phòng quốc tế của WIPO với một loại tiền tệ duy nhất, đồng thời giúp chủ sở hữu dễ dàng quản lý đăng ký quốc tế KDCN của mình như gia hạn hiệu lực, chuyển giao quyền sở hữu, thay đổi tên, địa chỉ của chủ sở hữu thông qua một thủ tục đơn giản. Vì vậy, người nộp đơn không cần phải nộp các đơn quốc gia riêng biệt tại mỗi nước cần bảo hộ, do đó tránh được các thủ tục phức tạp và khác nhau của mỗi nước.

Gần đây, hệ thống Lahay đã ghi nhận những bước phát triển đáng chú ý, đặc biệt là sự gia nhập của các thành viên có nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Canada. Bản thân các nước ASEAN hiện nay cũng đã cam kết cùng gia nhập Thỏa ước Lahay “nhằm mục đích đơn giản hóa thủ tục xác lập quyền đối với KDCN cho người nộp đơn tại khu vực, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế ASEAN trên thế giới”.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc gia nhập Thỏa ước Lahay mang một ý nghĩa quan trọng nhằm hỗ trợ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Bộ Khoa học và Công nghệ, đầu mối là Cục Sở hữu trí tuệ, hiện đang tiến hành các thủ tục liên quan để trình Chính phủ xin phép gia nhập Thỏa ước Lahay.

Bên cạnh việc tiến hành thủ tục gia nhập, Cục Sở hữu trí tuệ cũng mong muốn giới thiệu đến các đối tượng quan tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam, những thông tin, kiến thức cơ bản về Hệ thống Lahay để các doanh nghiệp có thể sử dụng và khai thác hệ thống này một cách hiệu quả nhất khi Việt Nam chính thức gia nhập trong thời gian tới đây.

Trên cơ sở đó, Cục Sở hữu trí tuệ cùng với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO) tổ chức Hội thảo “Hệ thống Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp” tại Hà Nội ngày 05/9/2018 và tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 07/9/2018.

Khai mạc các Hội thảo, Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ đã nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của việc Việt Nam gia nhập Hệ thống Lahay cũng như lợi ích đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Päivi Lähdesmäki, cố vấn cao cấp, Bộ phận Đăng bạ Lahay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã giới thiệu tổng quan về Hệ thống Lahay, Vai trò của Văn phòng quốc tế và Cơ quan SHTT được chỉ định theo Hệ thống Lahay, những xu hướng gần đây trong Hệ thống Lahay và những cân nhắc liên quan đến việc thẩm định nội dung ở nước thành viên mới của Hệ thống Lahay.

Các chuyên gia của Cục Sở hữu trí tuệ trình bày về quá trình chuẩn bị cho sự gia nhập Thỏa ước Lahay của Việt Nam, sự tương thích về pháp luật và những vấn đề về các nguồn lực khác cần quan tâm khi gia nhập Hệ thống này. Các chuyên gia tư vấn, đại diện cho các doanh nghiệp của Việt Nam đã giới thiệu thực trạng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam và nhu cầu đăng ký kiểu dáng công nghiệp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đến từ các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp, các doanh nghiệp cũng đưa ra những vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm khi Việt Nam gia nhập Hệ thống Lahay để các chuyên gia bình luận và giải đáp. Các vấn đề mà đại biểu đưa ra đều là những vấn đề rất thực tiễn và hữu ích mà Cục Sở hữu trí tuệ cũng như các tổ chức tư vấn sẽ cần phải tiếp tục nghiên cứu và chuẩn bị sẵn sàng khi Việt Nam gia nhập Hệ thống Lahay.

Kết thúc Hội thảo Lãnh đạo Cục, các chuyên gia và đại biểu đánh giá cao các nội dung trình bày và thảo luận tại Hội thảo và mong muốn Việt Nam sớm chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết để gia nhập Hệ thống Lahay để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước bảo hộ KDCN của mình ở các nước khác nhau trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Một số hình ảnh của Hội thảo:

 

Ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khai mạc Hội thảo tại Hà Nội

 

Ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu khai mạc Hội thảo tại TP. HCM

 

Bà Bà Päivi Lähdesmäki, chuyên gia cố vấn cao cấp, Bộ phận Đăng bạ Lahay, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới trình bày tại Hội thảo

 

Toàn cảnh Hội thảo tại TP. HCM

 

 

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 3799

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)