Thứ bảy, 25/08/2018 16:55 GMT+7

Sự kiện quảng bá các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam

Ngày 22/8/2018, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, Ủy ban nhân dân huyện Chi Lăng đã tổ chức khai mạc “Hội chợ sản phẩm nông nghiệp an toàn, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý", "Tuần lễ quảng bá na Chi Lăng và đặc sản Lạng Sơn năm 2018”. Hội chợ diễn ra từ ngày 22/8/2018 đến hết ngày 28/8/2018.

 

Trong khuôn khổ Hội chợ, chuỗi các sự kiện quảng bá chỉ dẫn địa lý của Việt Nam bao gồm: tuần lễ trưng bày và giới thiệu các sản phẩm chỉ dẫn địa lý; ra mắt ấn phẩm “Chỉ dẫn địa lý – di sản thiên nhiên và văn hóa Việt” và các công cụ quảng bá như tờ rơi, fanpage về chỉ dẫn địa lý diễn ra nhằm đưa hình ảnh chỉ dẫn địa lý đến gần hơn đối với người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về vai trò của chỉ dẫn địa lý đến các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, góp phần từng bước thúc đẩy giá trị của chỉ dẫn địa lý trên thị trường. Sự kiện quảng bá các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam lần này được tổ chức với sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam, do Cơ quan Phát triển Pháp tài trợ cũng là một trong những hoạt động cụ thể hóa những định hướng phối hợp trong xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương được quy định trong Quy chế phối hợp giữa 3 Bộ ký ngày 08/8/2018 vừa qua.

 

 

 

Phát biểu tại buổi khai mạc sự kiện, Phó Cục trưởng Cục SHTT Phan Ngân Sơn nhấn mạnh: Việt Nam có hàng ngàn sản phẩm đặc trưng trải dài trên mọi miền của đất nước, mỗi sản phẩm đặc trưng của vùng miền mang sứ mệnh của những đại sứ về văn hóa Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đó là những giá trị đặc sắc cần được phát huy và khai thác trong quá trình hội nhập. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý đã trở thành một chiến lược để bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống và tăng cường khả năng cạnh tranh trong thương mại, giúp thúc đẩy tiềm năng của các nguồn lực địa phương, đồng thời thúc đẩy cuộc chiến chống lạm dụng và gian lận thương mại, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Hiện có khoảng 10.000 chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trên thế giới, với giá trị giao dịch thương mại hằng năm ước đạt 50 tỷ đô la Mỹ. Chính vì vậy, gần 20 năm qua, Việt Nam đã và đang tập trung vào chiến lược phát triển chỉ dẫn địa lý như một giải pháp nhằm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, phát triển thị trường, nâng cao giá trị và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp. Đến tháng 6/2018, đã có 60 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ, trong đó có 55 chỉ dẫn địa lý là các sản phẩm nông sản, thực phẩm, 05 chỉ dẫn địa lý là các sản phẩm phi nông nghiệp, 38 tỉnh/thành phố đã có chỉ dẫn địa lý, 15 tỉnh/thành phố có từ 2 chỉ dẫn địa lý. Chỉ dẫn địa lý đã và đang chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản của Việt Nam.

 

 

 

Ấn phẩm “Chỉ dẫn địa lý – Di sản thiên nhiên và văn hóa Việt” gồm hơn 100 trang được biên tập và thiết kế công phu sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về chất lượng, danh tiếng, giá trị truyền thống và nguồn gốc xuất xứ của 60 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các công cụ khác như tờ rơi, Fanpage quảng bá về chỉ dẫn địa lý của Việt Nam cùng ấn phẩm “Chỉ dẫn địa lý – Di sản thiên nhiên và văn hóa Việt” được kỳ vọng sẽ là công cụ hiệu quả, thân thiện và gần gũi với công chúng, nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý gắn với các sự kiện, hoạt động hợp tác, thúc đẩy thương mại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, cung cấp thông tin để các hiệp hội, ngành hàng, người sản xuất xây dựng các định hướng, chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh, nâng cao nhận thức về vai trò, sự cần thiết của chỉ dẫn địa lý, góp phần thúc đẩy lòng tự tôn của người sản xuất đối với sản phẩm, giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về chỉ dẫn địa lý, chống lại các hành vi gian lận thương mại, góp phần nâng cao vai trò giám sát của người tiêu dùng đối với các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý./.

 

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 3419

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)