Thứ năm, 23/08/2018 16:00 GMT+7

Cần hình thành mạng lưới các nhà khoa học hỗ trợ doanh nghiệp 4.0

Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn giữa nhu cầu và khả năng ứng dụng công nghệ robot và cơ điện tử trong quá trình sản xuất. Vì thế, cần những nhà khoa học, chuyên gia công nghệ cùng phối hợp để trả lời câu hỏi “Ai?” và “Làm như thế nào?” để giải quyết những thách thức này.

Các đại biểu cùng thảo luận về công nghệ Robotics trong cách mạng 4.0. Ảnh: VGP/Phan Trang

 

Đây là quan điểm của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nêu ra tại hội thảo "Công nghệ Robotics – Mechatronics trong cách mạng công nghiệp 4.0: Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp Việt Nam", do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ KH&ĐT diễn ra sáng 21/8.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho hay, trong năm 2018, theo kết quả điều tra, số lượng các doanh nghiệp của Việt Nam quan tâm đầu tư, ứng dụng những công nghệ mới, đặc biệt công nghệ cốt lõi của công nghiệp 4.0 vào trong quá trình sản xuất còn rất khiêm tốn. Mặc dù hiện nay các doanh nghiệp có nhu cầu lớn, nhưng chưa có đủ tiềm lực và định hướng chiến lược trong quá trình đầu tư này. 

PGS. TS. Hồ Anh Văn, Trường Khoa học vật liệu JAIST (Nhật Bản) cho biết, trong khi rất nhiều ngành nghề có thể ứng dụng công nghệ robot, không chỉ trong sản xuất công nghiệp. Robot mềm có thể ứng dụng trong nông nghiệp, hái quả, hay y tế, chăm sóc người già, phẫu thuật... thì hiện ứng dụng robot vào thị trường Việt Nam chưa có nhiều.

“Chúng tôi đang đào tạo cho các sinh viên Việt Nam, hợp tác với các nhà nghiên cứu ở Việt Nam để sản xuất thử nghiệm. Chúng tôi rất hi vọng, công nghệ robot có thể được ứng dụng rộng rãi hơn ở Việt Nam trong thời gian tới”, PGS. TS. Hồ Anh Văn nói.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng nhận định, với trên 97% các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, nên gặp nhiều khó khăn thách thức về nguồn vốn, trình độ khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và năng lực đổi mới sáng tạo còn rất thấp. Mối liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức khoa học và công nghệ còn hạn chế, chưa hiệu quả.

Bởi vậy, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng, cần có bước đi cụ thể, phù hợp để đảm bảo đón nhận thành công những cơ hội mà công nghệ robot và cơ điện tử mang lại.

“Phải làm thế nào để các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ robot và cơ điện tử có thể hình thành mạng lưới tham gia liên kết với các cơ quan, tổ chức, chuyên gia trong nước dưới nhiều hình thức, phương thức và cơ chế khác nhau”, Thứ trưởng nêu vấn đề.

Một số phương thức mà lãnh đạo Bộ Công Thương nêu ra như: Phối hợp với các trường Đại học, Viện nghiên cứu trong nước cùng thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học; Phối hợp với các trường Đại học trong nước tham gia đào tạo, biên soạn giáo trình, tham dự các hội thảo khoa học, hội thảo chuyên đề; Phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ, tổ chức khoa học công nghệ tham gia tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đổi mới công nghệ sản xuất, sáng tạo phát triển sản phẩm mới.

“Bộ Công Thương sẽ đồng hành cùng Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ các trường đại học, tổ chức khoa học và công nghệ thu hút các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế, chuyên gia là người Việt Nam tại nước ngoài làm nòng cốt thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết.

Cũng nói về sự quan trọng của việc kết nối, ông Trần Việt Hoà, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng, một trong những đặc trưng cơ bản của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự kết nối: Kết nối giữa thế giới thực và thế giới ảo; Kết nối vạn vật qua Internet; Kết nối liên ngành, lĩnh vực trong khoa học và công nghệ...

“Chính sự kết nối này là động lực để Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại những đột phá và biến đổi về bản chất trong quá trình phát triển. Chính sự kết nối này là mục tiêu để mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam phải phát triển lớn mạnh”, ông Trần Việt Hoà nói.

Trước đó, liên quan đến việc ứng dụng khoa học công nghệ của ngành công thương, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án ứng dụng khoa học và công nghệ trong tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 754/QĐ-TTg ngày 31/5/2017.

Liên kết nguồn tin:

http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Can-hinh-thanh-mang-luoi-cac-nha-khoa-hoc-ho-tro-doanh-nghiep-40/344629.vgp

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Lượt xem: 6000

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)