Đến tham dự Hội thảo có các đại điện của Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân: ông Nguyễn Trung Tính, ông Phạm Xuân Linh; Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân: ông Nguyễn Hữu Quyết, ông Vương Thu Bắc; Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội: ông Đặng Quang Thiệu, ông Nguyễn Duy Trường; Trung tâm Đào tạo hạt nhân: ông Trịnh Anh Đức, ông Lê Đại Diễn, ông Phạm Ngọc Đồng, bà Nguyễn Thúy Hằng cùng một số đại diện của Trung tâm Đánh giá không phá hủy, Công ty TNHH một thành viên Ứng dụng và Phát triển công nghệ…
Ông Lê Đại Diễn phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Đại Diễn đã chào mừng các vị đại biểu, các vị khách mời tham dự Hội thảo. Theo ông Lê Đại Diễn, ngày 27/11/2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 34/2014/TT-BKHCN quy định về “Đào tạo an toàn bức xạ đối với nhân viên bức xạ, người phụ trách an toàn và dịch vụ đào tạo an toàn bức xạ” (sau đây gọi tắt là Thông tư 34). Mục tiêu của việc tổ chức đào tạo theo Thông tư 34 là nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và chất lượng hoạt động bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ đối với nhân viên bức xạ của cơ sở, người phụ trách an toàn, người quản lý của cơ sở và nhằm xây dựng văn hóa an toàn, an ninh của các cơ sở có hoạt động tiến hành công việc bức xạ như: X-quang trong y tế, sử dụng trong công nghiệp, trong nghiên cứu, đào tạo, lưu giữ nguồn phóng xạ,…Vì vậy, việc xây dựng một chương trình đào tạo an toàn bức xạ thống nhất dùng chung cho các đơn vị là rất quan trọng.
Ông Phạm Ngọc Đồng trình bày báo cáo tại Hội thảo
Với 4 bài báo cáo tham luận tham dự Hội thảo của các cán bộ của Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân và Trung tâm Đào tạo hạt nhân đã giúp cho các vị khách mời có cái nhìn toàn cảnh về các bộ giáo trình giảng dạy an toàn bức xạ của các đơn vị được Cục cấp phép:
- Báo cáo “Hiện trạng các bộ giáo trình và quản lý của Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân đối với chương trình đào tạo an toàn bức xạ” do ThS. Phạm Xuân Linh – Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân trình bày;
- Báo cáo “Đánh giá chung về hiện trạng cấu trúc của các bộ giáo trình so với Thông tư 34” do ThS. Nguyễn Thúy Hằng – Trung tâm Đào tạo hạt nhân trình bày;
- Báo cáo “Đánh giá sơ bộ các bài giảng an toàn bức xạ trong công nghiệp và khai thác khoáng sản” do TS. Phạm Ngọc Đồng – Trung tâm Đào tạo hạt nhân trình bày;
- Báo cáo “Chương trình đào tạo an toàn bức xạ: Nhận xét và định hướng xây dựng bộ giáo trình” do ThS. Lê Đại Diễn – Trung tâm Đào tạo hạt nhân trình bày.
Ông Lê Đại Diễn trình bày báo cáo tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các vị đại biểu và khách mời đã có những ý kiến góp ý cho việc xây dựng bộ giáo trình giảng dạy an toàn bức xạ. Theo ông Nguyễn Trung Tính, ông Vương Thu Bắc, ông Lê Chí Dũng và ông Nguyễn Hữu Quyết thì hiện tại các bộ giáo trình của các đơn vị được cấp phép là không đồng nhất, các thuật ngữ chuyên môn chưa thống nhất; trình độ của đối tượng người học cũng rất đa dạng (học viên từ tốt nghiệp cấp 2 cho đến những học viên là tiến sĩ) nên việc xây dựng chương trình chung sẽ gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên tinh thần của Thông tư 34 là phổ cập và cung cấp những kiến thức để những người trực tiếp làm việc và những người quản lý biết được tác hại đối với các hoạt động bức xạ, vì vậy kiến thức chương trình chung không nên quá hàn lâm. Ngoài ra, đại diện của Trung tâm Đánh giá không phá hủy, Công ty TNHH một thành viên Ứng dụng và Phát triển công nghệ cũng cho rằng chương trình hiện tại của các đơn vị còn mang tính hàn lâm và nặng cho học viên vì có những học viên chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông.
Kết thúc Hội thảo, ông Lê Đại Diễn một lần nữa cảm ơn những đóng góp chân thành và thiết thực của các chuyên gia cũng như khách mời tham dự và ông cũng khẳng định Trung tâm Đào tạo hạt nhân sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân, các đơn vị trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và các công ty có dịch vụ giảng dạy và cấp chứng chỉ an toàn bức xạ để xây dựng được một chương trình giảng dạy chung và phù hợp với các đơn vị và phù hợp với yêu cầu của Thông tư 34./.