TechConnect Việt Nam - Lào sẽ thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu đến từ Bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp của Việt Nam và Lào. TechConnect Việt Nam – Lào được tổ chức nhằm tăng cường hợp tác, xúc tiến chuyển giao công nghệ của các tổ chức, doanh nghiệp giữa hai nước, củng cố thêm mối quan hệ hợp tác thân thiết, bền chặt, có truyền thống lâu dài của hai nước Việt Nam – Lào.
Đây là sự kiện kết nối các nhà nghiên cứu và phát triển công nghệ của Việt Nam với các cơ quan chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Lào để thúc đẩy thương mại hóa, ứng dụng và đầu tư vào các công nghệ trong các lĩnh vực trọng điểm của Lào (chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng tái tạo, xử lý môi trường, công nghệ thông tin).
Tại TechConnect Việt Nam – Lào, ngoài Lễ khai mạc được tổ chức long trọng vào ngày 09/8 sẽ là các phiên Hội thảo chuyên sâu với các nội dung về giải pháp xúc tiến chuyển giao công nghệ Việt Nam – Lào, phát triển nông nghiệp bền vững, xử lý môi trường và công nghệ thông tin. Đặc biệt là hoạt động kết nối, gặp gỡ giữa các đối tác hợp tác chuyển giao công nghệ Việt Nam – Lào.
Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN cho biết, để chuẩn bị cho Diễn đàn, trước đó phía Bộ KH&CN Lào đã tiến hành khảo sát nhu cầu tiếp nhận công nghệ, nhu cầu hợp tác liên doanh liên kết dựa trên công nghệ của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học Lào. Theo đó, đã có 13 đơn vị tại Lào có nhu cầu kết nối, trao đổi trực tiếp với các đối tác Việt Nam về khả năng tiếp nhận và chuyển giao công nghệ. Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã khảo sát, tìm kiếm các nguồn công nghệ sẵn sàng chuyển giao cho đối tác Lào tại TechConnect Việt Nam – Lào gồm: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học quốc gia Hà Nội, Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, các tỉnh có hoạt động hợp tác với Lào và các doanh nghiệp.
Hoạt động Trưng bày tại tại TechConnect Việt Nam – Lào sẽ diễn ra từ ngày 9-10/8/2018 trong không gian tại 25 khu trưng bày, giới thiệu các kết quả nghiên cứu, các công nghệ có tiềm năng thương mại hóa ở một số lĩnh vực như: Chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp, năng lượng tái tạo, xử lý môi trường, công nghệ thông tin để thúc đẩy hợp tác, chuyển giao giữa Viện, trường và doanh nghiệp của hai nước.
Hiện nay đã có 142 công nghệ của 23 đơn vị đăng ký tham gia trình diễn, giới thiệu và kết nối công nghệ tại Diễn đàn. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp thu hút hơn 90 công nghệ, quy trình, sản phẩm công nghệ.
Ông Tạ Việt Dũng cho biết thêm, trên cơ sở nhu cầu tiếp nhận công nghệ của đối tác Lào, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã làm việc với các đơn vị Việt Nam có nguồn cung công nghệ và khả năng hợp tác với các đối tác Lào và kết nối để hai bên ký các thỏa thuận hợp tác chuyển giao công nghệ tại Diễn đàn lần này.
Để cung cấp thông tin về các công nghệ, cũng như các chính sách khuyến khích đầu tư, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp và đối tác Lào, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã biên soạn Cẩm nang song ngữ xúc tiến chuyển giao công nghệ Việt Nam – Lào.