Thứ sáu, 13/07/2018 15:49 GMT+7

Vai trò nền tảng của nghiên cứu cơ bản

Một trong những lý do quan trọng giải thích việc Việt Nam đến nay vẫn vắng bóng trong những bảng xếp hạng đại học danh tiếng của thế giới là vì nước ta chưa có một nền khoa học cơ bản mạnh. Bởi nghiên cứu cơ bản chính là nền tảng đào tạo con người trong trường đại học, mà khi con người không đủ mạnh thì không thể có được đại học trình độ cao. Thực tế tại Việt Nam cũng cho thấy, sự quan tâm của cộng đồng với nghiên cứu cơ bản đang có khuynh hướng giảm đi.

Được đánh giá cao nhưng ít người biết tới

TSKH Trần Đình Phong, Trường Đại học Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Hà Nội, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, người vừa được trao Giải thưởng KH-CN cao quý Tạ Quang Bửu năm 2017, tác giả công trình “Cấu trúc polymer và cơ chế hoạt động xúc tác tạo H2 của molybdenum sulfide vô định hình” đã đưa ra nhận định như vậy khi nói về vai trò của khoa học cơ bản. Tiến sĩ Phong và nhóm của mình đã tổng hợp được chất xúc tác molybdenum sulfide vô định hình bằng nhiều phương pháp khác nhau với khối lượng lớn. Công trình xác định được cơ chế hoạt động xúc tác của vật liệu này một cách đầy đủ và từ đó đề xuất phương pháp thiết kế một thiết bị sản xuất tách hydro từ nước bằng năng lượng mặt trời, đạt hiệu suất chuẩn của cơ quan năng lượng Mỹ. Công trình được công bố trong Nature Materials - một tạp chí khoa học hàng đầu thế giới.


Nhiều kết quả nghiên cứu cơ bản được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng ít được xã hội biết tới.


Được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu cùng đợt nói trên là Tiến sĩ Đỗ Quốc Tuấn, Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, tác giả của công trình khoa học trong lĩnh vực vật lý có tên “Lý thuyết hấp dẫn phi tuyến nhiều chiều có khối lượng”. Anh cho biết, đây là một chủ đề nghiên cứu thời sự trong vật lý và thiên văn học mà ở Việt Nam chưa từng được nghiên cứu. Sau hai năm nghiên cứu, Tiến sĩ Tuấn đã hoàn thành 2 bài báo, đăng trên Tạp chí Physical Review D, một trong những tạp chí hàng đầu thế giới về vật lý lý thuyết. Nghiên cứu là sự mở rộng từ không thời gian 4 chiều lên không thời gian nhiều chiều của lý thuyết hấp dẫn phi tuyến có khối lượng. Để phát triển tiếp công trình, Tiến sĩ Đỗ Quốc Tuấn cho biết, nhiệm vụ tiếp theo là kiểm tra tính chất lý thuyết ở khía cạnh vũ trụ. Đây là một nhiệm vụ khó và rất rộng, đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu.

Với việc hình thành một Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành riêng cho lĩnh vực nghiên cứu cơ bản từ vài năm nay cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này đã được khẳng định. Tuy nhiên, dù được giới chuyên môn đánh giá rất cao, song các nghiên cứu như trên vẫn ít được xã hội biết tới. Thậm chí, sự quan tâm của cộng đồng xã hội đối với nghiên cứu cơ bản đang có khuynh hướng giảm đi trước sự phát triển vượt bậc của các ngành khoa học ứng dụng như hiện nay.

Chưa được nhìn nhận thích đáng

Theo Tiến sĩ Đỗ Quốc Tuấn, thực tế cho thấy những tiện nghi hằng ngày con người đang sử dụng như điện thoại, vô tuyến thông minh hay máy tính bảng... đều là những vật dụng thiết yếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được những thiết bị ấy chỉ có thể có được nhờ những phát minh quan trọng trong nghiên cứu vật lý cơ bản. Đó là kết quả của một khối lượng công việc khổng lồ của các nhà khoa học, các kỹ sư trong phòng thí nghiệm. Công việc âm thầm này ít được xã hội biết đến nên thường không được nhìn nhận một cách xứng đáng.

Nói về nguyên nhân sâu xa sự yếu thế của nghiên cứu cơ bản, Tiến sĩ Trần Đình Phong cho rằng: Nghiên cứu cơ bản thường có độ trễ so với nghiên cứu ứng dụng, rất khó hoặc cần rất nhiều thời gian để có thể chứng minh hiệu quả trong cuộc sống. Vì vậy, người quản lý nếu phải chịu nhiều áp lực về việc kết quả phải thực hiện được ngay trong nhiệm kỳ này hoặc nhiệm kỳ tiếp theo thì họ sẽ lựa chọn đẩy mạnh các đầu tư mang tính ứng dụng hơn là nghiên cứu cơ bản.

Tiến sĩ Trần Đình Phong cũng lưu ý, nghiên cứu cơ bản chính là nền tảng đào tạo con người trong các trường đại học. Nếu không có nghiên cứu cơ bản thì không thể đào tạo được đại học trình độ cao. Điều này giải thích cho câu hỏi tại sao các trường đại học của Việt Nam chưa có tên trên bản đồ xếp hạng của thế giới. Vì vậy, một trong những cách chúng ta cần thay đổi là làm cho xã hội biết đến nhiều hơn về công việc các nhà khoa học đang làm. Đặc biệt có thể có nhiều kênh truyền thông để mọi người có thể hiểu và trân trọng công việc âm thầm của các nhà khoa học.

Bên cạnh đó, chính các nhà khoa học cũng cần cởi mở hơn, chia sẻ một cách đầy đủ hơn công việc mà họ đang làm với những người làm quản lý cũng như với xã hội, để công việc của họ được nhìn nhận một cách thích đáng. Tiến sĩ Trần Đình Phong nhấn mạnh, quan trọng nhất, để thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản thì những người làm lãnh đạo cần ít nhiều có thêm niềm tin với các nhà khoa học, những người làm nghiên cứu khoa học cơ bản, vì nghiên cứu cơ bản không thể đưa ra một sản phẩm khoa học cụ thể trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng đấy là nền tảng và không có một lựa chọn nào khác là chúng ta phải làm./.

Liên kết nguồn tin:

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khoa-hoc/907020/vai-tro-nen-tang-cua-nghien-cuu-co-ban

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 6088

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)