Thứ hai, 02/07/2018 16:19 GMT+7

Nghiên cứu công nghệ tuyển thu hồi các kim loại thiếc, sắt trong đới mũ sắt khu Lũng Cháy và Suối Teo mỏ kẽm chì Chợ Điền

Thiếc là một trong những kim loại màu được khai thác từ lâu ở Việt Nam. Trong thời kỳ Pháp thuộc, quặng thiếc được khai thác ở mỏ thiếc Tĩnh Túc Cao Bằng. Sau hòa bình lập lại, mỏ thiếc Tĩnh Túc Cao Bằng được tổ chức và mở rộng quy mô sản xuất từ năm 1956, Mỏ thiếc Sơn Dương Tuyên Quang được thành lập từ năm 1964 và mỏ thiếc Quỳ Hợp được thành lập năm 1980. Tại các vùng mỏ trên thời kỳ đầu chủ yếu là khai thác quặng thiếc sa khoáng và sản xuất thiếc thỏi 99,75% để xuất khẩu, thiếc kim loại thường có giá cao (giá thiếc hiện nay >20.000 USD/tấn) và có nhiều thị trường tiêu thụ.

 

 

Để duy trì ổn định và phát triển sản xuất, công ty KLM Thái nguyên đã đẩy mạnh công tác thăm do nâng cấp trữ lượng các mỏ trong vùng mỏ Chợ Điền. Mỏ Lũng Cháy - Suối Teo là một trong nhiều mỏ của khu mỏ Chợ Điền. Trong quá trình thăm dò quặng kẽm chì ở Mỏ Lũng Cháy - Suối Teo đã phát hiện được khoáng vật chứa thiếc trong đới quặng dạng mũ sắt, hàm lượng thiếc trong quặng từ 0,3-1%Sn. Việc khai thác và thu hồi được kim loại thiếc trong đới mũ sắt là rất cần thiết đối với công ty KLM Thái Nguyên, vì hiện nay các nhà máy tuyển và luyện thiếc của công ty đã dừng sản xuất do không có nguyên liệu quặng thiếc.

Tuy nhiên việc thu hồi được thiếc và sắt từ mũ sắt mỏ Lũng Cháy - Suối Teo là tương đối phức tạp vì thiếc xâm nhiễm rất mịn trong quặng, thành phần chủ yếu của mũ sắt là limonit và hematite (là những đối tượng khoáng vật rất khó tuyển để nâng cao hàm lượng sắt). Việc nghiên cứu thí nghiệm để chọn được công nghệ tuyển thu hồi thiếc và sắt từ quặng mũ sắt mỏ Lũng Cháy - Suối Teo là rất cần thiết. Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico đã phối hợp với chủ nhiệm đề tài ThS. Bùi Tiến Hải cùng thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ tuyển thu hồi các kim loại thiếc, sắt trong đới mũ sắt khu Lũng Cháy và Suối Teo mỏ kẽm chì Chợ Điền”.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

1. Mẫu quặng nghiên cứu Suối Teo - Lũng Cháy có thành phần vật chất rất phức tạp thuộc loại hình quặng đa kim sắt-casiterit-kẽm. Đây là đối tượng quặng khó tuyển. Các khoáng vật trong quặng có độ xâm nhiễm mịn. Các khoáng vật chứa sắt chủ yếu ở dạng gơtit và limonit, hàm lượng sắt trong quặng cao; Khoáng vậtchứa thiếc là casiterit, Hàm lượng Sn trong quặng thấp. Khoáng vật chứa kẽm chalcophanit (ZnMn3O7.3H2O). Các nguyên tố có hại khác như Pb, S, P, Hg,… chiếm tỷ lệ không đáng kể.

2- Đối với mẫu nghiên cứu cấp hạt quặng nguyên khai hợp lý nhất để đưa vào tuyển là -0,2 mm.

3- Đã áp dụng các phương pháp tuyển trọng lực (Máy tuyển đa trong lực gravity, bàn đãi), Nung từ hóa (nung hoàn nguyên quặng săt) tuyển từ ướt (máy tuyển từ cường độ từ trường thấp), ngâm hòa tách động (ngâm bằng HCL để khử sắt trong tinh quặng thiếc). Kết quả đã thu được tinh quặng thiếc có hàm lượng Sn≥43,5% với mức thực thu đạt 51,27%. Tinh quặng sắt có hàm lượng Fe ≥65% với mức thực thu đạt 70,0%.

4- Đã nghiên cứu thăm dò thu hồi tinh quặng ô xit kẽm bằng phương pháp tuyển nổi, nhưng chưa đạt kết quả. Cần phải đầu tư nghiên cứu tiếp.

5- Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, đã đề xuất sơ đồ công nghệ tuyển cho quặng dạng mũ sắt mỏ quặng Suối Teo - Lũng Cháy để thu hồi tinh quặng thiếc và tinh quặng sắt. Đã tính toán sơ bộ hiệu quả sản xuất nếu áp dụng vào thực tế sản xuất theo sơ đồ đề xuất. Kết quả tính toán sơ bộ về kinh tế cho thấy dự án có hiệu quả nhưng không cao. Nếu áp dụng vào sản xuất cần phải đầu tư nghiên cứu sâu hơn.

6- Cơ quan chủ trì đề tài đã tổ chức thực hiện đề tài đầy đủ theo nội dung được Bộ Công thương giao và đạt kết quả tương đối tốt.

 

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13741/2017) tại Cục Thông tin KH&CN QG.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 4462

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)