Thứ năm, 21/06/2018 18:56 GMT+7

Trung tâm công nghệ bức xạ, Viện Nghiên cứu hạt nhân: Kế thừa, đổi mới và phát triển

Công nghệ bức xạ là một lĩnh vực khoa học công nghệ ra đời trên nền tảng của sự kết hợp chủ yếu giữa các ngành vật lý hạt nhân, hóa học và sinh học. Trong đó, đặc trưng của năng lượng ion hóa của bức xạ hạt nhân được xem như là yếu tố then chốt của công nghệ trong việc giải quyết các vấn đề kỹ thuật như cắt mạch, khâu mạch và ghép bức xạ các vật liệu, tạo ra sản phẩm mới hướng đến sự phát triển một nền công nghiệp hiện đại. Vì thế, việc nghiên cứu công nghệ bức xạ đang được đẩy mạnh và ngày càng được các cơ sở nghiên cứu, các doanh nghiệp khoa học công nghệ cũng như các doanh nghiệp kinh doanh quan tâm đầu tư phát triển và đã đạt nhiều thành tựu đáng kể trong nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ.

Tại Viện Nghiên cứu hạt nhân - Viện NLNTVN, công nghệ bức xạ đã được nghiên cứu ứng dụng hiệu quả trong nhiều lĩnh vực góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống hằng ngày bằng nhiều sản phẩm ứng dụng trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, môi trường và y tế.

Về lĩnh vực nông nghiệp, OLICIDE 9SL là một chế phẩm phòng trừ nấm bệnh có nguồn gốc sinh học do Trung tâm tạo ra bằng kỹ thuật bức xạ đã được Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép lưu hành; Chế phẩm đang được thị trường chấp nhận và đã được ký hợp đồng độc quyền phân phối sản phẩm. Ngoài ra, Trung tâm còn triển khai sản xuất một số chế phẩm khác như: vật liệu hấp thụ nước để ổn định độ ẩm đất trồng, chế phẩm kích thích tăng trưởng cây trồng T&D 4DD chiết xuất từ các polyme có nguồn gốc tự nhiên, dung dịch nano chitosan để bảo quản nông sản sau thu hoạch... Với dự án “Sản xuất thử nghiệm chế phẩm nano bạc/chitosan bằng phương pháp chiếu xạ gamma để phòng và trị bệnh cho cây trồng”, Trung tâm đã triển khai sản xuất chế phẩm nano bạc có tác dụng phòng trừ nấm bệnh diện rộng cho cây trồng. Hiệu quả của chế phẩm được phản hồi tích cực, đang được nhiều đối tác đăng ký đặt hàng. Bên cạnh việc sản xuất các loại thuốc phòng trừ nấm bệnh, Trung tâm còn sản xuất chế phẩm Tricobac với thành phần chính là các chủng nấm Trichoderma có lợi hoạt động như một loại nấm đối kháng để phòng và trị bệnh lan truyền trong đất (tuyến trùng) một cách hiệu quả và tăng cường hệ vi sinh vật có ích trong đất và có lợi cho cây.

 

Các sản phẩm của Trung tâm Công nghệ bức xạ

 

Về lĩnh vực môi trường và y tế, Trung tâm đã ứng dụng kỹ thuật ghép bức xạ để chế tạo ra các vật liệu hydrogel, composite từ các polyme, monome để hấp thụ, thu gom các kim loại nặng độc phục vụ xử lý môi trường. Tuy nhiên, quy mô ứng dụng vẫn còn hạn chế. Do đó, cần tăng cường đầu tư, phối hợp giữa các cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp để có thể tiến tới quy mô thương mại. Gần đây, trong khuôn khổ đề tài cấp Bộ, Trung tâm đã nghiên cứu chế tạo thành công chế phẩm nano từ curcumin và chitosan bằng kỹ thuật bức xạ để làm lành vết thương và điều trị sẹo ứng dụng trong lĩnh vực y tế. Sản phẩm đang được thí nghiệm trên chuột bạch và đã cho kết quả khả quan. Bên cạnh đó, việc hợp tác với Trung tâm Công nghệ sinh học (thuộc Viện Nghiên cứu hạt nhân), Trung tâm cũng đang triển khai hướng nghiên cứu tổng hợp các hạt mang nano chứa các hợp chất tự nhiên giúp nâng cao hiệu quả của phương pháp xạ trị trong điều trị ung thư. Đã có 1 bài báo được đăng tải trên tạp chí quốc tế thuộc hệ thống ISI (Q1) và 1 bài báo đang trong quá trình xét duyệt trên tạp chí International Journal of Radiation Biology.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ bức xạ vào việc tổng hợp các polyme thông minh (nhạy pH, nhạy nhiệt, v.v.) ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, y dược cũng sẽ được Trung tâm phát triển trong thời gian sắp tới.

Với 2 nguồn chiếu xạ gamma Co-60 Issledavachel (của Liên Xô cũ và nguồn gamma Co-60 GC - 5000 (BRIT, Ấn Độ), Trung Tâm Công nghệ bức xạ đã và đang phục vụ cho các nghiên cứu của đề tài các cấp, dự án sản xuất thử nghiệm của Trung tâm, các đề tài nghiên cứu tạo đột biến cây, hoa của Trung tâm Công nghệ sinh học và khử trùng sản phẩm kit của Trung tâm Nghiên cứu và Điều chế đồng vị phóng xạ cũng như các đề tài nghiên cứu về đột biến, bất dục của các cơ quan ngoài Viện: Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Hưng Lộc, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Yersin, Trường Đại Học Cần Thơ, Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam, Viện Cây ăn quả Miền Nam, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Bách khoa Tp. HCM, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Bảo vệ thực vật, Hà Nội.

 

Nguồn chiếu xạ Co-60 GC – 5000

 

Từ thực tiễn nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng cho thấy công nghệ bức xạ có thể mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới, tạo ra nhiều sản phẩm sạch để phục vụ cho con người. Với việc kết hợp giữa lý thuyết và thực nghiệm, Trung tâm Công nghệ bức xạ, Viện Nghiên cứu hạt nhân đã và đang áp dụng công nghệ hạt nhân vào đời sống một cách an toàn, hiệu quả, đồng thời đào tạo được một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn công nghệ bức xạ phù hợp, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển đất nước./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 4473

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)