Thứ sáu, 08/06/2018 09:52 GMT+7

Phát triển thị trường công nghệ trong kỷ nguyên 4.0

Thực hiện Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 (Chương trình 2075), trong khuôn khổ của Triển lãm quốc tế về sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông - Vietnam ICT COMM 2018, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) đã tổ chức Hội thảo “Liên kết các tổ chức trung gian công nghệ và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu bằng siêu kết nối thông minh – Phương pháp phát triển mới trong Kỷ nguyên số 4.0”. Hội thảo diễn ra vào chiều 7/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh Hội thảo.
 

Tham dự Hội thảo có ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch Hiệp hội Internet Vietnam, ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ; ông Phạm Đức Nghiệm – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, bà Trần Hồng Lan – Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ, ông Tăng Ngọc Trường An – CEO Ibosses Vietnam, Bà Phạm Kim Loan – Giám đốc doanh nghiệp KH&CN Đức Phúc.

Trong 5 năm trở lại đây, công tác phát triển hệ thống các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN đã đạt được những kết quả nhất định. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với vai trò trung tâm của công nghệ số đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi về phát triển các tổ chức trung gian và thương mại hóa kết quả nghiên cứu bằng siêu kết nối thông minh.

Để góp phần phát triển thị trường KH&CN, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần tham gia thị trường, các hoạt động xúc tiến phát triển thị trường KH&CN để thúc đẩy các hoạt động thương mại hóa công nghệ, tài sản trí tuệ, về cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường KH&CN đã đầy đủ nhưng chưa thực sự hoàn thiện xuất phát từ một số nguyên nhân như: Một số chủ trương, chính sách, biện pháp thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, hỗ trợ phát triển các tổ chức trung gian của thị trường công nghệ đang trong giai đoạn sửa đổi, bổ sung vì vậy cần thêm thời gian để có thể phát huy hiệu quả trên thực tế; Sự kết nối giữa các Viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp KH&CN với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, thương mại còn hạn chế. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tiềm lực về nhân lực, vốn, trình độ quản lý, năng lực nghiên cứu … dẫn đến tình trạng đầu tư ứng dụng và phát triển  KH&CN trong sản xuất hạn chế;  Thiếu các tổ chức trung gian đủ mạnh để cung cấp các dịch vụ kết nối, hỗ trợ bên cung, bên cầu và các bên khác trong các giao dịch liên quan đến công nghệ, tài sản trí tuệ. Các Sàn giao dịch công nghệ hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa khẳng định được vai trò là đầu mối trong việc thu hút, tập hợp công nghệ trong nước và quốc tế.
 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo.
 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Công nghệ có thể chuyển giao trực tiếp từ bên cung sang bên cầu mà không cần có sự can thiệp của tổ chức trung gian. Tuy nhiên sẽ rất rủi ro cho cả bên cung và cầu công nghệ nếu giao dịch không có bên thứ ba đảm bảo. Với vai trò của tổ chức trung gian là sử dụng uy tín của bên thứ ba (có thể là tổ chức của Nhà nước) để hỗ trợ tạo thuận lợi và đảm bảo cho giao dịch công nghệ hoặc tài sản trí tuệ một cách công khai minh bạch, khách quan. Đồng thời, tổ chức trung gian còn có những chức năng khác như: hỗ trợ định giá công nghệ, tư vấn kỹ thuật, nhằm đảm bảo quyền lợi cho bên cung và bên cầu công nghệ.

Thực tế cho thấy, tổ chức trung gian góp phần tăng tỷ trọng giao dịch công nghệ của quốc gia, tạo môi trường hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực KH&CN quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức tham gia thị trường công nghệ.

Một lợi ích khác của tổ chức trung gian là giúp cho cơ quan quản lý nắm bắt được các số liệu về giao dịch công nghệ thông qua sàn, kiểm soát, chọn lọc được công nghệ tốt, loại bỏ các công nghệ lạc hậu không có lợi. Cũng thông qua số liệu của tổ chức trung gian, có thể đánh giá được xu thế của công nghệ để từ đó có định hướng cho nghiên cứu và phát triển sản xuất.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết thêm: Với ý nghĩa quan trong trong việc hình thành và phát triển thi trường KH&CN, những mô hình về tổ chức trung gian trên đang tạo nên những cơ hội để các nhà đầu tư tìm kiếm các sáng chế, kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa trong lĩnh vực nông nghiệp để ứng dụng phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, nhân rộng những mô hình hiệu quả tại các địa phương và trong khu vực tư nhân sẽ thành công lớn trong quá trình kết hợp các hoạt động xúc tiến giao dịch điện tử với hoạt động truyền thông. Đặc biệt, Thứ trưởng Trần Văn Tùng bày tỏ mong muốn: nhận được sự quan tâm, chia sẻ của quý vị đại biểu, đặc biệt là đi sâu phân tích, thảo luận, làm rõ những nội dung trọng tâm về: triển khai các biện pháp phát triển các tổ chức trung gian, phát triển các tổ chức xúc tiến chuyển giao công nghệ tại các trường đại học, tổ chức môi giới công nghệ, tổ chức hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ, đánh giá, định giá công nghệ khu vực tư nhân, tăng cường khai thác thông tin về công nghệ, sở hữu trí tuệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở trong nước và nước ngoài. Đây là những vấn đề thực tiễn liên quan đến phương hướng và giải phái pháp hình thành và phát triển thị trường KH&CN ở Việt Nam.
 

Các diễn giả trực tiếp giải đáp các thắc mắc của các đại biểu tham dự Hội thảo.
 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các tham luận về những điểm mới trong Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 do ông Đỗ Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ trình bày; Thực trạng và định hướng phát triển mạng lưới kết nối cung cầu công nghệ trong kỷ nguyên số do bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ trình bày; Thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu công nghệ bằng siêu kết nối thông minh do ông Nguyễn Hữu Thái Hòa – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chiến lược kiêm Giám đốc chiến lược của Tập đoàn VNPT, chủ tịch Ibosses Vietnam trình bày; Xây dựng hệ thống thông tin cho việc liên kết tổ chức trung gian bằng công nghệ số do ông Hà Tuấn Anh – người sáng lập Học viện đào tạo Digital Marketing Vinalink, chủ tịch CLB SEO Việt Nam trình bày,…

Đặc biệt, tại Hội thảo ông Đỗ Hoài Nam, bà Trần Thị Hồng Lan, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, ông Hà Tuấn Anh đã trực tiếp giải đáp các thắc mắc của các đại biểu tham dự xung quanh các nội dung về Liên kết các tổ chức trung gian công nghệ và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu bằng siêu kết nối thông minh – Phương pháp phát triển mới trong Kỷ nguyên số 4.0.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng trao suất học bổng cho 01 khán giả đạt giải thưởng cao nhất của cuộc thi MiniGame.
 

Ngoài ra, trong khuôn khổ của Hội thảo, ban tổ chức đã tổ chức cuộc thi MiniGame về các nội dung thú vị của hội thảo về các điểm cần nhớ và các kiến thức giá trị nhất từ các bài thuyết trình của các diễn giả. MiniGame là cơ hội để các đại biểu tham dự chương trình thể hiện sự quan tâm của mình vê các nội dung hay nhất của buổi hội thảo, thể hiện sự nhanh nhạy và am hiểu về công nghệ. Có 03 khán giả đã được nhận 3 suất học bổng toàn phần của học viện Vinalink trị giá 1,6 triệu đồng và 01 khán giả đạt giải thưởng cao nhất với suất học bổng trị giá 8 triệu đồng của học viện Vinalink.
 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 7248

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)