Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy, Hội nghị đã thể hiện định hướng mới trong triển khai về KH&CN Việt Nam với định hướng mới doanh nghiệp là trung tâm, các trường đại học – viện nghiên cứu – nhà nước tạo điều kiện tập trung nghiên cứu, triển khai thành sản phẩm cho doanh nghiệp đưa vào cuộc sống.
AI đang trở thành phần tất yếu của cuộc sống
Trí tuệ nhân tạo (tiếng Anh là Artificial Intelligence - AI) là trí tuệ do con người tạo nên cho máy móc với mục tiêu giúp chúng có các khả năng của trí tuệ và trí thông minh của con người. Ngày nay, AI đang hiện diện tại nhiều nơi trên thế giới với những ứng dụng trải khắp trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Nó hỗ trợ cải thiện đáng kể hiệu quả công việc, tiết kiệm sức lao động và giúp con người đưa ra những quyết định đúng đắn hơn. Nhiều chuyên gia nhận định rằng đây sẽ là cơ hội tiềm năng cho các quốc gia và doanh nghiệp phát triển.
Ở Việt Nam, nhiều nhóm nghiên cứu về AI đã đạt được những thành tựu nhất định trong quá trình nghiên cứu, tiêu biểu có thể kể đến các ứng dụng như dịch máy tự động, nhận dạng đối tượng qua camera... Bên cạnh đó, xét trên phương diện quản lý, AI cũng đang có những ảnh hưởng nhất định tới các khía cạnh từ kinh doanh sản xuất tới y tế, giáo dục, giao thông vận tải, nông nghiệp,...
GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐHQGHN: Trong 140 chương trình đào tạo về công nghệ thông tin của Việt Nam, có 57 chương trình liên quan đến AI.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho biết, hiện nay, ĐHQGHN đang có nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài xây dựng mô hình đại học thích ứng với công nghiệp 4.0. Nhóm nghiên cứu đã khảo sát các trường tại Malaysia, trong đó chương trình đào tạo liên quan đến AI chiếm 54%. Tại Việt Nam với 140 chương trình đào tạo về công nghệ thông tin có 57 chương trình liên quan đến AI. Điều đó cho thấy lĩnh vực AI nhận được sự quan tâm của cộng đồng nhà khoa học trong nước và quốc tế. Trong xu hướng 4.0 và sự phát động đổi mới sáng tạo KH&CN của Bộ KH&CN thì mô hình đại học sẽ đi theo hướng đổi mới sáng tạo là tất yếu.
Thiết bị dịch từ tiếng thành chữ, từ chữ thành tiếng của VAIS.
Làn sóng AI đang nâng tầm cuộc sống con người với nhiều giải pháp công nghệ mang tính đột phá. Chúng giúp giải phóng sức lao động để con người có thể khai thác những tiềm năng mới sáng tạo và thú vị hơn. Tại Hội nghị AI4LIFE 2018 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, đã có rất nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ AI được đưa đến triển lãm tại hội nghị (AI tech show). Những sản phẩm này gây ấn tượng đặc biệt với nhiều người bởi sự độc đáo và những ưu việt bất ngờ như thiết bị dịch từ tiếng-thành-chữ, từ chữ-thành-tiếng của VAIS; Công nghệ nhận diện và định danh con người tới từ công ty VP9; ứng dụng đặt giao hàng đồ ăn, đồ uống; trợ lý ảo; Module xử lý ảnh aVision, công nghệ "nhìn bằng trí tuệ nhân tạo - AI Vision"; nhận dạng biển số xe hay ứng dụng đọc được chữ viết tay để hướng dẫn giải toán, ứng dụng tra cứu mọi thông tin về các cây thuốc nam dùng để chữa bệnh cực nhanh chóng và chính xác mà không cần tới hiệu thuốc nam; thiết bị đo sóng điện não đồ BrainWear;....
Diễn giả Hùng Trần – người sáng lập Got It chia sẻ về ứng dụng AI tại Hội nghị.
TS. Trần Việt Hùng (Hùng Trần) – người sáng lập công cụ tìm kiếm và trả lời câu hỏi Got It - doanh nghiệp start up có ứng dụng về giáo dục nằm trong số 10 ứng dụng được tải nhiều nhất tại Mỹ cho rằng, AI hiện hữu quanh cuộc sống của con người. Chiếc điện thoại thông minh có chức năng chụp ảnh tự động lấy nét khuôn mặt đó chính là AI. Hay như trong các giao dịch tự động của ngân hàng, giao thông, y tế, AI cũng tham gia nhiều khâu thay thế con người. Hoặc trong thương mại điện tử, người ta có thể dựa vào dữ liệu người dùng, thói quen mua bán, tiêu dùng để bán được các sản phẩm như mong muốn, không tốn thời gian tồn kho hàng nhiều. Trong giáo dục, AI có thể giúp hiểu được học sinh, sinh viên rất chi tiết. “Trong lớp học, một bạn sinh viên, học sinh không theo kịp mạch giảng của giáo viên thì chưa chắc bạn đó đã không thông minh mà do cách học và dạy của giáo viên. AI có thể biết được cùng một khái niệm, với từng sinh viên khác nhau thì đưa ra các chiến lược giảng dạy khác nhau”, TS Hùng nói.
Theo các chuyên gia, ứng dụng AI trong lĩnh vực nông nghiệp cũng khá phong phú, có thể kể tới khai thác hiệu quả dữ liệu vệ tinh, tự động hóa sản xuất sử dụng công nghệ nơ ron mờ, máy bay không người lái sử dụng công nghệ điều khiển mờ, học máy và phân loại chất lượng sản phẩm sử dụng kỹ thuật học sâu. Có nhiều công ty đã triển khai cung cấp dữ liệu vệ tinh cho các ngành nông nghiệp.
Tạo lập hệ thống dữ liệu dùng chung
Các diễn giả trong phần tọa đàm ngày 10/5.
Để ứng dụng AI, theo TS. Trần Việt Hùng cần có 3 yếu tố chính, đó là dữ liệu; khả năng tính toán, xử lý dữ liệu và cuối cùng là nhân lực. “AI phụ thuộc vào rất nhiều các giải thuật được thiết kế bởi con người và đào tạo các hệ thống trí tuệ nhân tạo do con người. Đó là 3 yếu tố có thể làm ra được sản phẩm liên quan đến trí tuệ nhân tạo thành công”, TS Hùng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với TS. Trần Việt Hùng, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy – Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị AI4LIFE 2018 cho rằng, cần phải đi trước 1 bước, những vấn đề về tạo lập các cơ sở dữ liệu, các hạ tầng dữ liệu dùng chung. Đấy chính là vấn đề, là nguyên liệu cho 1 loại công cụ đặc biệt của AI để giải quyết các vấn đề về chắt lọc các thông tin và tri thức từ các dữ liệu dùng chung.
Cùng với đó, GS. Hồ Tú Bảo – Viện trưởng Viện John von Newmann chia sẻ, AI dựa rất nhiều vào ngành học máy và phân tích dữ liệu. Chúng ta cần phải xây dựng được hạ tầng dữ liệu, hạ tầng pháp lý, có chiến lược, có cách xây dựng dữ liệu từ trung ương đến các Bộ, ngành địa phương, khu vực công, khu vực tư,...
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy: Hội nghị đã thể hiện định hướng mới – lấy doanh nghiệp là trung tâm.
Phát biểu tại Lễ Khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 677 ngày 18/5/2017 hướng tới mục tiêu xây dựng một Hệ tri thức tổng hợp trong mọi lĩnh vực, góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện để mọi người dân học tập suốt đời, làm chủ tri thức, tăng cường nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KH&CN, thúc đẩy phát triển đất nước. Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” gồm 16 thành viên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban và 3 Phó Trưởng ban gồm: Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong. “Điều này tạo nên một nền tảng để tất cả các Bộ, ngành, địa phương, viện, trường, doanh nghiệp... cùng chia sẻ dữ liệu, xây dựng nền tảng tri thức, đem lại sự phát triển cho các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, đồng thời cũng là một cách tập hợp nguồn dữ liệu hiệu quả trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0”, Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Hội nghị có ý nghĩa lớn khi được đặt trong bối cảnh 5 năm gần đây chúng ta có ngày KH&CN Việt Nam 18/5 và cùng thời điểm, tại Bình Định cũng đang diễn ra chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” năm 2018 – sự kiện quy tụ được đông đảo nhà khoa học trong các lĩnh vực khác nhau ở nước ngoài. Thứ trưởng khẳng định, Bộ KH&CN luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu trong việc hỗ trợ, thúc đẩy tìm các giải pháp hướng đến ứng dụng công nghệ nói chung và AI nói riêng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất và phát triển kinh tế xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy KH&CN thực sự làm động lực phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương của Đảng, Chính phủ.
Thứ trưởng đánh giá cao ý tưởng tổ chức hội nghị nhằm tạo cơ hội kết nối, thu hút nhiều người Việt Nam đang làm việc trên toàn thế giới quay về nước đóng góp cho việc tư vấn chính sách để phát triển AI cũng như những góp ý nhằm hạn chế rủi ro trong việc ứng dụng AI trong thực tế. Mặt khác, việc tổ chức hội nghị cũng tạo ra cơ hội trong việc định hướng tái đào tạo ra nguồn nhân lực mới.