Dự báo, năm 2020 toàn thế giới sẽ có khoảng 4 tỷ người kết nối với nhau nhờ có mạng internet và khoảng 25 tỷ thiết bị kết nối internet sẽ trở thành các thiết bị thông minh.
Trong nhiều năm gần đây, Việt Nam luôn nằm trong danh sách 10 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới, vì thế, người sử dụng trong nước cũng bị xếp vào đối tượng bị tấn công thường xuyên nhất.
Ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA).
Ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) nhận định, khi càng có nhiều thiết bị kết nối Internet, thì sẽ càng có nhiều các nguy cơ tấn công mới tại nước ta.
Sự phát triển của công nghệ 4.0 cùng xu hướng kết nối Internet của vạn vật đã đem đến nhiều lợi ích, nhưng kèm theo đó các nguy cơ mất an toàn thông tin sẽ tăng theo cấp số nhân.
Theo Phó GS- TS Trần Đức Sự, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin và Giám sát An ninh mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ, trong hệ thống thông tin có 3 thuộc tính quan trọng, đó là tính bảo mật, tính toàn vẹn và tính sẵn sàng của hệ thống.
Khi mất an toàn thông tin, tức là tính bảo mật của hệ thống bị phá vỡ, thì bất cứ thiết bị kết nối Internet nào hoạt động trong hệ thống đều có thể trở thành thiết bị lây nhiễm mã độc, lây lan virus… Chưa kể, khi người sử dụng Internet có thể kết nối với hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp… bằng các thiết bị ở ngoài mạng nội bộ, mối nguy hiểm lại càng tăng cao.
"Yếu tố con người quyết định hơn 70% tính bảo mật, an toàn của hệ thống. Nguy cơ thứ 2 là trong khi các thiết bị kết nối internet phát triển bùng nổ, thì việc kiểm định về an ninh, an toàn cho thiết bị hầu như còn để ngỏ. Mỗi một thiết bị IoT là một cửa ngõ rất tiềm năng cho hacker khai thác, tấn công, truy cập và kiểm soát toàn bộ hệ thống thông tin", Phó GS- TS Trần Đức Sự phân tích.
Bảo vệ hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia trước "cơn bão IoT"
Thị trường thiết bị Internet kết nối vạn vật (IoT) ở nước ta hiện nay đa phần là thiết bị nhập khẩu nước ngoài, nên cũng chưa có quy trình đảm bảo an ninh, an toàn cho các thiết bị này.
Theo thống kê của Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tháng 4/2018 hàng loạt cuộc tấn công mạng ở nhiều quốc gia trên thế giới lợi dụng nhóm lỗ hổng trên các thiết bị router/switch đã gây ảnh hưởng tới khoảng 1.000 thiết bị ở Việt Nam.
Việt Nam hiện có hơn 310.000 camera giám sát đang kết nối internet, nhưng gần một nửa số thiết bị này có lỗ hổng bảo mật, có thể bị tấn công, theo dõi và chiếm quyền điều khiển bất cứ lúc nào.
Riêng trong quý 1/2018, trên 9 triệu lượt địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma, khoảng 1.400 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin.
Tháng 12/2017, vụ lộ lọt dữ liệu liên quan đến các địa chỉ thư điện tử, trong đó có gần 1.100 địa chỉ thư điện tử có tên miền ".gov.vn" và hơn 800 địa chỉ thư điện tử của các ngân hàng...
Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an cho rằng, không gian mạng là một trong những mối đe dọa thực tế và nguy hiểm đối với an ninh quốc gia, với mỗi tổ chức, cá nhân.
"Bảo vệ an ninh mạng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh thông tin, an ninh mạng; đề xuất các biện pháp, chế tài xử lý đối với các chủ thể vi phạm theo quy định của pháp luật." Trung tướng Hoàng Phước Thuận nhấn mạnh.
Ông Lê Thanh Tâm, Tổng Giám đốc IDG Đông Nam Á khẳng định, trong cuộc cách mạng lần thứ 4 cần phải nhìn trước nhiều vấn đề, trong đó có những nguyên tắc, luật lệ nhất định của quản trị. Chúng ta phải rất thận trọng, nếu không quản trị tốt rất dễ rơi vào sự rủi ro, mất an toàn thông tin./.
Liên kết nguồn tin:
https://vov.vn/cong-nghe/bung-no-iot-de-doa-an-toan-he-thong-thong-tin-trong-yeu-quoc-gia-759240.vov