Ba thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng sẽ là một phần trong mạng lưới các thành phố thông minh của ASEAN do Singapore đề xuất. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đưa ra thông báo này trong chuyến thăm chính thức 3 ngày đến Singapore của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trước Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 32.
Bà Danielle Walsh, Giám đốc Toàn cầu phụ trách mảng kỹ thuật số của HSBC cho rằng cách tiếp cận về mạng lưới thành phố thông minh của Đông Nam Á là một ý tưởng mang tính dẫn đầu trên toàn cầu: Việc hình thành mạng lưới ASCN đồng nghĩa với việc các sáng kiến liên quan đến thành phố thông minh của ASEAN sẽ có sức mạnh tổng hợp lớn hơn tổng sức mạnh của từng sáng kiến riêng lẻ và là đòn bẩy giúp đưa khu vực tiến những bước xa hơn trong những tiến bộ liên quan đến thành phố thông minh trên toàn cầu.
Cơ cấu của “Thành phố thông minh” mở ra yêu cầu xây dựng các khu vực thành thị trong đó tích hợp công nghệ thông tin và truyền thông nhằm nâng cao hoạt động của thành phố về mọi mặt từ quy hoạch giao thông, phát triển cơ sở hạ tầng đến việc bảo tồn năng lượng và nguồn nước.
Sự phát triển của ASCN và các thành phố thông minh nói chung tại Đông Nam Á ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu đô thị hóa ngày càng tăng trong khu vực, vốn tạo áp lực không hề nhỏ lên cơ sở hạ tầng, các biện pháp quản lý khí hậu của thành phố cũng như hệ thống xử lý rác thải và vệ sinh cơ bản cho người dân thành phố.
Khoảng 49% dân số trong khu vực hiện đang sống tại thành thị, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đồng nghĩa với trong khoảng thời gian 2015 đến 2030, có khoảng 100 triệu người trong khu vực ASEAN được kỳ vọng sẽ chuyển từ vùng nông thôn đến sống tại các thành phố.
Bà Jennifer Doherty, Giám đốc Sáng kiến của Khối Quản lý tiền tệ và Thanh khoản Toàn cầu HSBC cho biết, đô thị hóa mang đến tăng trưởng và thịnh vượng cho các nền kinh tế, doanh nghiệp và các cá nhân nhưng đồng thời cũng chứa đựng những thách thức vốn có như sự quá tải, tội phạm, ô nhiễm, bất bình đẳng và giá nhà tăng cao.
“Cá nhân từng quốc gia trong khối ASEAN nhận thức được những vấn đề này và đang nỗ lực hành động hướng đến một tương lai bền vững thông qua các sáng kiến của Thành phố Thông minh, nhưng nếu lý tưởng hợp nhất ASEAN trở thành hiện thực, các chương trình quốc gia này cần được tăng cường kết nối.”
“Thành công cũng sẽ phụ thuộc vào sự hợp tác của các Chính phủ, các nhà điều hành chính sách và các doanh nghiệp. Với mạng lưới hoạt động tại ASEAN, các sáng kiến và trọng tâm phát triển tài trợ bền vững, HSBC có thể hỗ trợ việc thực hiện tầm nhìn này.”
Bà Walsh cho biết thêm, ASEAN đang trên đà chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện và công nghệ hứa hẹn mang đến một cách sống mới, trải nghiệm tốt hơn cho các công dân tại các thành phố thông minh. Theo đó, các cơ hội kinh doanh phát sinh từ mạng lưới các thành phố thông minh là rất lớn.
Sự phát triển của các nền kinh tế kỹ thuật số và tầng lớp trung lưu tại châu Á đang thay đổi cách các cá nhân và doanh nghiệp mua hàng hóa và kỳ vọng của họ đối với các hình thức thanh toán.
Tại Đông Nam Á, có khoảng 4 triệu người trong khối ASEAN có thể truy cập vào Internet mỗi tháng và thị trường thương mại điện tử được kỳ vọng đạt 88 tỉ USD đến năm 2025 với tiềm năng có thể đạt mức 120 tỉ USD./.
Liên kết nguồn tin:
http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Mang-luoi-thanh-pho-thong-minh-ASEAN-sang-kien-dua-Dong-Nam-A-len-vi-tri-dan-dau/335600.vgp