Thứ ba, 24/04/2018 16:31 GMT+7

Hội thảo Chỉ dẫn địa lý nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giaoViệt Nam - Italia

Ngày 17/4/2018, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Đại sứ quán Italia và Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Hội thảo “Chỉ dẫn địa lý tại Italia và Việt Nam: chia sẻ thông tin và kinh nghiệm” tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Italia.

Tham dự Hội thảo có: Đại sứ Cộng hòa Italia tại Hà Nội Cecilia Piccioni; Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thọ Đạt; Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lê Ngọc Lâm cùng hơn 80 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế, cơ quan quản lý, học viện, trường đại học, các sở khoa học và công nghệ, hiệp hội, doanh nghiệp.

 

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lê Ngọc Lâm phát biểu khai mạc tại Hội thảo

 

Hội thảo tập trung vào ba chủ đề chính: hệ thống chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam và Italia và các cam kết về chỉ dẫn địa lý trong EVFTA; vai trò của khoa học và công nghệ trong việc bảo vệ chỉ dẫn địa lý; những đóng góp của chỉ dẫn địa lý trong việc thúc đẩy kinh tế địa phương.

Trình bày báo cáo tại Hội thảo là các chuyên gia đến từ Phái đoàn Liên minh châu Âu, Đại sứ quán Italia, Cục Sở hữu trí tuệ, giảng viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, đại diện Hiệp hội rượu vang Prosecco, Hiệp hội thịt nguội Parma, Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, Hiệp hội nước mắm Phú Quốc.

 Thông qua Hội thảo, các nhà quản lý, hiệp hội, doanh nghiệp, các nhà sản xuất, chế biến và kinh doanh trong lĩnh vực chỉ dẫn địa lý của Việt Nam phần nào hiểu thêm về hệ thống chỉ dẫn địa lý của Italia và những kinh nghiệm của Italia trong việc bảo hộ, quản lý và phát triển sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và những tác động và đóng góp của chỉ dẫn địa lý đối với kinh tế nông thôn và ngành nông nghiệp và thực phẩm tại Italia và Việt Nam.

  Italia hiện có số lượng chỉ dẫn địa lý lớn nhất EU trong đó có 571 sản phẩm mang tên gọi xuất xứ được bảo hộ (PDO), 243 sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ (PGI) và 02 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm truyền thống (TSG). Doanh thu mà các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý hàng năm chiếm khoảng 10% doanh thu của nền kinh tế nông nghiệp và thực phẩm Italia, đạt khoảng 7,8 tỉ Euro giá trị xuất khẩu và chiếm 21% tổng sản phẩm xuất khẩu của ngành nông nghiệp và thực phẩm của Italia. Những con số ấn tượng này đã cho thấy vai trò và đóng góp rất quan trọng của chỉ dẫn địa lý đối với sự phát triển kinh tế của Italia và là minh chứng cho sự phát triển của hệ thống chỉ dẫn địa lý của Italia.

Ngay khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cũng được nếm thử các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và Italia như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột, rượu vang Prosecco và thịt nguội Parma - những thành quả tuyệt vời của các nhà sản xuất, người nông dân đến từ Italia và Việt Nam.

 

 Một số hình ảnh về sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của Italia và Việt Nam được trưng bày tại Hội thảo:

 

 

 

 

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 2713

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)