Thứ sáu, 13/04/2018 13:15 GMT+7

Việt Nam ở rất gần so với nhóm nước có tiềm năng phát triển 4.0

Dù các chỉ số của Việt Nam còn rất khiêm tốn, song nếu nhìn nhận tổng hòa có thể thấy, Việt Nam ở rất gần so với nhóm có tiềm năng phát triển 4.0.

Đó là thông tin được ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ quý I tổ chức chiều 10/4 tại Hà Nội.

Trong một báo cáo mới đây về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai "Readiness for the Future of Production Report 2018" do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) mới công bố, trong tổng số 100 quốc gia được đánh giá, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Phản hồi về thông tin này, ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN thông tin rằng không thể lấy báo cáo của WEF làm thước đo chính xác cho việc Việt Nam đã sẵn sàng cho Cách mạng Công nghiệp 4.0 hay chưa và cần có cái nhìn chính xác hơn về vấn đề này.

Theo ông Dương, WEF xây dựng báo cáo này dựa trên điều tra ở 100 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Báo cáo này được dựa trên hai nhóm chỉ số chính: Thứ nhất là nhóm về cấu trúc của sản xuất bao gồm 3 chỉ tiêu. Nhóm thứ 2 là bao gồm các yếu tố dẫn dắt sản xuất, nhóm này rất lớn gồm 59 chỉ tiêu. Trong nhóm 2 thì công nghệ đổi mới, sáng tạo chiếm 17 chỉ tiêu. Mỗi chỉ số sẽ được xếp hạng riêng nhưng cuối cùng điều quan trọng nhất là phải xem chỉ số tổng hòa là bao nhiêu.

“Báo cáo này dựa trên nhiều chỉ số, tiêu chí riêng do WEF quyết định và không được coi là cơ sở để đánh giá một cách toàn diện”, ông Dương thông tin.
 

Bộ KH&CN họp báo thường kỳ Quý I/2018.
 

Theo ông Đàm Bạch Dương, thẳng thắn nhìn nhận, dù các chỉ số của Việt Nam còn rất khiêm tốn, song “nếu theo dõi theo dạng biểu đồ với trục tung, trục hoành, có thể thấy, Việt Nam ở rất gần so với nhóm có tiềm năng phát triển 4.0”.

“Trong tổng số 62 nhóm chỉ tiêu thì mỗi nhóm chỉ tiêu có mức xếp hạng riêng. Nhưng nhìn trong chỉ số tổng hòa thì cấu trúc sản xuất Việt Nam xếp 48/100, chỉ tiêu dẫn dắt sản xuất Việt Nam xếp 53/100. Như vậy nếu nhìn chỉ số này không đến nỗi tệ. Nếu chiếu các con số này trên biểu đồ hình sin thì Việt Nam thuộc nước tiệm cận với nhóm quốc gia có tiềm năng trong giai đoạn tới”, ông Dương nói.

Cũng theo ông Dương, WEF xây dựng báo cáo này dựa theo một phương pháp đánh giá nhất định, thông thường thì người ta có nhiều phương pháp đánh giá. Mỗi phương pháp thường có một sai số nhất định. “Ở một số chỉ số đánh giá về Việt Nam trong báo cáo có sự chênh lệch so với thực tế do thời điểm làm báo cáo với thời điểm công bố cũng có sự không đồng nhất”, ông Dương cho biết.

Bổ sung thêm thông tin này ông Bùi Thế Duy – Chánh Văn phòng Bộ KH&CN, cho rằng về trình độ công nghệ có những đánh giá khác nhau, báo cáo này đánh giá sâu về sản xuất. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận hiện năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt còn hạn chế. Theo đó trong các chỉ đạo tại Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng và Nghị quyết 27 của Chính phủ đều có định hướng là sẽ nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp.

Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/viet-nam-o-rat-gan-so-voi-nhom-nuoc-co-tiem-nang-phat-trien-40-d141794.html

 

Nguồn: vietq.vn

Lượt xem: 4510

TAGS : CMCN 4.0
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)