Thứ sáu, 06/04/2018 15:54 GMT+7

Kiểm soát nhập khẩu công nghệ: Hoàn thiện hành lang pháp lý

Từ nhiều năm qua, việc tìm giải pháp ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhập khẩu công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng, nguyên nhiên, vật liệu và gây ô nhiễm môi trường đặt ra rất cấp thiết. Kiểm soát tốt tình hình nhập khẩu công nghệ sẽ giúp Việt Nam tránh được tình trạng trở thành “bãi rác công nghệ” trong tương lai.

Cần chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất

Với mục tiêu ngăn ngừa nhập khẩu công nghệ lạc hậu, tác động xấu đến môi trường, những năm gần đây, việc kiểm soát nhập khẩu công nghệ các dự án đầu tư được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Thương mại, Luật Xây dựng. Bên cạnh đó, đối với việc nhập khẩu các thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng cũng được kiểm soát thông qua các quy định như Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; Nghị định số 12/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài; Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng (Thông tư số 23).

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), từ năm 2011 đến nay, Bộ đã có ý kiến đối với 284 dự án đầu tư. Bên cạnh đó, giai đoạn 2010 - 2017, có 115 hợp đồng chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam với tổng giá trị ước tính khoảng 447.000 tỷ đồng.

Để tăng cường công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 đã dành một Chương quy định về công tác này, trong đó bổ sung các quy định như: Mở rộng đối tượng dự án đầu tư cần phải thẩm định/có ý kiến về công nghệ trong từng giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư; biện pháp quản lý đối với trường hợp chủ đầu tư điều chỉnh, thay đổi nội dung công nghệ đã được thẩm định; hoạt động kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai, thực hiện; nội dung giải trình về công nghệ và nội dung thẩm định về công nghệ tương ứng với từng giai đoạn quyết định chủ trương và giai đoạn quyết định đầu tư dự án; trách nhiệm của các cơ quan trong việc thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ. Bộ KH&CN đang khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện Luật Chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã xây dựng nội dung sửa đổi Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN và phối hợp với Bộ Công Thương đưa vào Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương. Nội dung sửa đổi Thông tư tập trung vào việc: Quy định tiêu chí nhập khẩu chung là tuổi thiết bị không quá 10 năm, riêng đối với lĩnh vực cơ khí, tuổi không quá 20 năm.

Đặc biệt, đối với dự án đầu tư dịch chuyển cả nhà máy từ nước ngoài sang Việt Nam, không áp dụng tiêu chí tuổi của máy móc, thiết bị mà kiểm soát thông qua công nghệ áp dụng và chất lượng, hiệu suất còn lại của thiết bị được giám định tại nước ngoài, trước khi đóng gói, nhập khẩu. Quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự thủ tục cho phép nhập khẩu thiết bị trong trường hợp đặc biệt…

Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan điều chỉnh hệ thống các văn bản pháp luật liên quan để có hành lang pháp lý triển khai đồng bộ công tác thẩm định công nghệ; xây dựng chính sách nhập khẩu công nghệ phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.

Liên kết nguồn tin:

http://baocongthuong.com.vn/kiem-soat-nhap-khau-cong-nghe-hoan-thien-hanh-lang-phap-ly.html

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 4625

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)