Thứ năm, 22/03/2018 10:02 GMT+7

Nhân lực khoa học và công nghệ: Đổi mới lượng và chất

Nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) được nhận định là nguồn lực đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế. Vì vậy, thời gian qua, nhà nước đã tạo nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ này.

Công tác đào tạo có vai trò quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Phát triển nhanh

Theo thống kê của Bộ KH&CN, hiện cả nước có 167.746 người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển. Trong đó, lượng người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển trong khu vực nhà nước là 141.084 người (chiếm 84,1%), khu vực ngoài nhà nước: 23.183 người (13,8%), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài: 3.479 người (2,1%). Đặc biệt, số lượng có trình độ tiến sỹ: 14.376 người, thạc sỹ: 51.128 người, đại học: 60.719 người…

Đội ngũ nhân lực tăng nhanh là nhân tố quan trọng giúp hoạt động KH&CN thời gian qua khởi sắc hơn. Cụ thể, số công trình của Việt Nam được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế ISI tăng khoảng 20%/năm. Còn theo báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2017 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam xếp hạng 47/127 quốc gia và nền kinh tế, vượt 12 bậc so với năm 2016. Bên cạnh đó, khoa học cơ bản của Việt Nam đạt được vị trí trong top đầu của các nước ASEAN.

Một số thành tựu KH&CN do đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu có đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam thời gian qua như: Thiết kế, chế tạo thiết bị cơ khí thuỷ công cho nhà máy thủy điện công suất lớn; chế tạo giàn khoan dầu tự nâng ở độ sâu 90 m nước; công nghệ khai thác dầu trong đá móng; sản xuất thành công máy biến áp 500 kV… làm chủ quy trình ghép tạng, nghiên cứu và sản xuất thành công vắc-xin.

Tăng chính sách đãi ngộ

Hiện nay, thông qua việc áp dụng chính sách ưu đãi, trọng dụng cán bộ KH&CN, nhiều quốc gia đã có bước phát triển nhanh. Điển hình như Hàn Quốc, đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước đã quyết tâm thành lập Viện KH&CN Hàn Quốc (KIST), trong đó, quy định lương của nhà khoa học cao gấp 3 đến 5 lần so với lương của giáo sư ở trường đại học; áp dụng cơ chế tự quản, quyền tự chọn người, chọn nhà khoa học và có quỹ riêng… Kết quả, sau 40 năm, Viện KIST đã trở thành 1 trong 10 viện hàng đầu thế giới và Hàn Quốc cũng trở thành quốc gia công nghiệp hóa thành công nhất.

Tại Việt Nam, thời gian qua, bên cạnh Luật KH&CN năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN. Theo đó, đưa ra các chính sách đãi ngộ một số nhóm đối tượng chính cần được quan tâm đặc biệt. Đó là, cán bộ KH&CN đầu ngành, cán bộ KH&CN được giao nhiệm vụ chủ trì các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia và cán bộ KH&CN trẻ tài năng. Việc thành lập Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia cũng tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ tìm đến có cơ hội thực hiện nhiệm vụ về KH&CN cấp nhà nước. 

Đặc biệt, gần đây, Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) đi vào hoạt động theo mô hình Viện KIST đã đem lại nhiều kỳ vọng trong việc hình thành và phát triển đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ có trình độ, năng lực cao. Theo đó, Viện V-KIST được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù bảo đảm khuyến khích nhà khoa học trình độ cao là người nước ngoài, người Việt Nam trong và ngoài nước tham gia hoạt động khoa học. Ngoài chế độ lương cao, mỗi nhà khoa học tại V-KIST sẽ được tạo điều kiện tốt nhất để tự do thực hiện công việc nghiên cứu, đưa nhanh thành tựu khoa học kỹ thuật vào cuộc sống.

Theo Chiến lược Phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2020, số cán bộ nghiên cứu đạt 11-12 người/10.000 dân; đào tạo 10.000 kỹ sư đạt chuẩn quốc tế, đủ năng lực tham gia điều hành, quản lý dây chuyền sản xuất công nghệ…

Liên kết nguồn tin:

http://baocongthuong.com.vn/nhan-luc-khoa-hoc-va-cong-nghe-doi-moi-luong-va-chat.html

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 8533

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)