Thứ sáu, 16/03/2018 16:14 GMT+7

Mở đường cho thuê dịch vụ công nghệ thông tin

Thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng và giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, được cụ thể hóa bằng Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng về quy định thí điểm thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước. Nhưng đến nay, do chưa có văn bản hướng dẫn nên việc triển khai gặp không ít vướng mắc…

Việc triển khai thuê dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) theo Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg có vai trò quan trọng. Cụ thể, thuê ngoài dịch vụ giúp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp rút ngắn thời gian triển khai ứng dụng CNTT so với thực hiện quy trình đầu tư theo Nghị định số 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách.

Đồng thời, giúp chính các cơ quan nhà nước tối ưu hóa nhân lực CNTT. Việc làm này huy động được nguồn lực xã hội từ doanh nghiệp và giảm chi phí đầu tư ban đầu, cũng như các rủi ro đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động ứng dụng CNTT.

Tuy nhiên, việc triển khai thuê ngoài cũng đã gặp không ít khó khăn ở khâu ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ. Tại các hội thảo, tọa đàm về triển khai ứng dụng CNTT tổ chức gần đây, đại diện các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cũng đã kiến nghị về vấn đề này. Trong đó, các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố (là đơn vị sử dụng dịch vụ) gặp khó khăn trong lựa chọn hình thức triển khai khi các tiêu chí thuyết minh tính hiệu quả giữa hình thức thuê dịch vụ và hình thức đầu tư rất khó xác định.

Ngoài ra là khó khăn khi lập dự toán thuê dịch vụ CNTT vì không xác định được chi phí thuê, khó tham chiếu được báo giá của 3 nhà cung cấp do các giải pháp CNTT khác nhau; việc lập, phê duyệt kế hoạch, dự án thuê dịch vụ CNTT cũng gặp vướng mắc do không xác định được nguồn vốn (hạn mức ngân sách). Cùng với đó là khó khăn trong phê duyệt dự toán, vì chưa có đầy đủ văn bản pháp lý để người có thẩm quyền làm căn cứ đưa ra quyết định phê duyệt dự toán.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thì gặp khó khăn trong thẩm định giá thuê dịch vụ. Các đơn vị thẩm định giá chỉ thẩm định giá thiết bị, phần mềm CNTT theo văn bản đã cũ của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong khi văn bản này không được áp dụng để xác định giá dịch vụ CNTT.

Được biết, trong số các đơn vị cung cấp dịch vụ CNTT, Tập đoàn VNPT đã triển khai cung cấp dịch vụ ở 34 cơ quan nhà nước là UBND tỉnh, thành phố, bộ, ngành… Theo VNPT, do chưa có quy định về định mức đơn giá thuê, nên cả đơn vị sử dụng vốn nhà nước (đi thuê) và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gặp khó khăn vì chưa có phương pháp tính giá; nhất là khi xác định thuê dịch vụ quản trị, an toàn bảo mật, phần mềm quản lý chuyên ngành.

Vì vậy, VNPT kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện thuê dịch vụ CNTT về tiêu chí thuyết minh hiệu quả khi lập đề án, thẩm quyền quyết định thuê, mẫu hợp đồng khung dịch vụ.

Ngoài ra, cần có định hướng về động lực dịch chuyển cơ cấu đầu tư sang thuê ngoài đối với khối hành chính công, quy định một số loại hình triển khai thí điểm theo hình thức bắt buộc, khuyến khích thuê… Và quan trọng hơn khi thuê ngoài dịch vụ CNTT phải là thuê để cung cấp các dịch vụ cuối cùng, chứ không chỉ là thuê máy, thuê phần mềm để lãng phí.

Như vậy, việc triển khai thuê dịch vụ CNTT còn nhiều vướng mắc về luật pháp, thủ tục, giá thuê, kinh phí thuê, nhưng điểm vướng nhất vẫn là... tư tưởng. Để đẩy mạnh ứng dụng CNTT thì bộ máy hành chính phải gương mẫu thực hiện. Đầu tiên là sự quyết tâm của người đứng đầu và chỉ như vậy thì bộ máy mới triển khai nhanh và hiệu quả./.

Liên kết nguồn tin:

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Cong-nghe/895268/mo-duong-cho-thue-dich-vu-cong-nghe-thong-tin

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 7512

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)