Thứ hai, 12/03/2018 21:39 GMT+7

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong thương mại điện tử: Luật có nhưng chưa đủ mạnh để xử lý

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng cho biết, hiện có nhiều chính sách bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nhưng chưa đủ và chưa mạnh.

Toàn cảnh Hội thảo.
 

Sáng 12/3/2018, Hội thảo công bố Báo cáo đề xuất nhằm cải thiện việc Bảo vệ quyền SHTT ở Việt Nam do Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam), Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Văn phòng sáng chế và thương hiệu Hoa Kỳ (USPTO) phối hợp với Thanh tra Bộ KH&CN tổ chức.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo, sản xuất thông minh. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, bên cạnh thị trường truyền thống, hoạt động kinh doanh diễn ra ngày càng nhiều trong môi trường thương mại điện tử. Những lợi ích từ việc chuyển đổi này là rất lớn, có sức hấp dẫn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh này cũng đối mặt với những thách thức lớn, trong đó có vấn đề bảo hộ, thực thi quyền SHTT. Về cơ bản, ở bước thứ nhất, các tranh chấp về SHTT đã được giải quyết ở Cục SHTT và Thanh tra Bộ KH&CN.
 

Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo.
 

“Hiện nay, chúng tôi đang đưa ra giải pháp tăng cường sự đối thoại giữa các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, giữa người giải quyết các vấn đề về SHTT với các doanh nghiệp, giữa cơ quan đại diện sở hữu công nghiệp với các doanh nghiệp… Tôi thấy rằng ở thời điểm này đây là giải pháp thích hợp giúp doanh nghiệp hiểu rõ về quyền SHTT và biết mình sai ở đâu. Từ đó, doanh nghiệp tự nguyện rút ra khỏi sai lầm. Đây là giải pháp Bộ KH&CN tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.

Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho rằng chính những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo hộ quyền SHTT đã góp phần giúp các doanh nghiệp Hoa Kỳ hoạt động kinh doanh hiệu quả tại thị trường này. Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở Hoa Kỳ hay các nước khác, vấn đề bảo hộ quyền SHTT là nền tảng xây dựng nền kinh tế tri thức và là nhân tố quan trọng cho sự thịnh vượng của mỗi quốc gia.

Cũng tại Hội thảo, đại diện của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng bảo vệ quyền SHTT khuyến khích tinh thần kinh doanh, hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân. Ngoài ra, điều này còn thúc đẩy sự phát triển của các hệ sinh thái công nghệ cao, và những công việc thu nhập cao cho lao động có trình độ.

Tuy nhiên, ông Adam Sitkoff – Giám đốc điều hành của Amcham cho rằng: “Việc bảo vệ và thực thi quyền SHTT ở Việt Nam vẫn còn nhiều phức tạp và cơ chế thực thi của Chính phủ cần được cải tiến một cách rộng rãi để có thể xóa bỏ, trừng phạt và ngăn chặn vi phạm quyền SHTT một cách có hiệu quả”.

Ông Adam nhấn mạnh: “Những khoản phạt hành chính không đủ ảnh hưởng để có thể giữa vai trò như một biện pháp ngăn chặn thực sự”.
 

Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN phát biểu tại Hội thảo.
 

Thực tế, theo con số được bà Nguyễn Như Quỳnh – Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN đưa ra, trong giai đoạn 2012-2015, có 98,37% các xâm phạm quyền SHTT được xử lý bởi cơ quan hành chính. Các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử chủ yếu do Thanh tra Bộ KH&CN, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương)… xử lý.

“Ba hành vi vi phạm chủ yếu là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong môi trường thương mại điện tử; cạnh tranh không lành mạnh trong tên miền; quảng cảo xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” – bà Quỳnh cho biết.

Cũng theo bà Quỳnh, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng năm sẽ tăng trưởng khoảng 22%. Trong 5 năm tới, quy mô thị trường này tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD. Vì thế, Việt Nam cần có nhiều hơn các chính sách, quy định để bảo hộ và thực thi quyền SHTT một cách có hiệu quả. Và cần phải đẩy mạnh vai trò của tòa án trong xử lý vi phạm quyền SHTT.

Thời gian qua Thanh tra Bộ KH&CN đã phối hợp với một số bộ, ngành khác xử lý thành công một số hành vi xâm phạm quyền SHTT trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam như: Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (xâm phạm tên nhãn hiệu, tên thương hiệu…), hành vi cạnh trong không lành mạnh liên quan đến tên miền, hành vi quảng cáo các loại hàng hóa xâm phạm quyền SHTT.

Được biết, hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên Internet được quy định tại Điều 10, Điều 21 của Thông tư 11/2015/TT-BKHCN và Thông tư 47/2014/TT-BCT của Bộ Công thương. Theo những văn bản pháp luật này, trang thông tin điện tử là phương tiện kinh doanh và khi có hành vi quảng cáo hoặc bán hàng vi phạm quyền SHTT sẽ bị xử lý như các trường hợp vi phạm khác.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 4677

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)